Nghề truyền thống trong thời đại công nghệ
Lê Thị Diễm Hằng (18 tuổi), một công nhân trẻ đến từ tỉnh Bạc Liêu, cho biết hiện tại xưởng làm nhang cô đã sử dụng công nghệ tự động hóa vào quy trình sản xuất vì thế công việc trở nên nhẹ nhàng hơn.
Hằng cùng các đồng nghiệp khác đảm nhận công việc điều chỉnh các thông số máy móc như tốc độ, nhiệt độ, độ dày của que nhang ở các công đoạn trộn bột, ép nhang, sấy nhang, sao cho phù hợp với yêu cầu sản xuất.
Dù có sự hỗ trợ từ máy móc, công nhân vẫn phải theo dõi sát sao từng công đoạn, đảm bảo bột nhang không bị vón cục, que nhang ra khỏi máy phải thẳng đều và không bị gãy hay nứt. Mọi sản phẩm bị lỗi đều được loại bỏ trước khi chuyển sang khâu tiếp theo, chỉ giữ lại sản phẩm hoàn hảo, chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Hằng bắt đầu tìm hiểu nghề làm nhang từ 4 năm về trước. Ba mẹ cô vốn là công nhân làm nhang tại làng nghề Lê Minh Xuân. Thấy con gái cũng khéo tay, có năng khiếu, họ quyết định cho con nối nghiệp.
Hằng cho biết mình học nghề nhanh, nhất là khi sử dụng các máy móc. Cô gái biết cách xử lý máy khi gặp sự cố, điều mà thế hệ trước đây phải mất rất nhiều thời gian để làm quen. Với sự hỗ trợ của công nghệ, Hằng không chỉ làm việc hiệu quả hơn mà còn có thêm thời gian để nghĩ đến những ý tưởng mới giúp phát triển nghề nhang truyền thống.
Với 10 năm gắn bó cùng nghề làm nhang, Nguyễn Ngọc Tiền (28 tuổi), quê Sóc Trăng, nhận định rằng sự hỗ trợ từ máy móc đã giúp công việc trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.
"Trước đây, tất cả các công đoạn như trộn bột hay nhét nhang đều làm bằng tay, rất vất vả và tốn sức. Bây giờ, nhờ có máy móc, mình có thể hoàn thành 5 - 6 thùng bột mỗi ngày, mỗi thùng nặng khoảng 15 kg. Năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với trước, nhờ vậy thu nhập của mình cũng được cải thiện đáng kể", Tiền chia sẻ.
Tiền cho biết trong những tháng cao điểm như tháng 10, 11 và 12 (thời gian chuẩn bị hàng cho dịp tết), công nhân thường phải tăng ca để kịp tiến độ. Nhờ sử dụng máy móc, không chỉ năng suất được cải thiện mà họ còn giảm thiểu sai sót và nâng cao chất lượng sản phẩm một cách triệt để. Máy làm nhang giúp que nhang đều, thẳng tắp, bột nhang mịn màng và bám chắc hơn so với cách làm thủ công. Nhờ vậy, sản phẩm ngày càng được khách hàng tin tưởng và ưa chuộng.
Ngoài ra, Tiền và các đồng nghiệp luôn nỗ lực học hỏi và áp dụng những phương pháp mới để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. "Chúng mình đang sản xuất các loại nhang sạch từ nguyên liệu hữu cơ, nhang không khói... Những sản phẩm này có ưu điểm vượt trội là an toàn, không chứa hóa chất độc hại, hoàn toàn vượt trội so với các loại nhang không rõ nguồn gốc đang tràn lan trên thị trường", Tiền cho biết.
Viết tiếp câu chuyện làng nhang
Không riêng Hằng, Tiền, nhiều người trẻ tại làng nghề Lê Minh Xuân cũng đang cùng nhau viết tiếp câu chuyện làng nhang. Nhà có ba đời làm nhang, em Huỳnh Minh Phú (lớp 8A1 Trường THCS Gò Xoài, H.Bình Chánh, TP.HCM) cũng phụ giúp ba mẹ một tay sau khi tan học. Đối với Phú, nghề làm nhang không chỉ đơn thuần là một công việc mà còn là niềm tự hào khi các bạn trẻ được chung tay gìn giữ một nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Phú nghĩ ra nhiều cách giúp xưởng nhà mình được du khách biết đến nhiều hơn bằng việc chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội, giới thiệu cho các bạn ở trường lớp biết tới…
Huỳnh Ngọc Yến (25 tuổi), chị gái Minh Phú, cho rằng sản phẩm nhang nước ta có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Nhang VN có hương thơm đặc trưng từ tự nhiên. Đây là những nguyên liệu mà không phải nơi nào cũng có. Điều này khiến sản phẩm của chúng ta khác biệt trên thị trường quốc tế.
"Tuy nhiên, để làm được như thế, nhang VN phải đảm bảo chất lượng, từ khâu nguyên liệu cho đến đóng gói. Mỗi lô hàng xuất đi đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Điều này không chỉ giúp chúng ta tạo dựng uy tín mà còn mở ra cơ hội để làng nghề VN có chỗ đứng trên thế giới", Yến nói.
Yến chia sẻ dẫu rằng công nghệ đã thay đổi nhiều thứ, nhưng cái hồn của cây nhang Việt vẫn được giữ trọn vẹn. Mỗi sản phẩm không chỉ là một que nhang đơn thuần mà còn là một câu chuyện, một giá trị văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt.
Những ngày cuối năm, làng nhang Lê Minh Xuân bận rộn với những chuyến hàng xuất đi. Từ ngôi làng nhỏ bé ở TP.HCM, những que nhang mang mùi hương quê hương muốn vượt đại dương, góp phần khẳng định dấu ấn văn hóa Việt trên bản đồ thế giới.