Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ 2024 và đón chào năm mới 2025, đông nghẹt người đổ dồn về trung tâm TP.HCM, đặc biệt khu vực Công viên bến Bạch Đằng và Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) để tham gia sự kiện countdown và ngắm pháo hoa rực rỡ bầu trời kéo dài 15 phút.
"Quá vui!"
Đó là trải nghiệm của anh Chí Thiện (18 tuổi) khi lần đầu tiên cùng nhóm bạn hơn 10 người của mình tham gia countdown, ngắm pháo hoa ở TP.HCM. Dịp Tết Dương lịch, vì chỉ nghỉ 1 ngày và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đến gần nên chàng sinh viên quyết định không về miền Tây đón năm mới cùng gia đình mà hẹn những người bạn cùng đi đón năm mới ở TP.HCM.
Cùng mọi người hát hò, trò chuyện vui vẻ với nhau trước thời khắc năm mới cận kề, với Chương là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Cùng đón năm mới không chỉ giúp chàng trai gắn kết tình bạn mà còn chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng cho hành trình sắp tới.
"Năm mới, mình sẽ là một con người mới, là phiên bản tốt hơn của chính mình năm cũ. Lần đầu đón năm mới ở TP.HCM là một trải nghiệm vui. Nếu được mình cũng muốn sống trong khoảnh khắc này lần nữa, khi tất cả mọi người cùng hòa vào bầu không khí đặc biệt với sự hân hoan và niềm vui", chàng trai trẻ cho biết.
Trong khi đó, tham gia vào đại nhạc hội ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Ngọc Ánh (20 tuổi) cho biết đã có những giây phút "cháy hết mình" cùng với những người bạn của mình và tất cả những người lạ có mặt tại sự kiện.
Theo chị Ánh, để vào được khu vực nhạc hội, chị đã đến từ sớm, xếp hàng dài chờ đợi để có được một vị trí tốt và được quan sát những nghệ sĩ nổi tiếng là thần tượng của chị.
"Kết quả vô cùng xứng đáng! Mình thích sự náo nhiệt, thích được hòa mình vào đám đông và cùng nhau đón năm mới theo một cách năng lượng nhất. Mình đón năm mới 2 năm rồi, năm nào cũng đông, về đường cũng kẹt xe và đuối nhưng mình không thấy ngại. Năm sau chắc chắn mình sẽ tiếp tục đón năm mới ở đây. Mệt mà vui!", cô gái cho biết.
Ông Bùi Sơn (45 tuổi) cho biết dù phải chịu cảnh kẹt xe mỗi lần đón năm mới về đến mệt lả người, nhưng ông và gia đình vẫn đến trung tâm hòa vào không khí sôi động này mỗi năm vì "một năm có một lần". Ông cũng mong muốn cháu ngoại được ra ngoài khám phá những điều mới mẻ, có nhiều kỷ niệm tuổi thơ.
"Ám ảnh, năm sau ở nhà sướng hơn!"
Đó là tâm sự của anh Nhựt, khi phải chờ đợi mòn mỏi ở một nhà giữ xe trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Q.1) để về nhà ở Q.Bình Thạnh sau đêm đón năm mới. Anh Nhựt cho biết từ chiều, vì đến muộn nên anh đã vất vả để tìm một chỗ gửi xe.
"Mình không quen đường ở đây, cũng không rành chỗ gửi. Có chỗ người ta chỉ, tới thì thông báo là hết rồi, phải đi tìm chỗ khác. Tới chỗ này thì phải chờ 15 phút mới gửi được, lúc về thì chờ hơn 20 phút rồi vẫn chưa lấy được. Về thêm kẹt xe thì khỏi nói luôn. Lần đầu đi chắc cũng là lần cuối, ám ảnh. Năm sau đón năm mới ở nhà sẽ sướng hơn", anh cho biết.
Trong khi đó, về nhà sau đêm countdown ở phố đi bộ, Nguyễn Dung (18 tuổi) cho biết vì lượng người đông, chen chúc nhau khiến chị cảm thấy ám ảnh. Cô gái trẻ cho biết đây là lần đầu tiên tham gia vào một sự kiện đông người như vậy ở TP.HCM khi vừa lên đây học không lâu.
"Tới lúc về, mình đi xe máy với bạn, nhích từng chút từng chút. Phải nói để ra khỏi mấy tuyến đường trung tâm là mừng lắm luôn. Đi một lần trải nghiệm thôi, chứ tính mình hướng nội, cũng không thích hợp với những sự kiện như vậy. Những bạn hướng ngoại, năng lượng sẽ hợp hơn", chị cho biết.
Còn anh Thành Duy (35 tuổi, ngụ Q.8) cho biết nhiều năm nay, anh hiếm khi tham dự những sự kiện đông người vì cảm thấy không phù hợp. Theo anh, năm mới là thời điểm nên dành cho người thân, ở nhà quây quần cùng vợ con nghĩ về một năm đã qua.
Từ ban công chung cư, anh Duy có thể nhìn xa thấy nhiều nơi bắn pháo hoa. Với anh, xem pháo hoa ở nhà cũng là trải nghiệm thú vị và cảm thấy bình yên khi không chật vật với cảnh kẹt xe, chen lấn, mệt mỏi.