Cả xóm đều là người từ nơi khác đến, chung nhau một chữ nghèo. Hơn mười năm chúng tôi sống trong cảnh như "không được thừa nhận", tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Đêm xuống, nếu có cái gì chộn rộn thì đó là tiếng của lũ trẻ chơi đùa, đuổi bắt, chuyện trò, cãi nhau vào những đêm trăng sáng. Nhà ai cũng thắp đèn dầu vì không có điện. Chị em chúng tôi thường chụm đầu vào nhau quanh một chiếc đèn dầu cỡ nhỏ vào mỗi tối để học bài. Khi nào khói bám đen bóng đèn thì lại lấy khăn lau đi rồi học tiếp.
Xóm cách nông trường một cánh đồng mà khác biệt một trời một vực. Mỗi tối nhìn những ánh đèn lấp lánh đủ màu sắc ở phía bên kia cánh đồng, nhìn lại xóm mình lặng như tờ lẫn vào đêm tối tăm, mù mịt, tôi lại tủi thân vì nghĩ đến cảnh nhà các bạn mình ở đó có điện để được thắp sáng thỏa thích, còn nhà mình thì....
Trong tâm trí non nớt của một đứa trẻ ngày ấy luôn bừng lên khát khao về một ngày nào đó điện được kéo về xóm nghèo. Mấy chiếc đèn dầu tỏa ra thứ ánh sáng vàng vọt, yếu ớt sẽ được thay thế bằng những bóng điện mà ánh sáng của nó đủ để làm sáng bừng cả căn nhà nhỏ, cả cái sân rộng chị em tôi thường chơi đủ trò ở đó. Nhưng, rốt cuộc đến bao giờ thì ước mơ đó mới trở thành hiện thực?
Ngày đó, thứ mà tôi thích nhất có lẽ là chiếc ti vi đen trắng của nhà chú Hoạt hàng xóm, chiếu bao nhiêu là chương trình, bộ phim hay. Tôi xem mãi mà không thấy chán. Cả xóm thường tập trung ở nhà chú vào mỗi đêm để xem thời sự, phim ảnh và trò chuyện rôm rả bên ấm nước chè xanh đặc hợp với khẩu vị của hầu hết mọi người. Những ngày bình ắc quy phải đem đi sạc luôn dài lê thê. Không có bình ắc quy, chiếc ti vi chỉ là khối hộp vô hồn, nằm lặng lẽ trong tủ gỗ đặt ở góc nhà. Và tôi lại có thêm một ước mơ khác: Giá như xóm mình có điện để ti vi nhà chú Hoạt lúc nào cũng hoạt động được, chúng tôi sẽ không phải bỏ lỡ một tập phim đang đến hồi hấp dẫn chỉ vì… hết bình. Ở phía bên kia cánh đồng, những chiếc ti vi màu đã được các gia đình sắm sửa rất nhiều. Chúng rộn rã cả ngày bởi được chạy bằng điện, chẳng bao giờ chủ nhân của chúng sợ hết điện cả. Chỉ lâu lâu cúp điện theo lịch chung.

Từ ngày có điện, xóm tôi rộn rã hẳn lên
ẢNH: EVNSPC
Mỗi ngày, tôi đều nghĩ: Nhanh thôi, điện sẽ về đến xóm mình. Nhưng chớp mắt một cái, hơn mười năm đã trôi qua. Xóm tôi lúc này mới được gọi là xóm sau một thời gian dài không thuộc về nơi nào cả. Cầm cuốn sổ hộ khẩu trên tay, mắt người lớn cay nhèm. Từ nay, lũ trẻ chúng tôi đã không còn là những đứa trẻ vô gia cư nữa. Có hộ khẩu xong thì xóm có điện vào năm 2004, khi tôi chuẩn bị bước vào lớp 9. Ngày đường dây điện được kéo về tới xóm, đứa nào cũng ra đứng xem, hò reo vui vẻ. Điện sáng lên giữa ngôi nhà ngói đơn sơ, chiếu sáng mọi ngõ ngách trong nhà. Mấy chị em tôi ngồi học dưới ánh điện sáng trưng, cảm thấy đường đến tương lai đỡ gập ghềnh hơn đôi chút. Cây đèn dầu được cất gọn vào một góc. Mỗi lần nhìn đến, tôi lại thấy những ký ức của một thời khốn khó hiện về, sống động vẹn nguyên.
Từ ngày có điện, xóm đã có thêm mấy chiếc ti vi màu. Tôi nhận ra, thế giới ngoài kia rực rỡ biết bao nhiêu. Khát khao đi qua cánh đồng, đến khám phá những vùng đất mới để mở rộng tầm mắt và vùng trời mình đang sống càng trở nên cháy bỏng trong tôi. Mỗi lần nhìn sang bên kia cánh đồng, sự tủi thân chẳng còn nữa. Những lấp lánh, rực rỡ ở đó đã trở nên gần gũi hơn. Khoảng cách một cánh đồng chẳng còn xa vời vợi như ngày trước. Những đường điện nối dài đã khiến đất và người xích lại gần nhau, bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, tự ti nhường chỗ cho tự tin. Mỗi công tắc điện được bật lên, tôi và lũ trẻ xóm nghèo lại thấy đường đi của mình trở nên rõ ràng. Không ai có thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà điện đem lại. Sự nghèo khó nhờ có điện cũng dần được đẩy lùi. Cuộc sống trở nên đầy đủ, ấm no hơn theo thời gian.

Căn nhà ngói cũ và căn nhà hiện nay của bố mẹ tác giả
ẢNH: TGCC
Hơn 20 năm qua, kể từ ngày có điện, xóm tôi đã thay da đổi thịt nhiều. Những căn nhà lụp xụp đã được thay bằng nhà xây khang trang. Con đường xóm ngày trước tối tăm bây giờ đã được thắp sáng đến tận ngõ nhỏ cuối cùng. Và chúng tôi, lũ trẻ ngày ấy đều đã lớn khôn, trưởng thành, rời xóm, vượt qua cánh đồng đi tìm vùng trời của riêng mình nhưng lòng chẳng bao giờ nguôi nỗi nhớ thương xóm cũ. Nơi đây tuy nghèo vật chất mà giàu tình, giàu nghĩa. Mọi người sống nương tựa bên nhau từ những ngày lam lũ cho tới bây giờ.
Ngày xưa, cả xóm thắp ngọn đèn dầu trong mỗi ngôi nhà như thắp lên niềm hi vọng về một tương lai tốt đẹp. Ngày nay, niềm hi vọng ấy được nối dài và ngày càng rực rỡ nhờ những ánh đèn điện đang đêm ngày tỏa rạng khắp nơi trong xóm nhỏ yên bình.
Trong lịch sử 50 năm ngành điện miền Nam có những người dân quê chân chất xóm tôi, cuộc sống đầy đủ hơn, phong phú hơn, ấm no hơn... nhờ có điện.
Cuộc thi viết "50 năm thắp sáng niềm tin" có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.
- Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.
- Email: [email protected]. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.