Tối nay mưa sao băng bí ẩn kéo dài từ 2024 đến 2025 đạt cực đại 200 vệt/giờ

Đó là Quadrantids, trận mưa sao băng đầu tiên 2025 đang được người yêu thiên văn Việt Nam mong chờ khi cực điểm diễn ra vào dịp cuối tuần.

Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết mưa sao băng Quadrantids hoạt động hàng năm từ tối 26.12.2024 đến ngày 16.1.2025 với cực điểm năm nay rơi vào lúc 23 giờ ngày 3.1.2025. Như vậy, trận mưa sao băng này kéo dài từ năm 2024 đến năm 2025.

Tối nay mưa sao băng bí ẩn kéo dài từ 2024 đến 2025 đạt cực đại 200 vệt/giờ- Ảnh 1.

Mưa sao băng Quadrantids là trận mưa sao băng đầu tiên 2025

ẢNH: HUY HYUNH

Theo đó, thời gian quan sát tốt nhất trận mưa sao băng này sẽ là rạng sáng ngày 4.1.2025. Trong điều kiện quan sát thuận lợi, bạn có thể nhìn thấy từ 60 đến 200 vệt sao băng bay ngang bầu trời mỗi giờ vào lúc cực điểm. Mặc dù được coi là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất năm, Quadrantids có thời gian cực đại ngắn, chỉ kéo dài trong vài giờ.

Năm nay, trăng lưỡi liềm đầu tháng sẽ lặn đi vào đầu buổi tối và gần như không ảnh hưởng gì tới buổi quan sát của bạn. Tâm điểm của mưa sao băng Quadrantids, điểm mà các vệt sao băng dường như xuất phát trên bầu trời, nằm trong chòm sao cổ Quadrans Muralis. Hiện nay, bạn có thể tìm thấy tâm điểm của mưa sao băng Quadrantids trong chòm sao Bootes.

Sở dĩ đây được xem là mưa sao băng bí ẩn vì trong nhiều năm, sao chổi mẹ của Quadrantids vẫn chưa được biết đến. Đó là vì các nhà thiên văn học đang tìm kiếm một vật thể có quỹ đạo trùng với quỹ đạo của luồng sao băng Quadrantids.

Các trận mưa sao băng khác có các "vật thể mẹ" có quỹ đạo trùng với luồng sao băng của chúng. Nhưng "vật thể mẹ" của Quadrantids thì khác. Hiện tại có ít nhất hai vật thể liên quan đến thiên thạch Quadrantids.

Vật thể chính tạo ra Quadrantids là một tiểu hành tinh có tên là 2003 EH1. Người ta tin rằng đây là một sao chổi đang ngủ yên hoặc đã tuyệt chủng. Các nhà thiên văn học hiện nay cho biết cũng có một vật thể thứ hai liên quan cũng góp phần vào trận mưa sao băng này có thể là sao chổi 96P/Machholz. Vật chất mà chúng ta thấy lướt qua bầu trời đã rời khỏi sao chổi này từ nhiều thế kỷ trước.


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao