Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ ra 5 trụ cột giúp trường ĐH phát triển đột phá

Sáng nay 26.4, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (1995-2025).

Theo GS-TSKH Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, vào những năm 90 của thế kỷ trước, trước trăn trở về số lượng trường ĐH còn ít ỏi và tạo cơ hội học tập bậc cao cho học sinh sau THPT, cùng chủ trương xã hội hóa giáo dục của Chính phủ, ý tưởng thành lập một trường ĐH dân lập khối ngành kỹ thuật đã ra đời.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ ra 5 trụ cột giúp trường ĐH phát triển đột phá- Ảnh 1.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhận chứng nhận quốc tế QS Stars 4 sao chu kỳ 2 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập

ẢNH: TUẤN MINH

Và ngày 26.4.1995, Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, tiền thân của HUTECH ngày nay, chính thức được ký quyết định thành lập.

Vào ngày 19.5.2010, trường chính thức chuyển từ loại hình dân lập sang tư thục theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với tên gọi Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).

Từ một trường ĐH chỉ với 3 ngành ban đầu, đến nay HUTECH đã đào tạo đa ngành với quy mô 35.000 sinh viên ở 60 ngành từ trình độ ĐH đến tiến sĩ.

Có mặt tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ: "Sau 30 năm hình thành và phát triển, với sự nỗ lực không ngừng của các nhà đầu tư, nhà giáo, nhà khoa học, sự rèn luyện, học tập của người học, HUTECH đã trở thành một trường ĐH đa ngành, đa bậc học. Với quy mô đào tạo lên tới 35.000 sinh viên và hơn 100.000 sinh viên tốt nghiệp đang làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, HUTECH đã đóng góp thiết thực vào sự phát triển nguồn nhân lực cho đất nước".

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ ra 5 trụ cột giúp trường ĐH phát triển đột phá- Ảnh 2.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi lễ

ẢNH: TUẤN MINH

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhật lực chất lượng cao là đột phá chiến lược, ông Thưởng cho rằng HUTECH cần hoàn thiện chiến lược phát triển với 5 trụ cột.

Thứ nhất là phát triển đội ngũ giảng viên, chính sách thu hút, đào tạo để có đội ngũ đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có năng lực, kỹ năng truyền cảm hứng cho người học.

Thứ hai là liên tục cập nhật chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu xã hội. Nội dung đào tạo cần thực tiễn, trang bị cho sinh viên năng lực thích ứng, sáng tạo để khi ra trường các em không chỉ phát triển được bản thân mà còn có thể chăm lo cho gia đình, đóng góp cho xã hội.

Thứ ba là thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp để phát huy thế mạnh. Đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế qua kiểm định chất lượng và các bảng xếp hạng giáo dục uy tín trong nước, quốc tế.

Thứ tư là tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị. Theo đó, đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở vật chất để người học và người dạy có đủ không gian, thiết bị giảng dạy, thực hành, thực nghiệm, thực nghiệp.

Và cuối cùng là mở rộng hợp tác quốc tế. Cụ thể là tăng cường liên kết với các trường ĐH, tổ chức giáo dục uy tín để tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến, công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực hội nhập toàn cầu.

Bên cạnh các trụ cột chiến lược, ông Thưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của sinh viên – trung tâm của mọi hoạt động giáo dục. "Bên cạnh trang bị kiến thức, kỹ năng, cần chú trọng đào tạo nhân cách, giúp các em trở thành công dân có lý tưởng, đạo đức và ý thức trách nhiệm. Hơn nữa, đây phải là nơi khơi dậy tinh thần tự học, chủ động tiếp cận tri thức, rèn tư duy phản biện và thích ứng linh hoạt với thời đại biến đổi không ngừng", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý.

Nhân dịp này, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM được trao cờ thi đua của Chính phủ, cờ truyền thống 30 năm của UBND TP.HCM, chứng nhận QS-Star 4 sao chu kỳ 2 và giấy chứng nhận đạt chuẩn AUN-QA cho các chương trình đào tạo công nghệ thông tin, hệ thống thông tin quản lý, kỹ thuật điện và truyền thông đa phương tiện.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao