Trường học hạnh phúc đúng nghĩa
Ông Nguyễn Minh Tuấn, người nhiều năm làm việc trong ngành giáo dục - đào tạo, hiện đang vận hành một trường mầm non tư thục tại TP.HCM, chia sẻ: "Bộ GD-ĐT đang hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc, TP.HCM cũng đã triển khai bộ tiêu chí trường học hạnh phúc. Điều này đồng nghĩa chúng ta mong muốn có môi trường giáo dục tạo ra những học sinh (HS) và giáo viên (GV) hạnh phúc. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nặng bệnh thành tích, tạo áp lực học tập lớn cho HS. Thật xót xa khi chứng kiến các em HS tiểu học, trung học vừa kín lịch học chính lại dày đặc lịch học thêm".
Ông Tuấn cho rằng gốc rễ của áp lực học tập, học thêm tràn lan là bệnh thành tích từ người lớn. Do đó, giảm bệnh thành tích cũng là tạo điều kiện giảm áp lực cho HS tiểu học, trung học. Học tập căng thẳng, nếu có, chỉ nên ở bậc học cao hơn. Mục tiêu của giáo dục phổ thông là chuẩn bị cho HS nền tảng giáo dục vững chắc để khi bước vào bậc học cao hơn, các em sẽ được học hỏi những kỹ năng cần thiết trở thành lực lượng lao động chuyên nghiệp.
Trong những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, ông Nguyễn Minh Tuấn cũng mong việc triển khai tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học sớm được thực hiện hiệu quả.
"Chúng ta có thể lựa chọn xây dựng các trường học bằng tiếng Anh tương tự cách triển khai mô hình trường chuyên. Ở đó có GV thành thạo tiếng Anh và chương trình dạy bằng tiếng Anh, có hợp tác học thuật với trường nước ngoài. Điều này nên được triển khai thận trọng, từng bước. Có thể thí điểm 1 - 2 trường ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, sau đó có đánh giá kết quả cụ thể", ông Tuấn đề xuất.
Tạo động lực cho đội ngũ giáo viên
Thầy Nguyễn Tuấn Anh, GV mỹ thuật Trường THCS Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho hay có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, trong đó có đội ngũ GV. Vì vậy, phải quan tâm đầu tiên đến chất lượng GV, bao gồm: đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng chính trị, năng lực sư phạm và năng lực chuyên môn. Về năng lực sư phạm và chuyên môn, GV phải đáp ứng thường xuyên yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục ở các cấp học.
Bên cạnh đó, GV là lực lượng chịu nhiều áp lực, rất cần các cấp quản lý đặc biệt quan tâm tạo động lực để họ có thể hóa giải phần nào sức ép quá lớn đang đặt ra, từ đó đạt được niềm vui, thành công trong hoạt động giáo dục. GV cũng cần được bảo đảm những nhu cầu thiết yếu, cơ bản về đời sống vật chất trong sự tương quan với mức sống của toàn xã hội.
Giảm hồ sơ sổ sách
Cô Trần Thị Hoài Nghi, GV chủ nhiệm lớp 4, Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM), mong từ năm mới 2025, cộng đồng, xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn với giáo dục và cùng chung tay xây dựng môi trường hạnh phúc đúng nghĩa cho HS và GV. Bên cạnh đó, cô Nghi hy vọng phụ huynh không còn chạy theo thành tích mà gây áp lực lên việc học của các con; GV được giảm bớt hồ sơ sổ sách để tập trung bồi dưỡng chuyên môn. Đồng thời, các lớp bồi dưỡng chuyên môn được mở rộng tập huấn cho tất cả GV thay vì chỉ thực hiện cho riêng khối trưởng như hiện nay.
Giáo viên hạnh phúc, lan tỏa hạnh phúc cho cuộc đời
Đó là bộc bạch của thầy Trương Chấn Sang, GV tiếng Anh Trường TH-THCS-THPT Phan Chu Trinh (Bình Dương), chủ nhiệm CLB tiếng Anh Vì cộng đồng của tỉnh. Đầu năm mới Ất Tỵ 2025, thầy giáo 9X mong mỏi: "Mức lương GV cần đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản cuộc sống, giúp GV yên tâm và tận tâm, tận lực, hết mình vì ngành giáo dục. Khi được tạo điều kiện để hết lòng đi theo đam mê giảng dạy, GV hạnh phúc mới có thể dùng tâm sức của mình xây dựng cuộc đời tươi đẹp hơn".
Đồng thời, thầy giáo dạy tiếng Anh cũng bày tỏ mong muốn từ năm 2025 HS được giảm nhẹ chương trình học, tăng cường hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm. "Thực tế trong các năm vừa qua thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, GV giảng dạy môn hoạt động trải nghiệm đa phần là kiêm nhiệm để đáp ứng đủ số tiết theo phân phối chương trình nên chỉ đáp ứng phần lượng, chưa đáp ứng phần chất cho môn học này, trong khi kỹ năng mềm đóng vai trò then chốt trong công việc tương lai của HS, sinh viên", thầy Sang cho biết.
Giảm bạo lực học đường, nâng cao vị thế người thầy
Điều mong ước thứ nhất là hạn chế triệt để bạo lực học đường. Một năm qua, bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối. Năm mới hy vọng và mong ước sẽ không còn nhìn thấy cảnh HS sử dụng bạo lực với nhau nữa, mà thay vào đó là hình ảnh HS biết sẻ chia, cảm thông, trân trọng, quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và học tập.
Điều mong ước thứ hai là hình ảnh GV sẽ đẹp hơn, lung linh hơn, nghiêm trang và chỉnh tề hơn trong mắt học trò và phụ huynh. Hiện đâu đó vẫn còn thầy cô giáo coi việc sử dụng roi vọt đối với HS như là một biện pháp giáo dục hiệu quả. GV hãy quan tâm, thương yêu và cảm hóa các học trò bằng tình yêu thương và sự tận tụy, trách nhiệm của một người thầy. Đó là một trong những phương pháp giáo dục tốt nhất, nhân văn nhất.
Mong ước thứ ba là điểm số và thành tích trong nhà trường phải được đánh giá một cách thực chất; gia đình, nhà trường không nên xem điểm số là điều quan trọng nhất. Thành tích, điểm số sẽ không còn là áp lực đối với HS, thầy cô và cả phụ huynh. Điều quan trọng nhất với HS là có được niềm vui đến trường.
Nguyễn Đước (TP.HCM)