Tháp cổ Vĩnh Hưng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Ngày 26.4, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (thường gọi là tháp cổ Vĩnh Hưng, thuộc ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, H.Vĩnh Lợi).

Tháp cổ Vĩnh Hưng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 1.

Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

ẢNH: TRẦN THANH PHONG

Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng được xác định thuộc giai đoạn phát triển cuối của nền văn hóa Óc Eo. Từ tư liệu khảo cổ học có thể thấy, tháp cổ Vĩnh Hưng có quy hoạch tổng thể được sử dụng trong một thời gian khá dài, với nhiều lần trùng tu, sửa chữa bởi các cộng đồng cư dân cổ.

Tháp cổ Vĩnh Hưng đã qua 3 lần khai quật, khảo cổ vào các năm 2002, 2006 và 2011. Hiện vật phát hiện được qua các cuộc khai quật với số lượng lớn, phong phú về thể loại, là di sản văn hóa của dân tộc. Trong số hàng trăm hiện vật được phát hiện, đáng chú ý là bộ sưu tập cổ vật bằng đồng, được đánh giá vào loại hiếm có và rất có giá trị. Đây cũng là bộ sưu tập tượng đồng nhiều nhất đến nay được ghi nhận ở các công trường khai quật khảo cổ học khu vực phía nam.

Trong bộ sưu tập này, có nhiều tượng đồng với hoa văn tinh xảo, kỹ thuật chế tác điêu luyện và mang đậm dấu ấn văn hóa của nền văn minh sông Hằng (Ấn Độ). Trong số hiện vật được tìm thấy tại di tích khảo cổ Vĩnh Hưng có 5 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: tượng Sadasiva; tượng nam thần; tượng Nữ thần Parvati; tượng nam thần được đúc theo tư thế ngồi, có 2 tay, chân phải chống cao, chân trái xếp bằng và tượng nữ thần UMA.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, ngày 18.7.2024, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích khảo cổ Vĩnh Hưng. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Bạc Liêu mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng kho tàng của di sản văn hóa vật thể của Việt Nam.

Tháp cổ Vĩnh Hưng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 2.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích khảo cổ Vĩnh Hưng

ẢNH: TRẦN THANH PHONG

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề nghị Sở VH-TT-DL chủ trì, phối hợp các cơ quan khẩn trương quy hoạch di tích để kịp thời xác định nội dung và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích; qua đó nhằm phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, từng bước xây dựng nơi đây trở thành Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn nền văn hóa Óc Eo của khu vực Nam bộ.

Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Thiều yêu cầu triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Sở VH-TT-DL tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm thêm hình ảnh, tài liệu, hiện vật gốc có liên quan đến quá trình khai quật, khảo cổ; đồng thời, hoàn chỉnh nội dung trưng bày và phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu, học tập của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang và đoàn thể các cấp trong tỉnh thường xuyên có kế hoạch tổ chức về nguồn, viếng thăm di tích tháp cổ Vĩnh Hưng.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao