Các năm trước, xét tuyển dựa vào học bạ THPT là phương thức tuyển sinh chủ đạo trong giai đoạn xét tuyển sớm của nhiều trường đại học (ĐH). Thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2023, trong số hơn 546.000 thí sinh (TS) trúng tuyển nhập học, có trên 30% TS trúng tuyển dựa vào phương thức xét kết quả học tập THPT (học bạ). Năm 2024, hơn 180 cơ sở giáo dục ĐH sử dụng điểm học bạ làm căn cứ xét tuyển. Với không ít trường, xét học bạ là một trong 2 phương thức tuyển sinh chủ đạo bên cạnh điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, các trường ĐH dự kiến có nhiều điều chỉnh với phương thức xét học bạ.
HÀNG LOẠT TRƯỜNG BỎ XÉT HỌC BẠ
Đến thời điểm này, ngày càng nhiều trường ĐH thông báo bỏ hoàn toàn xét tuyển học bạ trong kỳ tuyển sinh 2025. Đầu tiên phải kể đến Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, với điểm mới quan trọng nhất trong phương thức tuyển sinh từ năm nay là không sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (xét học bạ). Trường loại bỏ yếu tố điểm học bạ ở cả 2 phương thức xét học bạ độc lập và kết hợp học bạ với điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt như năm trước đó. Năm nay, điểm học bạ chỉ là điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng bỏ phương thức tuyển sinh bằng học bạ THPT từ năm 2025. Trường này thực hiện xét tuyển theo 3 phương thức gồm: xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025; thực hiện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển TS có năng lực, thành tích vượt trội; và xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực năm 2025 do trường tổ chức. Riêng với các ngành giáo dục mầm non, giáo dục thể chất, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, TS còn phải tham dự kỳ thi năng khiếu năm 2025 do trường tổ chức để lấy điểm thi năng khiếu xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT.
![Tuyển sinh năm 2025: Nhiều trường đại học 'quay lưng' với xét học bạ- Ảnh 1. Tuyển sinh năm 2025: Nhiều trường đại học 'quay lưng' với xét học bạ- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/10/a-1-trang-16-042-online-1739186854386622531724.jpg)
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sớm căn cứ vào điểm học bạ THPT năm 2024
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) cũng bỏ phương thức xét học bạ. Các phương thức xét tuyển của trường này là tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường Sư phạm Hà Nội, ĐH Thái Nguyên; xét kết quả thi tốt nghiệp 2025; xét kết quả tốt nghiệp hoặc kết hợp điểm thi này với thi năng khiếu thể dục - thể thao; xét học sinh dự bị ĐH.
Trước đó, từ năm 2024, ĐH Kinh tế quốc dân đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. Năm 2025, đơn vị này thông báo giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu), xét tuyển kết hợp (83% chỉ tiêu), và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15% chỉ tiêu).
Đặc biệt, một số trường ĐH đào tạo khối ngành đặc thù về sức khỏe và đào tạo giáo viên đã "nói không" với điểm học bạ khi xét tuyển nhiều năm nay như: Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch…
Siết chặt xét học bạ trong tuyển sinh
Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non đang được Bộ GD-ĐT xây dựng, xin ý kiến đã đưa ra các quy định siết chặt việc xét học bạ trong tuyển sinh.
Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định, nếu sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của TS thay vì dùng điểm 3 đến 5 học kỳ như quy định hiện hành.
Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các trường ĐH đều đồng tình với đề xuất này bởi giúp đảm bảo đánh giá kiến thức của TS trong toàn cấp THPT và tránh được hiện tượng học lệch, không học một số môn ở học kỳ 2 năm lớp 12, chỉ học các môn để thi tốt nghiệp.
Nhưng cùng với thay đổi trên, dự thảo cũng dự kiến giảm tỷ lệ chỉ tiêu hoặc bỏ hẳn xét tuyển sớm trong năm tuyển sinh 2025. Trong khi các năm trước đó, xét học bạ là phương thức tuyển sinh chủ đạo của các trường trong giai đoạn xét tuyển sớm. Do đó, dự định không thực hiện xét tuyển sớm tác động đến kế hoạch tuyển sinh các trường ĐH. Trong đó, có những trường cân nhắc bỏ hẳn hoặc giảm chỉ tiêu cho xét học bạ khi phương thức này thực hiện đồng thời với xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm kỳ thi đánh giá năng lực... trong giai đoạn xét tuyển chung.
TRƯỜNG CÔNG GIẢM CHỈ TIÊU XÉT HỌC BẠ
So với năm 2024, năm nay nhiều trường ĐH công lập điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả học bạ.
PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết năm nay đơn vị này dự kiến giảm khoảng 20% chỉ tiêu xét dựa vào kết quả học tập THPT. Số chỉ tiêu giảm này được chuyển sang phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo kế hoạch, trường dự kiến dành khoảng 40 - 50% chỉ tiêu phương thức xét tuyển có căn cứ trên kết quả học tập THPT; 20% xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực; 2% chỉ tiêu tuyển thẳng và đối tượng TS tốt nghiệp THPT ở nước ngoài; còn lại là xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.
"Việc giảm chỉ tiêu xét điểm học bạ, đồng thời kết hợp điểm học bạ với một số tiêu chí khác nhằm mục đích chọn học sinh chất lượng hơn. Đồng thời, việc điều chỉnh này để cân đối đồng đều chỉ tiêu với phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, trường vẫn đang chờ quy chế tuyển sinh chính thức của Bộ GD-ĐT để quyết định", PGS-TS Bùi Quang Hùng chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết trường dự kiến giảm 10% chỉ tiêu xét học bạ so với năm 2024. Lý giải điều chỉnh này, tiến sĩ Nhân cho hay: "Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh thì các phương thức khác nhau phải quy về cùng thang điểm nên có thể sẽ gây khó khăn và không công bằng nếu dành chỉ tiêu nhiều cho xét kết quả học tập THPT thuần túy". Theo tiến sĩ Nhân, thay vào đó, nhà trường sẽ xét kết hợp giữa kết quả học tập THPT với các tiêu chí phụ để xét TS như: các giải thưởng cuộc thi học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế, học sinh trường chuyên, lớp chuyên, học sinh các trường THPT có ký kết hợp tác với trường…
Cùng xu hướng này, năm nay Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội không còn xét tuyển học bạ riêng lẻ mà thay vào đó kết hợp với chứng chỉ quốc tế, thành tích học sinh giỏi và điểm thi đánh giá năng lực, tư duy.
![Tuyển sinh năm 2025: Nhiều trường đại học 'quay lưng' với xét học bạ- Ảnh 2. Tuyển sinh năm 2025: Nhiều trường đại học 'quay lưng' với xét học bạ- Ảnh 2.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/10/z6080992801049211f6eaaed8847f3281ca298a70f8065-17392014362141990864378.jpg)
Các năm trước, nhiều trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả điểm học bạ
ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trường ĐH Công thương TP.HCM cũng dự định có nhiều cải tiến trong tuyển sinh năm 2025. Đáng chú ý, trường giảm chỉ tiêu xét kết quả học tập THPT theo 5 học kỳ xuống còn 15 - 20%, tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Năm nay, trong số 5 phương thức xét tuyển của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, xét tuyển tổng hợp được thực hiện căn cứ trên kết quả học tập THPT và thành tích khác. Trong đó, TS cần đạt điểm trung bình học tập học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 12 đạt từ 6,5 trở lên. Để xét tuyển phương thức này, TS cũng cần đạt điểm quy đổi tổ hợp môn đăng ký học kỳ 2 lớp 11, học kỳ 1 lớp 12, học kỳ 2 lớp 12 từ 72 điểm trở lên (không gồm điểm ưu tiên).
PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, lưu ý: "Vẫn căn cứ trên điểm 3 học kỳ nhưng năm nay trường sử dụng điểm của học kỳ 2 lớp 11, học kỳ 1 và học kỳ 2 lớp 12. Năm 2024 trường xét điểm học kỳ 1 và học kỳ 2 lớp 11, học kỳ 1 lớp 12. Điều chỉnh này để phù hợp với dự thảo quy chế tuyển sinh".
Chọn ngành học tương lai: "Nóng" với khối ngành sức khỏe
Vào lúc 14 giờ 30 ngày 11.2, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến: Chọn ngành học cho tương lai: "Nóng" với khối ngành sức khỏe. Chương trình diễn ra đồng thời ở các kênh: thanhnien.vn, fanpage Facebook, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT dự kiến có những điều chỉnh về ngưỡng đảm bảo đầu vào với 2 khối ngành đào tạo đặc thù này.
Vì sao các ngành này luôn thu hút sự quan tâm của người học, năm 2025 các trường đào tạo khối ngành này tuyển sinh ra sao, xu hướng ngành nghề tương lai ra sao?…
Các thông tin này sẽ được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến Chọn ngành học cho tương lai: "Nóng" với khối ngành sức khỏe ngày 11.2.
Chương trình diễn ra vào 14 giờ 30 - 15 giờ 30 gồm các chuyên gia: tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân; tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long; tiến sĩ điều dưỡng, dược sĩ Nguyễn Phương Tùng, Trưởng khoa Điều dưỡng và xét nghiệm Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH); thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Bảo Hân