Những ngày tháng 4.2025, khi người người nhà nhà đang trong không khí đón chào 50 năm đất nước thống nhất, họa sĩ Rémy sống tại TP.Nice, miền đông nam nước Pháp vượt hơn 15.000 km đặt chân đến TP.HCM với ước mong duy nhất: Tìm thấy mẹ ruột của mình.

Ông Rémy được gia đình Pháp nhận nuôi năm 1970
ẢNH: NVCC
LTS: Dịp 50 năm đất nước thống nhất, có nhiều người gốc Việt từ khắp nơi trên thế giới trở lại Việt Nam tìm về với nguồn cội, gốc gác của mình. Đó có thể là những đứa trẻ Việt Nam năm xưa được cho gia đình nước ngoài nhận nuôi, cũng có thể là "em bé Babylift" nửa thế kỷ trước…
Nhưng dù là ai, họ vẫn có chung một niềm khát khao muốn tìm về với nguồn cội Việt Nam, tìm thấy gia đình ruột thịt của mình. Việt Nam trong trái tim họ có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt bởi đây là quê hương, cội rễ, là "nơi để trở về".
20 năm rồi, ông Rémy mới trở lại Việt Nam
Chúng tôi hẹn nhau tại một căn nhà trên đường Vườn Lài (Q.12, TP.HCM), nơi còn lưu giữ tàn tích của chiếc máy bay vận tải quân sự C-5A Galaxy mang số hiệu 68-0218 từng bị rơi vào ngày 4.4.1975, đúng 50 năm về trước.
Đó là chiếc máy bay năm xưa chở trẻ cô nhi và con lai Việt từ TP.HCM sang nước ngoài trong chiến dịch mang tên Operation Babylift (Chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam) của Mỹ.
Dẫu không rời Việt Nam trên những chuyến bay Babylift, nhưng ông Rémy đã có một sự đồng cảm đặc biệt với thân phận con lai và được người nước ngoài nhận nuôi, thành kính thắp nén nhang đến những người xấu số. Bởi, chính ông cũng là một người con lai Việt - Mỹ, được gia đình người Pháp nhận nuôi.

Người đàn ông tưởng nhớ những người xấu số trong vụ tai nạn máy bay ngày 4.4.1975
ẢNH: CAO AN BIÊN

Sau gần 20 năm, ông Rémy mới trở lại Việt Nam tìm mẹ với hy vọng ngập tràn
ẢNH: CAO AN BIÊN
Cuộc hẹn của chúng tôi còn có sự hiện diện của anh Tuấn Vỹ, chủ kênh Youtube Tuấn Vỹ kết nối yêu thương, nổi tiếng trong việc hỗ trợ các trường hợp tìm lại người thân thất lạc hoàn toàn miễn phí. Gặp nhau, chúng tôi nở nụ cười tươi xóa tan đi khoảng cách ban đầu và câu chuyện tìm về nguồn cội của họa sĩ Pháp cũng được kể lại đầy chân tình.
Lật giở lại những giấy tờ quan trọng về cuộc đời mình, kể cho chúng tôi nghe, ông Rémy cho biết tên khai sinh của mình là Nguyễn Bác Ái, nhưng không rõ mẹ hay cô nhi viện đặt. Bác Ái sinh ngày 1.1.1969, khi 20 ngày tuổi được gửi vào cô nhi viện Thông Thiên Học số 468, Võ Di Nguy, Q.Phú Nhuận (Sài Gòn).
Hơn 1 năm sau đó, cậu bé Việt Nam bất hạnh được cặp vợ chồng Pháp Gastambide nhận nuôi, cùng với một cậu bé khác cùng cô nhi viện, là anh trai nuôi của ông Rémy. Cha mẹ nuôi nhân hậu của ông Rémy đều là những nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, đã yêu ông cũng như người anh trai nuôi bằng tất cả tình thương họ có, cho ông có những điều kiện tốt nhất để phát triển.


Những hồ sơ cũ còn được giữ gìn cẩn thận hơn nửa thế kỷ
ẢNH: NVCC
Cuộc đời của Bác Ái đã mãi mãi thay đổi từ khi sống cuộc đời mới với cha mẹ nuôi ở Pháp.
Tuổi 14 và hành trình hơn 4 thập kỷ tìm nguồn cội Việt Nam
Trước năm 14 tuổi, cậu thiếu niên Rémy khi đó hoàn toàn không biết gì về nguồn cội Việt Nam của mình, trừ cái tên tiếng Việt. Mọi thứ vĩnh viễn thay đổi khi trong một lần xem tạp chí có chủ đề về cuộc chiến ở Việt Nam trước năm 1975, ông lập tức bị cuốn hút, như thể nó ẩn chứa bí mật về gốc gác của mình.
Sau đó, khát khao tìm về với nguồn cội Việt Nam, tìm lại cha mẹ ruột của Rémy lớn dần theo thời gian. Ông thực sự muốn biết mình là ai, đến từ đâu và nơi ông sinh ra như thế nào. Những câu hỏi đó luôn ám ảnh trong tâm trí của chàng trai Rémy trẻ tuổi ngày đó.
Năm 1991, lần đầu tiên Rémy trở lại TP.HCM để tìm cha mẹ ruột. Dựa vào những manh mối duy nhất có trong hồ sơ nhận nuôi còn được lưu giữ, ông tìm về cô nhi viện năm nào.

Năm 1991, lần đầu tiên người đàn ông Pháp gốc Việt trở lại TP.HCM nơi mình sinh ra
ẢNH: NVCC
"Tuy nhiên, cô nhi viện đó đã không còn từ năm 1975, tôi cũng không thể tìm hiểu thêm bất cứ thông tin nào về mình. Sau nhiều tuần làm mọi cách tìm kiếm không có kết quả, tôi trở về Pháp", ông Rémy nhớ lại.
Kể từ chuyến đi đó đến năm 2006, ông có 6 lần trở lại Việt Nam cũng chỉ với một mục đích duy nhất chính là tìm thấy nguồn cội, tìm được cha mẹ ruột của mình. Tuy nhiên mọi thứ dường như đi vào ngõ cụt khi ông đã thử tất cả mọi cách trong khả năng, thậm chí nhờ báo chí giúp đỡ nhưng không có tiến triển.
Giấc mơ tìm mẹ của ông Rémy, ngỡ tưởng kết thúc từ đây…
Diệu kỳ khi tìm thấy cha ở Mỹ
Thời gian cứ thế trôi đi, nhưng khát khao tìm mẹ trong trái tim người đàn ông Pháp mang 2 dòng máu Việt - Mỹ chưa bao giờ nguội lạnh, như ngọn lửa vẫn âm ỉ chờ ngày bùng cháy mãnh liệt.
Đó là khi năm 2019, một người bạn Mỹ của ông Rémy tìm thấy gia đình ruột thịt nhờ "ngân hàng ADN". Ngay sau đó, người đàn ông gửi mẫu ADN đến với các phòng xét nghiệm MyHeritage 23&Me, Ancestry, Myfamilytree… đều là những kho dữ liệu ADN lớn trên thế giới với hy vọng có thể tìm thấy được họ hàng, người thân.


Ông tìm thấy cha ruột ở Mỹ
ẢNH: NVCC
Bất ngờ thay, chỉ 3 năm sau, ông đã xác định được cha ruột của mình là ông Stewart Foster Jr, sống ở bang Mississsippi, Mỹ. ADN đã nói lên tất cả, sau hàng thập kỷ, ông Rémy vỡ òa tìm thấy cha ruột của mình.
"Cha tôi là lính Mỹ từng hoạt động ở Việt Nam. Chiến tranh là nỗi ám ảnh với ông", Rémy kể lại.
Giữa năm 2021, họa sĩ Pháp đã có cuộc gặp gỡ với cha ruột và gia đình bên nội tại TP.Natchez, bang Mississippi. Trong bữa cơm đoàn tụ, người đàn ông đã không giấu được sự xúc động. Bởi, từ khi 14 tuổi, ông đã quyết định tìm cha mẹ ruột của mình và cuối cùng, sau hơn 3 thập kỷ, ước mơ ngỡ tưởng khó thành ấy lại được hiện thực hóa một nửa.
Ký ức chiến tranh hành hạ ông Stewart từng đêm. Với những người con, ông chưa từng kể về chúng. Cho tới khi gặp được Rémy, người đàn ông Mỹ đã lật giở lại ký ức đó. Người cha cho ông Rémy một bức ảnh, khẳng định đây là mẹ ruột của ông và bức ảnh được chụp ở Sài Gòn những năm cuối thập niên 60.

Bức ảnh về mẹ được cha ruột ông Rémy cung cấp
ẢNH: NVCC
Qua lời kể cha ruột, Rémy biết được cha mẹ gặp nhau trong một khu quân sự gần sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968. Ngày ấy, Stewart đóng quân ở Pleiku, mỗi tháng một lần đưa lính Mỹ tử trận về Tân Sơn Nhất để hồi hương. Họ chỉ gặp nhau 2 lần, khi quay lại, Stewart không thể tìm thấy cô gái nữa.
"Nếu một lần con được gặp mẹ…"
Chính bức ảnh đó, một lần nữa, đã mang đến hy vọng cho người đàn ông Pháp tìm lại mẹ ruột Việt Nam. Theo lời kể của cha, mẹ ruột của ông trong bức ảnh đó có thể 22 - 24 tuổi.
"Khi mới tìm gặp cha, tôi đã từng nói với cha rằng, con không phải là chiến tranh mà là hậu quả của nó. Con không trách gì cha, con chỉ muốn gặp và thể hiện tình yêu thương với cha", ông Rémy chia sẻ.
Và giờ đây, khi tiếp tục trở lại Việt Nam sau 20 năm để tìm mẹ ruột, ông Rémy nói rằng ông chưa từng có suy nghĩ trách mẹ của mình. Ngược lại, ông vô cùng biết ơn vì mẹ đã sinh ra ông, cho ông có được cuộc sống này.

Ông hy vọng có thể tìm thấy mẹ ruột trên hành trình lần này
ẢNH: CAO AN BIÊN
Họa sĩ Pháp hy vọng có thể tìm thấy được phép màu trên hành trình mà ông theo đuổi suốt 42 năm qua, dẫu biết có nhiều nhiêu khê. Người đàn ông không cảm thấy cô đơn khi hành trình này có sự giúp sức của nhiều người Việt Nam tốt bụng.
Trong số đó, có ông Huỳnh Tấn Sinh, một người bạn đặc biệt của ông Rémy hiện đang sống ở Pháp và bà Thu Hương, hiện đang sống ở TP.HCM. Họ đều là những người tham gia vào hành trình hỗ trợ người nước ngoài tìm thân nhân Việt Nam miễn phí suốt nhiều năm nay.
Bà Hương cho biết bản thân vô cùng xúc động và ấn tượng với hành trình tìm cha mẹ của ông Rémy. Bà cho biết sẽ phối hợp với anh Tuấn Vỹ, cùng hỗ trợ họa sỹ Pháp trên hành trình đặc biệt lần này.
(Còn tiếp…)