Bàng hoàng với những cú lừa đảo tinh vi
Hào hứng đi Mộc Châu (Sơn La) ngắm hoa mận đang nở rộ, chị M.H (Hà Nội) lên mạng tìm kiếm khách sạn, homestay cho nhóm bạn mình cùng đi vào cuối tuần. Theo thói quen, chị H. tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook từ khóa "Mộc Châu", lập tức hàng loạt fanpage của các homestay khu vực xuất hiện mà không ngờ rằng nhiều trang trong số đó là lừa đảo giả mạo.
"Tôi tìm thấy một homestay có phòng sạch sẽ, giá cả hợp lý tại địa chỉ Le Jolie Homestay. Liên hệ qua tin nhắn trên page đặt 2 phòng, nhận được các hướng dẫn thanh toán. Sau khi chuyển khoản thì tôi được báo là nội dung chuyển khoản tôi ghi không đúng nội dung nên hệ thống của khách sạn chưa ghi nhận được", chị H.chia sẻ.
Từ đây, các đối tượng nhanh chóng thực hiện chiêu bài lừa đảo thứ hai rất chuyên nghiệp. "Nhân viên homestay" hướng dẫn chị H. liên hệ với một người là kế toán để chuyển khoản lần 2 đúng nội dung. Số tiền chuyển lần 1 được hứa sẽ chuyển lại ngay cho chị. Vừa sợ mất tiền, vừa sợ không có phòng nghỉ, chị H. vội vàng chuyển khoản lần 2. Nhận được giấy đặt phòng, chắc mẩm về chuyến du lịch thú vị cuối tuần, chị không hề biết mình lại tiếp tục bị lừa. Chuyện chỉ vỡ lở khi chị H. phát hiện tất cả các tin nhắn với homestay, nhân viên kế toán tự xưng bị xóa và tài khoản của chị bị chặn, không thể gửi hay gọi được.
Trên thực tế, lừa đảo đặt phòng khách sạn đang nở rộ với thủ đoạn rất mới và tinh vi. Mới đây, một nữ du khách ở Hải Phòng cho biết cũng bị lừa đảo đặt phòng tại một khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình và chuyển khoản nhầm nội dung. Kết quả sau nhiều lần chuyển tiền do sai nội dung và không liên lạc được với người giới thiệu là "nhân viên khu nghỉ dưỡng", chị mới nhận ra mình bị lừa, lúc này số tiền trong tài khoản hơn 1 tỉ đồng đã "bốc hơi".
Bài chia sẻ trên mạng xã hội của nữ du khách này thu hút hàng nghìn bình luận trái chiều. Nhiều người cho biết cũng bị lừa bởi chiêu trò tương tự. Chị H.N (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng trở thành nạn nhân của nhóm lừa đảo ngay đầu năm khi book phòng cho gia đình du lịch tại Sapa.
"Chuyển khoản hơn 13 triệu đồng mới biết bị lừa, tôi điện cho đối tượng thì còn bị cười nhạo. Vừa bực, vừa tiếc tiền mà không làm được gì", chị N.H kể. Đa số các vụ lừa đảo, nạn nhân đều rất ngại trình báo ra cơ quan công an do số tiền vài triệu đồng hoặc hơn chục triệu đồng. Nhiều người cũng không chia sẻ lên mạng xã hội do ngại bị cười chê, kết quả mỗi ngày lại có thêm hàng nghìn người trở thành nạn nhân của mạng lưới lừa đảo.
Các thủ đoạn lừa ngày càng tinh vi và khó nhận diện ngay cả với người có kiến thức. Đối tượng lừa đảo xây dựng một fanpage còn chuyên nghiệp hơn fanpage thật, chạy quảng cáo, thậm chí mua tick xanh Facebook, khiến người sử dụng rất khó phân biệt trang nào thật, trang nào giả. Các bước lừa đảo giống nhau cho thấy có mạng lưới lừa đảo chuyên nghiệp với rất nhiều đối tượng.
Nhận biết thủ đoạn để phòng tránh
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó chủ tịch UBND TX.Mộc Châu (Sơn La), cho biết thời gian gần đây đã nhận được phản ánh của khách du lịch về tình trạng lừa đảo đặt phòng trên mạng. Các đối tượng lừa đảo qua mạng không phải là người ở Mộc Châu mà có thể ở địa phương khác lập các tài khoản Facebook giống hệt với tài khoản của các khách sạn, homestay ở Mộc Châu.
"Chính quyền địa phương đã liên tục đưa ra những cảnh báo trên mạng xã hội, qua phương tiện truyền thanh về tình trạng giả mạo lừa đảo đặt phòng. Chúng tôi còn nhờ các chuyên gia công nghệ thông tin hỗ trợ các chủ khách sạn, homestay chính chủ để chặn, đánh sập các trang giả mạo nhưng đến nay vẫn chưa triệt để. Các đối tượng lừa đảo vẫn tiếp tục lập các trang Fanpage khác để lừa đảo", bà Hoa chia sẻ.
Bà Hoa lưu ý, sau tết là cao điểm của mùa du lịch, du xuân tại Mộc Châu, lợi dụng điều này các đối tượng đã gia tăng lừa đảo. Phòng Văn hóa thị xã cũng công khai các số điện thoại của lãnh đạo và đường dây nóng để khách du lịch có thể phản ánh. Tuy nhiên, du khách khi đi du lịch hay đặt phòng nghỉ trước hết phải cảnh giác, tỉnh táo, nếu không sẽ rơi vào "bẫy" lừa đảo.
"Khách du lịch trước khi đặt phòng có thể vào trang Mocchautour.vn tham khảo. Đây là trang web chính thống của TX.Mộc Châu để tìm hiểu danh sách các khách sạn, homestay, các cơ sở lưu trú có uy tín, có đủ điều kiện hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, du khách nên kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, lấy số điện thoại của khách sạn gọi xác minh trước khi chuyển tiền cọc", bà Hoa khuyến nghị.
Liên quan đến tình trạng này, các chuyên gia của Bkav cho hay, rất nhiều nạn nhân đã bị lừa từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng và cơ hội lấy lại gần như bằng không. Mánh khóe của kẻ lừa đảo là bỏ tiền ra mua số lượt like và lượng người follow thật lớn để ngụy trang, tạo niềm tin. Thậm chí, chúng có thể tạo các bình luận trên trang bằng Chatbot, sau đó yêu cầu người đặt phòng chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.
Tương tự, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu thông tin, dự án Chongluadao.vn cũng nhận được nhiều phản ánh từ cộng đồng về tình trạng lừa đảo đặt phòng qua fanpage giả mạo đang bùng phát mạnh sau tết.
"Kẻ gian tạo fanpage giả mạo giống hệt fanpage khách sạn, homestay thật (dùng tên, logo, hình ảnh giống đến 99%). Khi khách có nhu cầu đặt phòng liên hệ, các đối tượng này yêu cầu khách chuyển khoản đặt cọc, thường là 50 - 100% tiền phòng. Sau khi nhận tiền, chúng chặn liên lạc, khách đến nơi mới biết bị lừa. Một số trường hợp, kẻ lừa đảo còn cố tình gửi sai cú pháp để khách chuyển tiền lần hai", ông Hiếu phản ánh.
Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân cần kiểm tra và xác minh kỹ thông tin về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp dịch vụ khi đặt phòng online.
"Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc đối với những khách sạn, nhà nghỉ ít được nhiều người biết đến. Cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn so với giá chung của thị trường. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với các đơn vị chức năng để kịp thời ứng phó và ngăn chặn hành vi lừa đảo", chuyên gia Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
Còn theo ông Hoàng Hậu Dương, Giám đốc Công ty du lịch Đại Lục, các công ty du lịch, cơ sở lưu trú uy tín thường đăng tải đầy đủ địa chỉ, số điện thoại liên hệ. "Các trang fanpage giả thường khóa bình luận, không để số điện thoại liên hệ hay chỉ dẫn từ Google map, tài khoản ngân hàng thường là số tài khoản công ty, không phải tài khoản cá nhân", ông Dương chỉ ra.
Xác minh thông tin khách bị lừa 1 tỉ khi đặt phòng online
Sở Du lịch Ninh Bình hôm qua 6.2 đã vào cuộc phối hợp xác minh thông tin một khách du lịch bị lừa hơn 1 tỉ đồng khi đặt phòng qua mạng. Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho biết đã nắm được thông tin du khách đặt phòng trên fanpage giả mạo một cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh và bị lừa mất hơn 1 tỉ đồng, sở này đang phối hợp xử lý.
"Sau khi có thông tin khách bị lừa khi đặt phòng qua mạng, Sở Du lịch đã giao phòng chức năng đến làm việc với khu nghỉ dưỡng để hướng dẫn xử lý và tuyên truyền cho du khách biết. Sở Du lịch cũng đã có văn bản gửi tất cả các đơn vị, điểm lưu trú để tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các khu điểm du lịch. Chúng tôi đề nghị các đơn vị khi phát hiện các trang web, fanpage giả mạo… cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn và xử lý, tránh bị ảnh hưởng, thiệt hại cho du khách cũng như hình ảnh du lịch Ninh Bình", ông Mạnh nói.