Ngày càng nhiều người trẻ đi trữ đông trứng: Những điều cần lưu ý

Nhiều lý do chọn trữ đông trứng

Bác sĩ đánh giá thế nào về nhu cầu trữ đông trứng của người trẻ hiện nay?

Bác sĩ Lý Thiện Trung: Qua thực tế cho thấy nhu cầu chọn trữ đông trứng ngày càng tăng lên, số lượng bệnh nhân đến trữ trứng cũng tăng. Chỉ riêng tại Bệnh viện Mỹ Đức, theo thống kê từ năm 2020 đến hết năm 2023, số lượng bệnh nhân đến trữ trứng chủ động là khoảng 150 người. Nhưng tới năm 2024 đã có khoảng gần 100 bệnh nhân thực hiện trữ đông trứng, tức nhu cầu này ngày càng tăng. Độ tuổi người chọn trữ trứng trung bình là 35, 36. Nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất là khoảng 32-38 tuổi. Trường hợp trẻ nhất đến trữ trứng chủ động khoảng 25 tuổi và lớn nhất là 43 tuổi.

Vì sao ngày càng nhiều người trẻ chọn trữ đông trứng, thưa bác sĩ?

Ngày càng nhiều người đi trữ đông trứng vì nhiều lý do. Đầu tiên phải kể đến là sự nghiệp và mục tiêu phát triển bản thân được đưa lên hàng đầu dẫn đến quyết định kết hôn muộn hơn trước đây. Vì thế các bạn gái trẻ muốn trữ đông trứng để lưu trữ chất lượng trứng tốt, dành thời gian tuổi trẻ cho sự nghiệp của mình.

Ngày càng nhiều người trẻ đi trữ đông trứng: Những điều cần lưu ý- Ảnh 1.

Bác sĩ Lý Thiện Trung tư vấn cho người đến thực hiện trữ đông trứng

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Ngoài ra, trữ đông trứng cũng là biện pháp để bảo tồn khả năng sinh sản, giúp phụ nữ hạn chế những rủi ro trong thai kỳ do vấn đề tuổi tác.

Về mặt sinh lý tự nhiên thì số lượng trứng của phụ nữ sẽ giảm dần theo thời gian. Đến một độ tuổi nào đó, số lượng trứng không còn đủ để họ có thể có con. Thông thường tới mốc 35 tuổi là số lượng và chất lượng trứng bắt đầu giảm nhanh, nên việc trữ đông trứng giúp phụ nữ có cơ hội mang thai, sinh con khỏe mạnh khi họ đã có sự nghiệp vững vàng và ở độ tuổi không còn trẻ.

Hơn nữa, hiện nay những tiến bộ trong y khoa về phác đồ kích thích buồng trứng, hay kỹ thuật trữ trứng cũng hiện đại hơn, dễ tiếp cận, an toàn và hiệu quả hơn. Chính vì thế, ngày càng nhiều phụ nữ trẻ chọn phương án trữ đông trứng để có thể sinh con phù hợp với lịch trình cá nhân. Bên cạnh đó, qua thực tế cho thấy lý do chiếm tỷ lệ cao là họ lo tuổi ngày càng lớn mà chưa lập gia đình được nên tìm đến trữ đông trứng.

Tại bệnh viện có 2 nhóm đối tượng chọn trữ đông trứng. Nhóm thứ nhất là chủ động vì họ có xu hướng lập gia đình muộn hoặc chưa tìm được đối tác phù hợp. Nhóm thứ 2 là khi có bệnh lý, ví dụ như điều trị ung thư sẽ phải áp dụng hóa trị hoặc xạ trị, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng trứng của người phụ nữ. Do đó trước khi bước vào quá trình điều trị ung thư, bệnh nhân sẽ thực hiện trữ đông trứng.

Bác sĩ có thể cho biết cuộc sống và lối sống hiện đại tác động như thế nào đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ?

Trước hết phải kể đến những tác động tích cực. Xã hội hiện đại, truyền thông tốt nên phụ nữ có khả năng tiếp cận thông tin về đánh giá khả năng sinh sản như thế nào, những phương án để bảo tồn khả năng sinh sản…

Truyền thông tốt cũng thay đổi được cách nhìn nhận của phụ nữ. Ngày xưa mọi người thường rất ngại khi đi khám về khả năng sinh sản, nhưng khi xã hội ngày càng tiến bộ, người ta thoải mái và cởi mở hơn. Khi đó sẽ dễ dàng biết được bệnh lý, khả năng dự trữ buồng trứng của mình ra sao. Chẳng hạn trong trường hợp dự trữ buồng trứng thấp, họ sẽ lập gia đình sớm hoặc lựa chọn phương án bảo tồn khả năng sinh sản.

Tuy nhiên cũng có nhiều mặt tác động tiêu cực. Khi làm việc trong xã hội hiện đại, nhịp sống nhanh và nhiều áp lực gây căng thẳng và ít nhiều làm thay đổi về nội tiết. Khi nội tiết thay đổi dẫn đến ảnh hưởng rối loạn rụng trứng, rối loạn kinh nguyệt… từ đó làm giảm khả năng sinh sản.

Không những thế, với nhịp sống hiện nay, việc sử dụng thức ăn nhanh ngày càng phổ biến, rồi chế độ ăn không cân bằng các chất dinh dưỡng, hay những thức ăn chế biến sẵn sẽ làm mất cân bằng về mặt hấp thụ chất dinh dưỡng gây ảnh hưởng rối loạn chuyển hóa. Từ đó cũng tác động đến rối loạn nội tiết, làm ảnh hưởng khả năng sinh sản.

Một số trường hợp lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… cũng làm giảm số lượng trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Cũng cần nhắc đến xu hướng lập gia đình trễ trong giới trẻ hiện nay đã ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, vì khi tuổi càng lớn thì số lượng và chất lượng trứng cũng giảm. Khi đó tỷ lệ có thai tự nhiên giảm và khả năng có thai sau những phương pháp điều trị hiếm muộn cũng khó và thấp hơn.

Độ tuổi trữ trứng tốt nhất

Ngày càng nhiều người chọn trữ đông trứng, vậy lợi ích của phương pháp này cụ thể như thế nào, thưa bác sĩ ?

Có nhiều lợi ích từ việc trữ đông trứng. Đầu tiên là giúp bảo tồn khả năng sinh sản. Vì chất lượng và số lượng trứng sẽ giảm theo thời gian, khi trữ đông trứng ở độ tuổi còn trẻ, sau này sử dụng thì chất lượng trứng hầu như tương đương lúc còn trẻ. Khi đó việc có thai và sinh con cũng sẽ tương đương với giai đoạn người phụ nữ còn trẻ.

Ngày càng nhiều người trẻ đi trữ đông trứng: Những điều cần lưu ý- Ảnh 2.

Người trẻ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe sinh sản của mình

ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP

Bên cạnh đó, phương pháp này giúp phụ nữ chủ động hơn trong việc có con khi đã đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống, sự nghiệp… Những trường hợp chưa tìm được đối tác để lập gia đình phù hợp vẫn có thể chọn trữ đông trứng để duy trì khả năng có thai tốt sau này.

Hiện nay, có 2 phương án bảo tồn khả năng sinh sản là trữ đông trứng và trữ đông phôi. Nhưng trữ đông phôi cần phải lập gia đình, vì cần kết hợp với tinh trùng của chồng, nên trữ đông trứng vẫn là phương án chủ động hơn. Về khả năng thành công thì trữ đông phôi tốt hơn trữ đông trứng. Tuy nhiên, trữ đông trứng sẽ tiện lợi hơn.

Nhiều người thắc mắc khi thực hiện trữ trứng tỷ lệ thành công là bao nhiêu và độ tuổi nào thì tốt nhất để trữ đông trứng, thưa bác sĩ ?

Tính đến thời điểm hiện tại, với những phương pháp hiện đại thì tỷ lệ trứng sống và sống nguyên, sống tốt hoàn toàn sau khi trữ và rã đông lên đến 99%, chính vì thế có thể an tâm về chất lượng trứng sau trữ đông.

Nhưng vấn đề cần bàn là khả năng có được trẻ sinh sống sau này, vì không phải cứ có trứng, có phôi là sẽ có em bé. Theo nhiều thống kê cho thấy với độ tuổi dưới 35, nếu trữ từ 15 trứng trở lên thì tỷ lệ 80% có được ít nhất 1 trẻ sinh sống. Chính vì thế, nếu độ tuổi phụ nữ càng tăng, muốn đạt được tỷ lệ 80% này, đồng nghĩa số lượng trứng trữ phải càng nhiều hơn. Nên độ tuổi tối ưu để trữ đông trứng là dưới 35.

Quy trình trữ đông trứng diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ ?

Quy trình trữ đông trứng gồm 3 giai đoạn. Đầu tiên là khám tư vấn và đánh giá sức khỏe sinh sản cũng như sức khỏe tổng quát (thời gian khoảng 1 buổi). Bước thứ 2 là kích thích buồng trứng, kéo dài trong khoảng 2 tuần. Trong 2 tuần này, vài ngày bệnh nhân sẽ tái khám một lần để bác sĩ theo dõi sự phát triển của nang trứng và có những điều chỉnh thuốc cho phù hợp để trứng phát triển tốt nhất. Bước cuối cùng là chọc hút trứng và trữ trứng. Trứng sau khi lấy ra sẽ được trữ đông bằng phương pháp thủy tinh hóa trong nhiệt độ - 196 độ C nên sẽ bảo đảm được chất lượng tốt nhất.

Hiện tại, Bệnh viện Mỹ Đức có phác đồ mới là nuôi trưởng thành noãn 2 pha - IVM, có thể rút ngắn tối đa quá trình trữ trứng. Bệnh nhân chỉ cần khám đánh giá sức khỏe và chọc hút trứng ngay ngày hôm sau mà không cần tiêm thuốc kích thích buồng trứng. Trứng sau khi chọc hút sẽ được nuôi trưởng thành rồi trữ đông sau đó. Phác đồ này rất tiện lợi cho bệnh nhân, nhất là nhóm bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang.

Không phải trữ đông trứng rồi lơ là việc lấy chồng, sinh con

Cũng sẽ có những trường hợp chủ quan rằng mình đã trữ được một lượng trứng tốt nên lơ là với việc lập gia đình và sinh con. Bác sĩ có lời khuyên gì trong trường hợp này, cũng như những lưu ý cho người trẻ khi chọn thực hiện trữ đông trứng ?

Trữ đông trứng không phải là phương án chắc chắn 100% sẽ có thai hay có trẻ sinh sống. Số lượng trứng trữ càng nhiều, độ tuổi càng trẻ thì khả năng có trẻ sinh sống sẽ càng tăng. Chính vì thế, tốt nhất là nên đánh giá sức khỏe sinh sản trước để có kế hoạch cho bản thân sao cho cân bằng giữa khả năng có con và những mục tiêu trong cuộc sống.

Lưu ý thứ hai là kế hoạch sử dụng, chứ không phải trữ đông trứng rồi ỷ y dẫn đến việc kết hôn, sinh con muộn. Hiện tại chưa có khuyến cáo cụ thể nào, nhưng theo quan điểm của các chuyên gia, thời gian trữ đông đến lúc sử dụng khoảng từ 5-10 năm. Sau đó nữa, mặc dù chất lượng trứng vẫn đảm bảo nhưng độ tuổi của người mẹ ngày càng tăng, sức khỏe đi xuống, mang thai sẽ chịu nhiều áp lực hơn dẫn đến thai kỳ không tốt. Hơn nữa, độ tuổi người mẹ càng tăng thì sau này khả năng nuôi con cũng sẽ vất vả hơn, vì sức khỏe của mẹ cũng không còn tốt nữa.

Lưu ý quan trọng nhất là sự chuẩn bị trước khi trữ trứng. Sự chuẩn bị đó bao gồm cả việc đánh giá sức khỏe sinh sản để cân nhắc xem mục tiêu nào quan trọng hơn. Bên cạnh đó, cũng lưu tâm đến việc lựa chọn cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có chuyên môn tốt, đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện trữ đông…

Cảm ơn bác sĩ ! 

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao