Các khóa đào tạo chuyên nghiệp cho người lớn tuổi

ĐA DẠNG LĨNH VỰC

PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH), cho biết căn cứ vào nhu cầu thực tế, thời gian qua UEH đã tổ chức nhiều khóa học ngắn hạn đáp ứng nhu cầu học tập để nâng cao chuyên môn, kỹ năng cho người lao động mọi lứa tuổi.

Các khóa đào tạo chuyên nghiệp cho người lớn tuổi- Ảnh 1.

Học viên khóa đào tạo “Quản trị trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo“ do Viện Nghiên cứu kinh doanh của UEH tổ chức

ẢNH: THANH KIỀU

"Nhiều người đang làm việc muốn học thêm kỹ năng, kiến thức để làm việc tốt hơn, hoặc muốn chuyển sang một công việc khác, thậm chí muốn ra ngoài khởi nghiệp... Nhu cầu này rất lớn nhưng không phải trường ĐH nào cũng cung cấp các khóa học. Hiện nay UEH thiết kế nhiều khóa học đáp ứng nhu cầu của cá nhân người lao động và doanh nghiệp. Tùy từng nội dung mà có yêu cầu đầu vào hay hoàn toàn mở, học trực tiếp hay trực tuyến", PGS-TS Bùi Quang Hùng cho hay.

Theo đó, UEH có các khóa học về hoạch định tài chính cá nhân theo chuẩn quốc tế; điều hành; quản lý; nghiệp vụ đấu thầu; tổ chức, quản lý nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế; các kỹ năng phát hiện và phân tích vấn đề; thuyết trình và nói trước công chúng; giải quyết vấn đề và ra quyết định... Trong đó có một số khóa miễn phí.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ CHO NGƯỜI LỚN TUỔI

Thạc sĩ Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, thông tin trong tương lai gần trường sẽ triển khai các chương trình cấp chứng chỉ ngắn hạn dành cho người lớn tuổi.

Thạc sĩ Sơn nhìn nhận: "Tỷ lệ sinh Gen Alpha (sinh năm 2010 đến 2024) đang có xu hướng giảm đáng kể. Gen Beta (sinh từ năm 2025) thì tỷ lệ sinh còn thấp hơn nữa. Và tuổi thọ của người dân ngày càng tăng, nên VN càng đối mặt với vấn đề dân số già hóa, dẫn đến thế hệ Alpha và Beta có thể phải gánh vác áp lực chăm sóc người lớn tuổi, đồng thời đối mặt với những thách thức về việc làm trong một nền kinh tế tự động hóa cao. Vậy tại sao chúng ta không phát triển kinh tế cho người cao tuổi? Sau khi về hưu, nhiều người trong số họ vẫn còn sức khỏe và trí tuệ để làm việc, đóng góp cho xã hội".

Vì thế, theo thạc sĩ Sơn, các trường ĐH có thể tổ chức những khóa học như kỹ năng kinh doanh online, khởi nghiệp nhỏ và lập kế hoạch tài chính cá nhân cho giai đoạn nghỉ hưu; hoặc đào tạo các kỹ năng thực tiễn như nấu ăn, may vá, thủ công mỹ nghệ, hay chăm sóc sức khỏe tại nhà. Ngoài ra cũng có thể thành lập một trung tâm cố vấn giúp người cao tuổi khởi nghiệp, cung cấp kiến thức pháp lý, hỗ trợ vay vốn nhỏ; vườn ươm ý tưởng khởi nghiệp giúp người cao tuổi phát triển ý tưởng kinh doanh hoặc dự án xã hội dựa trên kinh nghiệm và đam mê cá nhân...

Các khóa đào tạo chuyên nghiệp cho người lớn tuổi- Ảnh 2.

Nhiều khóa học ngắn hạn đáp ứng nhu cầu học tập để nâng cao chuyên môn, kỹ năng cho người lao động mọi lứa tuổi.

ảnh: Thanh Kiều

"Trường ĐH cũng có thể thực hiện các nghiên cứu và cung cấp dữ liệu về hành vi tiêu dùng, nhu cầu y tế, giáo dục, và dịch vụ của người cao tuổi giúp các doanh nghiệp và tổ chức phát triển sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Ngoài ra, phối hợp với ngành công nghệ thông tin để phát triển các ứng dụng như nền tảng việc làm trực tuyến cho người cao tuổi hay là ứng dụng chăm sóc sức khỏe cá nhân; làm cầu nối giữa người cao tuổi và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động giàu kinh nghiệm cho các vị trí cố vấn, bán thời gian, hoặc làm việc tại nhà...", thạc sĩ Sơn chia sẻ ý tưởng.

Theo ông Sơn, sắp tới Trường ĐH Công thương TP.HCM sẽ thử nghiệm các khóa học dành cho giảng viên nghỉ hưu của trường, chẳng hạn về nấu ăn hay pha chế; sau đó sẽ triển khai dự án rộng rãi hơn.

Sẽ có luật Học tập suốt đời

Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu, chuẩn bị cho việc ban hành luật Học tập suốt đời. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết thời gian qua có rất nhiều kế hoạch, đề án được thực hiện với mục tiêu tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. "Đến thời điểm này, những chương trình, đề án đó cần được ban hành thành luật để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành có trách nhiệm; tạo cơ hội, điều kiện về thể chế, thiết chế và những điều kiện khác để ai cũng được học tập", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định.

Luật Học tập suốt đời nhằm hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người; nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời...

Được biết, đề xuất dự thảo khung luật Học tập suốt đời dự kiến các nội dung gồm: những quy định chung; quản lý nhà nước về học tập suốt đời; các tổ chức, cá nhân cung ứng cơ hội học tập suốt đời; chương trình, nội dung, tài liệu, hình thức học tập; đánh giá và công nhận kết quả...

CẦN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO PHÙ HỢP, HÌNH THỨC LINH HOẠT

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết: "Đây thực sự là một mảng rất tiềm năng do nhu cầu của người dân rất lớn. Tuy nhiên các trường chưa tập trung vào đối tượng này để xây dựng các khóa học phù hợp, từ đó truyền thông để lan tỏa, kích thích, thu hút người lao động, người cao tuổi đến học tập. Nếu nhà nước có chính sách cụ thể về vấn đề này để tạo ra một xã hội học tập, tạo công ăn việc làm thì người lớn tuổi, người về hưu hoàn toàn có thể tiếp tục cống hiến, đóng góp trí tuệ, sức khỏe cho nền kinh tế, xã hội".

Theo tiến sĩ Tuấn, các trường trung cấp, CĐ có thể cung cấp khóa học về các nghề đơn giản; còn trường ĐH sẽ tổ chức các khóa chuyên sâu về công nghệ, kinh tế, đầu vào cần một trình độ nhất định. "Chương trình cần được thiết kế phù hợp với người lớn tuổi, người lao động bận rộn, với hình thức học tập mở rộng linh hoạt để người học không cần phải tập trung mà có thể học trực tuyến ở bất cứ đâu", tiến sĩ Tuấn chia sẻ.

"Để hỗ trợ việc học tập suốt đời mang lại hiệu quả thực sự, cần chủ động xây dựng các chương trình đào tạo linh hoạt, phục vụ mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, mọi năng lực nền tảng kiến thức. Thời gian học, thời lượng đào tạo theo đó cũng cần phải linh hoạt. Tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ bằng hình thức đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến. Địa điểm học phải thuận tiện, có thể tổ chức tại trường hoặc tại doanh nghiệp. Mức học phí cũng phải phù hợp để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận", tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, nêu quan điểm.

Thêm nguồn thu cho các trường

Được biết, năm 2024, các trung tâm đào tạo ngắn hạn của UEH đã thu hơn 40 tỉ đồng từ các chương trình đào tạo ngắn hạn. "Đây là cách mà các trường ĐH nên làm để ngoài việc lan tỏa tri thức, đáp ứng nhu cầu học tập của người lao động, còn giúp đa dạng nguồn tài chính, không phụ thuộc vào học phí từ sinh viên chính quy", PGS-TS Bùi Quang Hùng nhận định.

Tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, theo tiến sĩ Lê Đình Kha, những năm gần đây các khóa đào tạo ngắn hạn từ cơ bản đến nâng cao, học trực tuyến kết hợp với trực tiếp tại trường nhằm bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao tay nghề cho cá nhân và doanh nghiệp đã thu hút đông đảo người học. "Đối tượng học rất đa dạng, từ những quản lý bậc trung cho tới công nhân lành nghề; từ người đã có bằng tốt nghiệp CĐ, ĐH hoặc cao hơn cho đến lao động phổ thông, phục vụ cho công việc hiện tại hoặc mong muốn chuyển đổi sang một lĩnh vực công tác mới", tiến sĩ Kha thông tin.

Tiến sĩ Kha cho biết học phí được xây dựng phù hợp để bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể tiếp cận chương trình học. Vậy nhưng những khóa học này cũng đã mang đến một nguồn thu cho trường ngoài học phí chính quy.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao