Vũ Việt Hà - tình yêu với áo dài thập niên 1930

Cảm hứng từ tranh danh họa Việt

Điều gì thúc đẩy để anh trở thành nhà thiết kế áo dài?

Lý do để tôi gắn bó với áo dài là nhờ sự may mắn khi các sản phẩm sáng tạo được đón nhận ngay từ ngày đầu. Ca sĩ Thùy Dung là người nổi tiếng đầu tiên mặc trang phục của tôi trên sóng truyền hình. Đó là một thiết kế đầm dạ hội cách tân từ áo dài nằm trong bộ sưu tập đồ án tốt nghiệp.

Vũ Việt Hà - tình yêu với áo dài thập niên 1930- Ảnh 1.

Nhà thiết kế áo dài Vũ Việt Hà

Ảnh: NVCC

Năm 2005, bộ sưu tập áo dài đầu tiên của tôi được đăng trên tạp chí Mốt, bộ sưu tập thứ hai trình diễn ở Festival Huế 2006. Sau này nhìn lại, tôi tự nhận đó là những mẫu áo dài khá "ngô nghê" nhưng chúng giúp tôi có được những khách hàng đầu tiên. Nhiều người biết đến tôi từ đó, họ vẫn gắn bó và đi cùng đến ngày hôm nay, khi tôi đã có một hành trình dài với áo dài Việt.

Vì sao áo dài thập niên 1930 trở thành thương hiệu gắn với tên tuổi của Vũ Việt Hà?

Cơ duyên để tôi gắn bó sâu sắc với áo dài xưa bắt nguồn từ các tư liệu lịch sử và mỹ thuật. Khi xem tranh của các danh họa nổi tiếng Việt Nam như Mai Trung Thứ, Lê Phổ…, tôi bị ấn tượng bởi hình ảnh các cô gái mặc áo dài. Tôi xem đây là những phác thảo thời trang chân thực, rõ nét nhất về áo dài xưa của người Việt và cũng chính là tư liệu quý để khai thác, sáng tạo.

Vũ Việt Hà - tình yêu với áo dài thập niên 1930- Ảnh 2.

Áo dài tơ sen trong bộ sưu tập Nối dài với người mẫu là nghệ sĩ múa Linh Nga

Ảnh: Kiếng Cận

Từ năm 2007, tôi vẽ phác thảo, lên mẫu thật dựa vào tranh của các danh họa. Tôi theo đuổi công việc này ròng rã nhiều năm, vừa làm vừa đào sâu nghiên cứu, cải tiến, tinh chỉnh chi tiết, cập nhật xu hướng rồi từ đó hoàn thiện phom áo dài mang nét riêng.

Ngoài phom dáng, điểm đặc biệt nhất trên áo dài xưa của tôi là chất liệu. Tất cả đều do tôi nghiên cứu và chọn lựa. Từ vải thổ cẩm đến tơ lụa, sợi gai, tơ dứa, tơ sen… đều do tôi tuyển chọn từ sợi thô, áp dụng cách dệt thủ công, nhuộm màu tự nhiên theo kỹ thuật của nghệ nhân làng nghề…

Trong suốt 9 năm tham gia Vietnam Designers House (mô hình thành lập năm 2010, quy tụ nhiều nhà thiết kế Việt trưng bày và bán các thiết kế mới), trong khi mọi người đều làm áo dài chiết eo truyền thống thì tôi vẫn chọn áo dài xưa. Thời đó giá bán một chiếc áo tương đương 1 tháng lương của nhân viên văn phòng, nhưng tôi vẫn bán được dù chỉ 1 - 2 chiếc mỗi tháng. Tôi xem đó là động lực để bản thân cố gắng hơn nữa.

CÁC BẠN TRẺ CHO TÔI NHỮNG BÀI HỌC MỚI

Với số lượng bán ra khiêm tốn như vậy, làm sao anh sống được với nghề thiết kế?

Tôi may mắn khi luôn nằm trong top các nhà thiết kế có doanh thu cao nhất nhì Vietnam Designers House. Tôi có đầm dạ hội, váy dạo phố cùng nhiều loại trang phục khác và chúng mang đến kinh tế để tôi nuôi đam mê áo dài.

Vũ Việt Hà - tình yêu với áo dài thập niên 1930- Ảnh 3.
Vũ Việt Hà - tình yêu với áo dài thập niên 1930- Ảnh 4.

Áo dài suông thập niên 1930 của Vũ Việt Hà 

Ảnh: Kiếng Cận - FBNV

Mãi đến khoảng 6 năm trở lại đây, áo dài suông thập niên 1930 mới trở thành trào lưu được yêu thích. Việc những người đẹp nổi tiếng như Tăng Thanh Hà, nghệ sĩ múa Linh Nga mặc chụp ảnh tết hay đi chơi xuân càng góp phần lan tỏa mạnh hơn. Áo dài xưa đã tìm được chỗ đứng riêng.

Hiện tại, tôi đã tự tin hơn với áo dài. Tôi vẫn say sưa nghiên cứu, tìm tòi các chất liệu mới và luôn đầy ắp ý tưởng sáng tạo. Tôi rất trân trọng công việc này, mỗi bộ sưu tập là một câu chuyện, mỗi chiếc áo dài là một sản phẩm văn hóa truyền thống mang hơi thở cuộc sống.

Tháng 6.2024, anh có màn xuất hiện ấn tượng tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam tổ chức tại TP.HCM. Vì sao đến mùa diễn thu đông tổ chức tại thủ đô Hà Nội anh lại vắng mặt?

Tôi nhập viện gần 1 tháng sau khi vắt kiệt sức lực để làm cùng lúc 3 - 4 bộ sưu tập diễn ở tuần lễ thời trang, Festival Huế, lễ hội văn hóa…, tôi làm các bộ sưu tập nhỏ, các đơn hàng và thêm công việc giảng dạy. Vốn dĩ là người đam mê thể thao, ngày nào không tập là thấy uể oải không có sức khỏe, thiếu sự phấn chấn, sáng tạo, vậy mà tôi vẫn bị kiệt sức. Tôi nhận ra rằng không có sức khỏe thì không có gì cả, kể cả sức sáng tạo cũng sẽ thui chột.

Vũ Việt Hà - tình yêu với áo dài thập niên 1930- Ảnh 5.
Vũ Việt Hà - tình yêu với áo dài thập niên 1930- Ảnh 6.
Vũ Việt Hà - tình yêu với áo dài thập niên 1930- Ảnh 7.

Các thiết kế áo dài của Vũ Việt Hà tại Tuần lễ thời trang Dubai 

Ảnh: Kiếng Cận

Thêm vào đó, 100% nguyên liệu cho bộ sưu tập mới tôi đặt hàng từ đồng bào vùng Tây Bắc. Đợt bão lũ lớn năm 2024 đã ảnh hưởng đến tiến độ. Hai yếu tố này khiến tôi hiểu rằng mình phải chậm lại. Tôi dừng kế hoạch ra bộ sưu tập mới ở sự kiện tại Hà Nội nhưng sẽ trở lại mạnh mẽ ở thời điểm gần Tết Nguyên đán và mùa xuân 2025.

Anh quan niệm thế nào về sự bay bổng sáng tạo, đặc biệt trong sáng tạo áo dài?

Có vô số nhà thiết kế làm áo dài, do đó để tạo dựng được thương hiệu không dễ. Tôi nghĩ để thành công đôi khi phải trả giá, phải đánh đổi bằng sức khỏe, thời gian, tiền bạc và cả sự thiệt thòi về mặt gia đình. Tuy nhiên, nếu kiên trì, đặt cái tâm vào công việc và có một chút may mắn thì thành quả rất xứng đáng.

Vũ Việt Hà - tình yêu với áo dài thập niên 1930- Ảnh 8.

Vũ Việt Hà tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam

Ảnh: Kiếng Cận

Tôi quan niệm mỗi lần ra mắt, bộ sưu tập mới phải dung hòa được các yếu tố về thẩm mỹ, hiệu ứng thị giác, mang đến cảm xúc và có tính ứng dụng trong cuộc sống. Có những thiết kế của tôi bị nhận xét quá bay bổng, quá nghệ thuật, nhưng thực ra tôi đã tự cân chỉnh giữa sáng tạo và ứng dụng. Thiết kế thời trang không chỉ để thỏa mãn cái tôi mà còn phải mang đến giá trị cho người mặc thực tế.

Đâu là chất liệu quý hiếm mà anh tâm đắc khi đưa lên áo dài?

Tôi làm áo dài từ thổ cẩm, tơ tằm, tơ dứa, sợi gai, tơ sen…, đều là những chất liệu tự nhiên và quý hiếm. Vải tơ sen được tôi phát hiện trong chuyến đi về làng Phùng Xá, Hà Tây. Từ hơn 11.000 cây sen và hàng trăm công thợ mới làm ra được 1 mét vải.

Do quá kỳ công nên tơ sen vô cùng đắt đỏ và chỉ được làm thành khăn choàng. Vải tơ sen có ưu điểm vượt trội về độ co giãn, mặt vải mộc mạc và tỏa mùi sen thơm ngát. Tôi kết hợp tơ sen với tơ tằm và sợi bố để làm nên bộ sưu tập Nối dài - vẫn là các thiết kế áo dài theo phom áo dài cổ thập niên 1930 trong bộ ảnh chụp Linh Nga và mẫu nhí Minh Thảo.

Cuộc sống đầy ắp và bộn bề là vậy, nhưng được biết anh vẫn thường xuyên đi dạy?

Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là cái nôi nuôi dưỡng đam mê thời trang của tôi từ thuở sơ khai. Năm 2014, tôi nhận được lời mời từ khoa Mỹ thuật ứng dụng và trở lại trường giảng dạy thiết kế thời trang với lòng biết ơn và tri ân ngôi trường này.

Công việc giảng dạy không đơn giản, chiếm nhiều thời gian, nhưng ngược lại, các bạn trẻ cho tôi những bài học mới. Tôi học từ họ sự nhanh nhạy, cập nhật nhanh xu thế mới, có được nhiều ý tưởng mới, và qua đó có thể chuyển hóa được các giá trị cũ mới đan xen.

Anh có lời khuyên nào dành cho nhà thiết kế trẻ? Họ cần gì để thành công?

Thời tôi đi học hơn 20 năm trước không có mạng xã hội, internet chưa phát triển, nên rất thiếu thông tin về thế giới. Hiện nay, bạn trẻ có nhiều công cụ hỗ trợ, họ vừa nhanh nhạy, vừa nắm bắt xu hướng tốt, nhưng lại hơi vội vàng. Tôi cho rằng bạn trẻ cần chăm chỉ, kiên trì, lao động bền bỉ để có nền móng vững mới mong gặt hái thành công lâu dài.

Còn công việc làm mentor cho các cuộc thi trang phục văn hóa dân tộc?

Các cuộc thi tôi làm mentor gần đây là Hoa hậu Quốc gia Việt Nam, Vietnam Next-Gen Fashion cũng giống như công việc giảng dạy. Tôi được tiếp xúc với các nhà thiết kế trẻ và đi từ ngạc nhiên đến trầm trồ vì các bạn rất tài năng. Họ mang đến cho tôi sự hứng thú, tôi học hỏi từ các bạn trẻ, do vậy việc này rất xứng đáng để dành thời gian.

Tuy bận rộn là vậy nhưng tôi luôn dành ưu tiên cho việc cần thiết nhất. Ngày nào tôi ở Hà Nội thì vẫn sáng đưa con đi học, chiều đón con về. Đó là niềm hạnh phúc mà tôi trân trọng và muốn đóng góp cùng gia đình.

Tết của gia đình anh sẽ như thế nào?

Khác với xu hướng chung của xã hội khi tết ngày càng bị coi nhẹ thì tôi và gia đình vẫn giữ nét truyền thống tết xưa của người Hà Nội. Ở tuổi này tôi vẫn được phân công rửa lá dong gói bánh chưng. Vài năm gần đây, gia đình tôi có thói quen đi sắm tết vùng cao, cả nhà đi mua gạo nếp nương, thịt gác bếp, hoa đào rừng… về ăn tết.

Được sum họp quây quần bên người thân, có mặt bên gia đình mang đến sự đầy đủ về tinh thần và làm nên hạnh phúc của tôi. 

Cơ duyên để tôi gắn bó sâu sắc với áo dài xưa bắt nguồn từ các tư liệu lịch sử và mỹ thuật. Khi xem tranh của các danh họa nổi tiếng Việt Nam như Mai Trung Thứ, Lê Phổ…, tôi bị ấn tượng bởi hình ảnh các cô gái mặc áo dài. Tôi xem đây là những phác thảo thời trang chân thực, rõ nét nhất về áo dài xưa của người Việt và cũng chính là tư liệu quý để khai thác, sáng tạo.

Vũ Việt Hà sinh ra và làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp năm 2001.

Với hơn 2 thập niên làm việc không ngừng, anh ghi dấu ấn với nhiều bộ sưu tập ấn tượng như Ngày trở về, Chuyện tình cao nguyên đá, Mộng xưa, Thiên di, Về quê, Ký gửi người Mông vào tương lai, Cô ấy là ai…

Ngoài giới thiệu bộ sưu tập mới tại các tuần lễ thời trang, anh đều đặn tham gia các mùa Festival áo dài, Festival Huế, sự kiện Ngày Việt Nam tổ chức ở nhiều quốc gia. Giải thưởng đầu tiên anh giành được là giải Viện thiết kế Murase tại cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix 2004.

Luôn tìm kiếm và phát triển chất liệu mới

Tôi có cơ hội hợp tác với anh Vũ Việt Hà từ năm 2017, khi chụp bộ ảnh với người mẫu là Hoa hậu Ngọc Hân. Kể từ đó, tôi nhiều lần từ Nam ra Bắc, theo anh lên Tây Bắc hay sang Dubai (UAE) để chụp những bộ sưu tập mới mà anh giới thiệu tại các sự kiện thời trang, văn hóa và ngoại giao của Việt Nam.

Điều tôi ấn tượng nhất, anh là nhà thiết kế hiếm hoi luôn tìm kiếm và phát triển các chất liệu mới. Anh đã kinh qua những chất liệu quý hiếm mang tính độc bản như thổ cẩm, tơ dứa, tơ sen… Và tôi bị áp lực phải thể hiện được sự khác biệt, độc đáo đó qua hình ảnh theo cách đẹp nhất. Mỗi lần chụp là một lần thử thách nhưng tràn đầy cảm hứng vì áo dài của anh có chất riêng, phom dáng hoài cổ, nhưng được làm mới cực kỳ thú vị.

Ngoài ra, Vũ Việt Hà là một nhà thiết kế trí thức, có nền tảng kiến thức và văn hóa vững chắc, luôn có thể thăng hoa với sáng tạo. Anh là một trong những nhà thiết kế Việt Nam làm tốt nhất công việc phát triển văn hóa và bản sắc Việt.

Nhiếp ảnh gia Kiếng Cận


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao