Từ sơ học đến trung học
Được thành lập khoảng năm 1870, đây là trường sơ học đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long. Theo sách Vĩnh Long nhơn vật chí in năm 1925, trường có 2 thầy giáo nổi tiếng. Người thứ nhất là giáo thọ Lê Đăng Khoa, người làng Tân Giai, tổng Bình An, Vĩnh Long (nay thuộc P.3, TP.Vĩnh Long). Ông Khoa tốt nghiệp bằng Thành chung Trường d'Adran Sài Gòn rồi về dạy ở Trường tỉnh Long Xuyên. Tháng 7.1891, ông đổi về dạy tại Trường Sơ học Vĩnh Long, đến năm 1912 được thăng chức giáo thọ hạng nhứt.
Người thầy thứ hai là ông huyện Lê Minh Thiệp. Trước khi được phong huyện hàm, ông Thiệp từng làm thầy giáo ở trường này năm 1886. Năm 1917, khi giáo thọ Lê Đăng Khoa qua đời, ông được cử làm đốc học, đến năm 1919 giữ chức giám đốc các trường trong tỉnh Vĩnh Long.
Đầu thập niên 1940, học trò ở Vĩnh Long sau khi hoàn thành bậc tiểu học, nếu muốn lên trung học thì phải qua Cần Thơ hoặc Mỹ Tho, vì vậy đa số đã nghỉ học sau khi lấy bằng tiểu học. Năm 1947, khi linh mục Nguyễn Ngọc Quang đảm nhận vai trò Giám đốc Tiểu chủng viện Vĩnh Long, ông đã cùng thầy Nguyễn Văn Kính, bấy giờ là Thanh tra tiểu học liên tỉnh Vĩnh Long - Sa Đéc - Trà Vinh, tích cực vận động để thành lập trường trung học đầu tiên tại Vĩnh Long.
Ngày 2.12.1949, Trường Collège de Vinhlong chính thức ra đời, thầy Nguyễn Văn Kính được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Đến năm 1951 - 1952, trường được cấp kinh phí xây thêm 2 dãy phòng. Lúc bấy giờ, trường có tổng cộng 6 lớp học và đổi tên tiếng Việt là Trường cao đẳng Tiểu học. Đầu năm 1954, trường đổi tên thành Trường trung học Nguyễn Thông, bắt đầu mở các lớp từ đệ thất đến đệ tứ, bấy giờ gọi là trung học đệ nhất cấp. Đến năm 1958, trường được mở thêm bậc trung học đệ nhị cấp, với các lớp đệ tam, đệ nhị và đệ nhất.
Ngày 23.1.1961, Trường trung học Nguyễn Thông đổi tên thành Trường trung học Tống Phước Hiệp và dời về cơ sở mà trước đó là Trường Sơ cấp Internat Primaire. Cơ sở trường Nguyễn Thông cũ được giao lại cho Trường trung học bán công Nguyễn Thông. Năm 1975, Trường trung học Tống Phước Hiệp đổi tên thành Trường cấp 3 thị xã Vĩnh Long và từ năm 1979 đổi thành Trường THPT Lưu Văn Liệt.
Bản nội quy nghiêm khắc
Năm 1961, khi thầy Trương Văn Cao làm Hiệu trưởng Trường trung học Tống Phước Hiệp thì số học sinh của trường đã lên gần 1.000. Bản nội quy của trường với 9 khoản và 24 điều, rất nghiêm khắc.
Cụ thể như học sinh chỉ được vào trường 15 phút trước giờ học. Mỗi đầu giờ, học sinh xếp hàng ngoài lớp, hoàn toàn im lặng, chờ giáo viên hay giám thị cho lệnh mới được vào. Trong giờ học không được lảng vảng ngoài sân. Khi ra về, cả lớp phải xếp hàng. Học sinh có xe đạp thì đi sau chót. Ngay cả lúc đợi vô trường, học sinh "phải đứng trên lề hay sát lề đường để cho hành khách và xe cộ dễ lưu thông"…
Nội quy yêu cầu học sinh phải biết trọng của công, cũng như của tư. Vì vậy, phải có bổn phận giữ gìn trường lớp, bàn ghế, sách vở nguyên vẹn, sạch sẽ. Triệt để cấm xả rác trong lớp hay ngoài sân, cấm viết, vẽ, khắc trên bàn, trên vách. Trước khi ra về, học sinh gần cửa đóng cửa, gần đèn tắt đèn. Học sinh không được phép chạy xe đạp trong sân trường, không dựng xe trước các văn phòng…
Trang phục của nam sinh là áo sơ mi trắng tay ngắn, quần dài xanh nước biển, giày da hay bố, hoặc dép da. Áo sơ mi phải nhốt vạt vào lưng quần. Nếu sơ mi tay dài thì cấm xăn lên. Tóc nam sinh cấm hớt chấn theo lối cao bồi. Nữ sinh mặc áo dài trắng, quần trắng hoặc đen, mang guốc vông; tránh áo mỏng và eo bó sát. Học sinh đi trễ trong vòng 10 phút phải đến trình giám thị, giải thích lý do. Quá 10 phút không được vào lớp. Nếu vi phạm lần đầu nhà trường mời phụ huynh tới bảo lãnh. Tái phạm lần thứ 2, học sinh được tạm giao gia đình dạy dỗ từ 3 đến 7 ngày. Nếu còn tái phạm có thể bị đuổi học. Trong trường hợp vắng mặt không xin phép sẽ không được nhập học mà phải có phụ huynh tới xác nhận lý do vắng mặt.
Về văn hóa ứng xử, điều 17 yêu cầu: "Học sinh phải luôn luôn tỏ ra có giáo dục đối với mọi người và có kỷ luật ở trong cũng như ngoài học đường. Có kỷ luật và có giáo dục là kính trên, nhường dưới, ăn nói khiêm cung, chào hỏi lễ phép, không quấy rầy, không chọc ghẹo, ương ngạnh". Dọc đường gặp đám tang hay đám rước đi qua, nên dừng bước bên lề và giở nón chào kính...
Vì vấn đề kỷ luật và đạo đức học sinh được đặt lên hàng đầu nên trong thư ngỏ cùng phụ huynh, nhà trường nói rõ: "Quý vị gởi con em đến trường, nhà trường có bổn phận thay thế quý vị đào luyện con em thành người lương hảo. Trung thành với sứ mạng, nhà trường luôn theo dõi học vấn và hạnh kiểm của chúng. Nhà trường thiết tha yêu cầu quý vị giúp đỡ nhà trường bằng cách nhắc nhở con em tuân hành nội quy và áp dụng thời khóa biểu chặt chẽ"…
Cô Phan Hoàng Tú Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Văn Liệt, cho biết năm 2018 trường được đầu tư xây dựng lại hoàn chỉnh với đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, nhà thi đấu thể dục thể thao… Hiện nay, trường có tổng cộng 41 lớp, với 1.614 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12. (còn tiếp)