Đầu năm Rắn nói chuyện học

Những câu nói, bài ca dao trong sách Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan có rất nhiều thành ngữ, tục ngữ về rắn, mà hầu hết là chỉ cái xấu, sự nham hiểm, thâm độc. Đại loại như : Cõng rắn cắn gà nhà, Khẩu Phật tâm xà, Đánh rắn phải đánh dập đầu, Đánh rắn động cỏ, Như rắn mất đầu, Miệng hùm nọc rắn, Hang hùm miệng rắn, Hùm thiêng rắn độc, Vẽ rắn thêm chân, Cha hổ mang đẻ con liu điu, Thao láo như mắt rắn ráo, Chém rắn đuổi hươu...

Đầu năm Rắn nói chuyện học- Ảnh 1.

Linh vật rắn ở đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM)

ảnh: Độc Lập

Những câu chuyện cổ dân gian cũng nhắc đến rắn là một hình tượng xấu. Như truyện Ngư Tinh kể chuyện Lạc Long Quân diệt Ngư Xà vì Ngư Xà ăn thịt người, gây bão tố làm hại thuyền nhân. Hay một con rắn khác rất quen thuộc với học trò là Chằn Tinh trong truyện Thạch Sanh. Đây là một con rắn dữ tợn và biến hóa vô cùng, vua bắt dân phải lập miếu thờ, hằng năm phải hy sinh một người con trai cho nó ăn thịt. Trong Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ cũng từng mượn truyện dân gian để kể chuyện Thần thuồng luồng (hiện thân loài rắn) chuyên bắt cóc phụ nữ, hay đòi phải hy sinh nhân mạng... Hoặc như trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, khi nhắc đến chiêu bài lừa bịp và tội ác của thực dân xâm lược, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã dùng thành ngữ điển tích "chém rắn đuổi hươu"...

Và cứ như thế, những bài học về rắn độc cứ hằn in trong tâm thức học trò. Nên khi nói hay viết, nhất là làm văn nghị luận, bao nhiêu cái xấu đều gắn danh với loài rắn, như đồ rắn độc hay con rắn độc, sư hổ mang, nọc người bằng mười nọc rắn...

Nhưng nhắc đến rắn và việc học, không thể không nhớ đến bài thơ tuyệt bút Rắn đầu biếng học của nhà bác học Lê Quý Đôn được lưu truyền từ trước đến nay. Có nhiều giả thuyết về sự ra đời của bài thơ này, song chung quy đều cùng mục đích là mượn tên gọi các loài rắn để khuyên nhủ học trò, sĩ tử bớt ham chơi, biếng học, mà phải siêng năng, chăm chỉ hơn để không làm ảnh hưởng đến danh tiếng gia đình, cha mẹ. Nguyên văn bài thơ như sau:

"Chẳng phải liu điu cũng giống nhà

Rắn mà chẳng học chẳng ai tha!

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ

Nay thét mai gầm rát cổ cha

Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối

Lằn lưng cam chịu tiếng roi tra

Từ nay trâu Lỗ chăm nghề học

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia"

Bài thơ có cấu tứ độc đáo ở chỗ mỗi câu thơ có tên một giống rắn hoặc từ "rắn". Câu đầu là liu điu, câu hai là rắn nói chung, câu ba là hổ lửa, câu tư là mai, câu năm là ráo, câu sáu là lằn, câu bảy là trâu và câu thứ tám là rắn hổ.

Đầu năm Rắn nói chuyện học- Ảnh 2.

Rắn không phải là loài tiêu biểu tượng trưng cho việc học nhưng lại có một bài thơ dùng hình tượng rắn để khuyên nhủ học trò chăm chỉ học tập

ảnh: độc lập

Trong bài thơ có sử dụng phép chơi chữ và điển tích ở câu thơ "Từ nay trâu Lỗ chăm nghề học". "Trâu" tức "Châu", quê Mạnh Tử; còn "Lỗ" là quê của Khổng Tử, ở đây lại có ý nghĩa là rắn trâu.

Nhà bác học Lê Quý Đôn đã mượn tấm gương hiếu học của hai bậc hiền triết xưa, để khuyên bảo học trò xưa phải chăm học kẻo hổ thẹn với gia đình, dòng dõi. Với việc học hành, lập nghiệp của học sinh ngày nay, bài thơ về loài rắn của nhà bác học Lê Quý Đôn vẫn còn nguyên giá trị.


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao