90 ngày chạy đua đàm phán thuế

Cần lộ trình kiểm soát gian lận xuất xứ

Tình trạng hàng hóa từ nhiều quốc gia chuyển vào VN để xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế hay được hưởng ưu đãi thuế thấp hơn đã được nói đến rất nhiều lần trong những năm qua.

GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng cần đưa ra lộ trình hay chính sách để "trấn áp mạnh gian lận xuất xứ" và tính minh bạch của hàng hóa cần đi đôi với ứng dụng công nghệ. Thời gian qua, VN rất nỗ lực trong việc chứng minh rằng hàng hóa xuất khẩu của chúng ta không phải là hàng được chuyển từ thị trường khác đến. Thế nên, để quản lý vấn đề chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, cùng với siết chặt quản lý xuất xứ, VN sẵn sàng đối thoại, hợp tác với hải quan Mỹ, áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc nhằm loại bỏ nghi ngờ về gian lận thương mại. Song song đó, tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu sản xuất ngành may mặc, da giày thay vì phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Bởi tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu sẽ giúp ngành nội địa giảm thiểu rủi ro, tránh tình trạng hàng hóa nước khác mượn xuất xứ Việt để sang thị trường thứ ba.

90 ngày chạy đua đàm phán thuế- Ảnh 1.

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ khai phá thị trường và phát triển công nghệ trong bối cảnh thương mại thế giới thay đổi lớn

ẢNH: NGỌC THẮNG

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN, phân tích: Tình trạng gian lận xuất xứ, né thuế ở VN để xuất khẩu vào Mỹ hiện mới chỉ là nghi vấn mà chưa có chứng cứ, số liệu chi tiết như bao nhiêu phần trăm hàng hóa VN xuất khẩu vào Mỹ là lấy từ nước khác. Nhiều năm qua, VN vẫn có quy trình, tiêu chuẩn, quy định khi cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa để thực hiện các ưu đãi nằm trong những hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó cũng có việc kiểm tra gian lận xuất xứ thường xuyên. Quy định về xuất xứ hàng hóa có loại để doanh nghiệp (DN) được hưởng ưu đãi về thuế, có loại để chống các trường hợp gian lận thương mại như để né các biện pháp trợ cấp, bán phá giá bằng cách "mượn" hoặc làm giả xuất xứ nước thứ ba. Các DN đầu tư nước ngoài khi mở nhà máy tại VN cũng sẽ tuân thủ theo các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan của các nước theo các hiệp định FTA.

Tuy nhiên, khi VN có nhiều FTA đi vào thực hiện thì nguy cơ hàng hóa nước ngoài lợi dụng khai thác xuất xứ để hưởng lợi cũng khá lớn. Bên cạnh đó, không chỉ liên quan đến các FTA mà còn có gian lận xuất xứ ngay cả khi không có FTA (không có ưu đãi thuế). Vì vậy, cần nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Các tổ chức được trao nhiệm vụ cấp chứng nhận xuất xứ cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, Bộ Công thương và các sứ quán VN tại nước ngoài, hải quan VN và nước ngoài để bịt chặt các lỗ hổng trong gian lận xuất xứ. 

Đặc biệt, trong bối cảnh đang có nghi vấn mà chưa có chứng cứ rõ ràng về việc hàng hóa nước khác đội lốt "made in VN" để trung chuyển tới Mỹ thì cần khẩn trương, kiên quyết điều tra bịt chặt lỗ hổng này nếu có. Song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng phải thường xuyên cập nhật, thống kê lượng hàng hóa xuất khẩu để phát hiện các trường hợp tăng đột biến mà không phải do tăng trưởng hoạt động sản xuất ở VN. Đồng thời, phía VN cũng cần phối hợp, trao đổi với các nước thành viên trong các hiệp định thương mại để có thông tin về hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại…

Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi nỗ lực kết nối, tìm kiếm cơ hội để giúp DN quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng mới... Về lâu dài, TP sẽ định hướng chiến lược thị trường cho từng ngành, đặc biệt là thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và sản xuất nguyên phụ liệu trong nước để tăng tính tự chủ cho DN sản xuất xuất khẩu.


Ông Bùi Tá Hoàng Vũ (Giám đốc Sở Công thương TP.HCM)

Chạy đua mở các thị trường mới

Bên cạnh việc giải quyết thỏa đáng các yêu cầu của Mỹ, cuộc chạy đua mở thị trường mới cũng đang được triển khai trên diện rộng.

Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin: Để hỗ trợ DN chạy đua 90 ngày hoàn tất các đơn hàng cũ, tìm kiếm thị trường mới…, Sở đẩy mạnh một số chương trình kết nối, hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; tham mưu cho TP để có thể bố trí nguồn lực hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, giúp giảm chi phí trong quá trình tiếp cận và mở rộng thị trường.

90 ngày chạy đua đàm phán thuế- Ảnh 2.

Hỗ trợ doanh nghiệp tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng VN

ẢNH: Đào Ngọc Thạch

"Việc mở rộng thị trường mới đối với DN có quy mô nhỏ và vừa là điều không đơn giản. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi nỗ lực kết nối, tìm kiếm cơ hội để giúp DN quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng mới. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, trong đó có hội chợ "Hàng VN tiêu biểu xuất khẩu" sẽ tiếp tục được duy trì nhằm tăng nhận diện thương hiệu hàng Việt tại thị trường quốc tế. Về lâu dài, TP sẽ định hướng chiến lược thị trường cho từng ngành, đặc biệt là thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và sản xuất nguyên phụ liệu trong nước để tăng tính tự chủ cho DN sản xuất xuất khẩu", ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu, xuất khẩu vào thị trường Mỹ năm vừa qua chiếm khoảng 15% doanh số xuất khẩu của công ty, thấp hơn so với những năm trước, do công ty đã mở rộng thêm thị trường ở nhiều khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Trung Quốc và gần nhất là Trung Đông…

Ông Luận nhấn mạnh, không chỉ Mỹ mà thị trường nào cũng có nhiều khó khăn, bởi hàng nông sản của VN nói chung hay sản phẩm cà phê đặc sản của công ty chưa có chỗ đứng. Hiện nay, Trung Đông đã bắt đầu mua nhiều nông sản của VN và đây là thị trường còn nhiều tiềm năng để DN Việt có thể đẩy mạnh và thâm nhập sâu hơn. Bởi thị trường Mỹ khá lớn nhưng cũng có sự cạnh tranh rất cao, khi hầu như DN trên toàn cầu đều nhắm đến nên đôi khi sản phẩm của VN bị giảm đi nhiều so với việc đến các thị trường khác. Ngoài việc mở thị trường mới, ông Luận cũng khuyến cáo các DN đừng quên thị trường nội địa. Chính phủ cần khuyến khích và thật sự có chiến lược cụ thể để người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng VN; bản thân DN phải nâng cao chất lượng hàng hóa với giá cả hợp lý để cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước.

Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, cũng đồng tình hàng VN nói chung và dệt may nói riêng còn rất nhiều thị trường đã ký các FTA song phương, đa phương có thể khai thác được. Ví dụ, thị trường Trung Đông khá tiềm năng nhưng nhiều DN may trong nước chưa tiếp cận, chưa biết gì. Từ trước đến nay, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao VN ở nước ngoài như lãnh sự, tham tán thương mại… vẫn chủ yếu tập trung vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

"Trong bối cảnh hiện nay, nếu để DN tự tìm kiếm khách hàng ở các thị trường mới thì sẽ mất nhiều thời gian và khó khăn. Do vậy, các bộ ngành và cơ quan đại diện ngoại giao VN ở nước ngoài có thể hỗ trợ thực hiện kết nối giao thương ở nhiều thị trường khác, có thể nhỏ hơn những thị trường lớn và truyền thống trước đây. Cụ thể, thông qua các cuộc gặp gỡ chia sẻ thông tin với hiệp hội ngành hàng, nhiều nhóm DN. Những kết nối này chỉ cần tổ chức ban đầu 1 - 2 lần để DN được tiếp cận thông tin cơ bản như nhu cầu, sản phẩm họ đang mua của quốc gia nào, có gì đặc biệt…", ông Trần Như Tùng đề xuất.

Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Phạm Thế Anh (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) nhận định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm hoãn thuế đối ứng với nhiều quốc gia, bao gồm VN, trong thời gian 90 ngày sẽ mở ra cơ hội đàm phán để cùng cải thiện các vấn đề giữa hai bên. VN cần chuẩn bị đầy đủ thông tin để bước vào đàm phán và lường trước các tình huống. Tuy nhiên, ông lưu ý dù kết quả thế nào thì rõ ràng hoạt động thương mại quốc tế sẽ thay đổi so với trước. Cuộc chơi thương mại toàn cầu đã thay đổi và VN cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, tránh phụ thuộc vào một thị trường nào, dù đó là thị trường lớn như Mỹ. Từ trước đến nay, việc đa dạng hóa thị trường đã được đề cập nhiều nhưng có lẽ các DN nói chung chưa thực hiện quyết liệt. Tương tự, các cơ quan của Chính phủ cũng cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cho DN nhiều hơn. Việc này đã trở nên sát sườn, cấp bách nên DN phải chủ động, quyết liệt và các bộ ngành cũng phải hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn

Để hỗ trợ DN trước tình trạng thương mại toàn cầu căng thẳng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lưu ý các bộ ngành cần có những giải pháp hữu hiệu. Đó là các chính sách tài khóa, các giải pháp giãn, hoãn thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành thì làm ngay. Các chính sách miễn, giảm thuế thì tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ngay để Quốc hội ban hành nghị quyết. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng phải nhanh, kịp thời, cắt giảm thủ tục hành chính...

90 ngày chạy đua đàm phán thuế- Ảnh 3.

Cần chính sách khuyến khích thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa cho hàng VN

ẢNH: Đào Ngọc Thạch

Ông Trần Như Tùng thông tin: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỉ đồng để hỗ trợ DN. Nếu được, gói tín dụng này nên mở rộng cho các DN bị tác động vì chính sách thuế đối ứng khi xuất khẩu vào Mỹ với lãi suất ưu đãi để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Bởi trường hợp nếu đơn hàng giảm sút thì dòng tiền của DN sẽ sụt giảm. Đồng thời, các tổ chức tín dụng triển khai thêm các gói tín dụng ưu đãi để DN dệt may mạnh dạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để DN tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Ví dụ, chính sách giảm 30% tiền thuê đất đang chờ công bố cần phải được thực hiện nhanh, đến tận tay DN, vì trước đây có nhiều đơn vị vướng mắc ở các thủ tục mà không thể tiếp cận được.

PGS-TS Phạm Thế Anh nhận xét: Chính sách hỗ trợ DN trong tình hình hiện nay vẫn xoay quanh giảm tiền thuê đất, cải thiện thủ tục hành chính để giảm mạnh chi phí không chính thức. Tuy nhiên, cần có chính sách khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho hàng hóa VN. Đây là những vấn đề đã được nhắc đến nhiều năm trước nhưng hiện nay phải làm quyết liệt vì lợi ích của DN lẫn quốc gia. Thậm chí trong các giải pháp, vấn đề đặt ra để thực hiện đàm phán về thuế quan với Mỹ, VN cũng cần đưa ra kịch bản chủ động liên quan để thực hiện gia tăng tỷ lệ nội địa hóa song song với hệ thống kiểm soát bằng công nghệ để chống gian lận xuất xứ. 

Ví dụ, với từng ngành hàng, tương ứng với tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm đạt mức cao thì sẽ được hưởng thuế xuất khẩu vào Mỹ ở mức thấp; nếu tỷ lệ nội địa hóa thấp thì sẽ phải chịu thuế cao hơn… Ngoài ra, Chính phủ cần có định hướng, chiến lược cụ thể để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Chiến lược phát triển mang tính lâu dài là phải có ưu đãi về thuế, tiền thuê đất trong thời gian dài hay thủ tục hành chính phải được số hóa, đổi mới, mang lại lợi ích thật sự cho DN.

"Giả sử trong đàm phán khi đề cập vấn đề hàng VN, chống gian lận xuất xứ… thì tỷ lệ nội địa hóa của từng ngành hàng sẽ như thế nào và VN có thể nêu ra. Các DN nói chung, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài đang sản xuất tại VN sẽ chủ động thực hiện vì đó là quyền lợi của họ. Ngoài nỗ lực của DN thì cần có chính sách khuyến khích của Chính phủ để làm gia tăng giá trị của hàng hóa VN", PGS-TS Phạm Thế Anh khuyến nghị.

Đồng tình, GS-TS Võ Xuân Vinh nhấn mạnh để DN có thể tìm kiếm nhiều thị trường khác như châu Âu, châu Á, châu Mỹ Latin, vai trò của các cơ quan Nhà nước rất quan trọng thông qua việc đàm phán và thỏa thuận các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Bên cạnh đó, không chỉ khuyến khích mà tạo lực để giúp DN đẩy mạnh đầu tư công nghệ xanh, giảm phát thải nhằm đáp ứng một số yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu; quy định về xuất xứ hàng hóa khắt khe hơn; giao trách nhiệm gác cổng thương mại chặt chẽ hơn. Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ các lĩnh vực thâm dụng lao động như hiện nay để chuyển sang công nghệ cao. Trong cơ cấu xuất khẩu, phải có lộ trình đưa ra để nâng tỷ trọng hàng hóa của doanh nghiệp nội địa. 

VN đã sẵn sàng đàm phán với Mỹ để sớm đạt thỏa thuận

Theo Bộ Ngoại giao, ngày 10.4 (giờ địa phương), tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có các cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent và Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định VN coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại theo hướng cân bằng, hài hòa, bền vững. Phó thủ tướng khẳng định VN đã sẵn sàng đàm phán, đề nghị hai bên sớm trao đổi cụ thể để đạt thỏa thuận trong thời gian sớm nhất, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent cảm ơn VN đã kịp thời có các biện pháp tích cực xử lý những vấn đề quan tâm của Mỹ; đánh giá cao hai nước nhất trí đàm phán thỏa thuận thương mại song phương; cho biết chính quyền Mỹ cử ông làm trưởng đoàn đàm phán với VN. Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ sớm đạt được những giải pháp phù hợp, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại ổn định, cùng có lợi.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng việc hai bên nhất trí khởi động đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương có ý nghĩa hết sức quan trọng, phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện VN - Mỹ. Phó thủ tướng đề nghị Bộ Thương mại Mỹ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan của VN trong quá trình đàm phán.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick khẳng định hết sức coi trọng quan hệ với VN, cho rằng VN là nền kinh tế lớn, nhiều tiềm năng, là đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực. Ông khẳng định Bộ Thương mại Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với VN để đàm phán, giải quyết các vấn đề đặt ra trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương, hướng đến một thỏa thuận phù hợp, đóng góp cho sự phát triển của cả Mỹ và VN.

Đậu Tiến Đạt

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao