Lê Đại Cương bại trận
Lúc này, ở Vĩnh Long, các viên Bố chính sứ Phạm Phúc Thiệu, thự Án sát sứ Doãn Uẩn đã nghe tin thua trận. Giờ Dần [3 - 5 giờ sáng] ngày mồng 10.6 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Tổng đốc Long Tường Lê Phúc Bảo và Phó quản đồn Uy Viễn là Nguyễn Văn Vị tới tỉnh lỵ Vĩnh Long, chỉ đem theo được 1 chiếc thuyền và 20 lính. Đến giờ Tỵ [9 - 11 giờ sáng], Phó quản Thủy cơ Vĩnh Long là Trương Phúc Thùy cũng chạy về, chỉ còn 1 thuyền và 3 lính. Lãnh binh Nguyễn Văn Khoa cũng quay về, nhưng lẳng lặng đem người nhà trốn mất. Giờ Mùi [1 - 3 giờ chiều], thự phủ Định Tường là Tô Trân cũng tới.
Bố chính Vĩnh Long Phạm Phúc Thiệu, thự Án sát sứ Doãn Uẩn rơi vào thế khó xử. Số quân trong tỉnh hơn 1.600 người, 29 chiếc thuyền đã giao hết cho Tổng đốc Lê Phúc Bảo, rồi bị ông này làm tan tành cả. Trong tỉnh chỉ còn 8 chiếc thuyền dùng được, hơn 200 cân thuốc súng, quân nhu ít ỏi, binh lính gần như không có. Ngày 11.6, Doãn Uẩn kiểm điểm binh lính, ngoài số cắt đi canh giữ nhà giam, thì chỉ còn lại 120 người, số thuyền dùng được chỉ còn 4 chiếc. Phó lãnh binh Vĩnh Long là Thái Văn Hán, Thành thủ úy Vũ Huy Cự đang bị ốm. Doãn Uẩn chia số quân đó ra làm hai, một nửa đi tuần sông, một nửa giữ tỉnh thành. Ngoài ra, ông còn sức cho Cai tổng Bình Hưng, Phó tổng Bình Thanh của huyện Vĩnh Bình, Cai tổng Minh Hóa huyện Tân Minh đem 300 dân phu chia đi đóng đồn ở những chỗ quan trọng ven sông.
Ngày 14, quân nổi dậy đưa 40 chiếc thuyền tới đỗ ở địa phận tỉnh An Giang. Lê Đại Cương ở sông Đôi (gần bên ngoài sông Long Hồ, đầu địa hạt Vĩnh Long; nhưng theo Ngoại Lãng tướng công niên biểu của Doãn Uẩn thì đó là xứ Cái Tàu) đem quân chống cự. Phó lãnh binh An Giang là Vũ Văn Thường đốc quân chiến đấu từ giờ Dần [3 - 5 giờ sáng] đến giờ Thìn [7 - 9 giờ sáng]. Quân nổi dậy hơi núng thế. Bỗng nhiên gió nổi, nước triều dâng lên, tạo thuận lợi cho quân nổi dậy. Thuyền của Vũ Văn Thường bị gió thổi dạt vào bờ. Quân nổi dậy đưa thuyền xúm đến. Vũ Văn Thường bị nhiều vết thương, nhảy xuống sông, bị bắt sống. Thủ ngữ Châu Giang là Lương Văn Hán chỉ huy cánh phía sau cũng bị thương. Lê Đại Cương bèn rút chạy. Quân Vĩnh Long của Doãn Uẩn đi tiếp ứng Lê Đại Cương cũng đem thuyền rút về tỉnh lỵ.
Vĩnh Long thất thủ
Quân nổi dậy chia làm hai cánh: một toán truy kích Lê Đại Cương, một toán đánh xuống tỉnh lỵ Vĩnh Long. Giờ Ngọ [11 giờ trưa - 1 giờ chiều], hơn 20 thuyền của quân nổi dậy xuôi dòng sông tiến đánh tỉnh lỵ Vĩnh Long. Trong tay Doãn Uẩn chỉ có 2 thuyền, phần nhiều là dân phu cầm gậy gộc, giáo mác, đành phải chuyển đại bác lên mặt thành ở bờ sông phía bắc, bắn vào thuyền quân nổi dậy. Được một chốc, quân nổi dậy bỏ thuyền lên bờ, thuận chiều gió dùng hỏa công, đốt cướp phố chợ. Doãn Uẩn cùng Phó quản cơ Trương Phúc Thùy chống cự không nổi, hỏi ra thì Tổng đốc Lê Phúc Bảo, Bố chính Phạm Phúc Thiệu đã bỏ thành trốn rồi. Sang giờ Dậu (5 giờ chiều - 7 giờ tối), quân nổi dậy phá cửa tràn vào thành, thả hết tù phạm và lính Hồi lương, thả sức giết người cướp của. Doãn Uẩn, Trương Phúc Thùy cũng mạnh ai nấy bỏ thành chạy. Chỉ huy quân nổi dậy là Tiền quân Nguyễn Văn Trắm, Tả quân Dương Văn Nhã, Công bộ Thái khanh Trương Văn Tuế, Hộ bộ Thiếu khanh Nguyễn Văn Nghi (tức Soạn) chiếm thành Vĩnh Long.
Chẳng bao lâu sau, Tổng đốc Lê Phúc Bảo, Bố chính Phạm Phúc Thiệu đều rơi vào tay quân nổi dậy. Điển quân của quân nổi dậy là Nguyễn Văn Chấn bình luận rằng: "Tuy bắt được Lê Phúc Bảo, việc cũng chưa xong". Sau này, vua Minh Mạng biết được chuyện ấy, bèn hỏi Hình bộ Phan Thanh Giản: "Nó nói thế là ý thế nào?". Giản đáp: "Ý nó nói phải bắt cả Lê Đại Cương nữa mới xong việc".
AN - HÀ THẤT THỦ
Nhưng Lê Đại Cương không còn ở An Giang. Sau khi về tới Châu Đốc, Lê Đại Cương sang Cao Miên để "mượn quân". Ngày 22, thủ lĩnh quân nổi dậy là Trung quân Điều khiển Thái Công Triều, Tả quân Dương Văn Nhã, Ngũ đồn Phó tướng Vũ Vĩnh Lộc đem binh thuyền kéo tới đánh đồn Châu Đốc. Dân phu và binh lính người Khmer vừa nghe tiếng trống trận đã tan vỡ. Lính Hồi lương và tù phạm trong đồn Châu Đốc cũng làm phản biến, từ trong đánh ra. Tỉnh thành Châu Đốc thất thủ nhanh chóng.
Đêm 23.6, chừng canh tư, lính Hồi lương, Biên lương ở tỉnh Hà Tiên nổi dậy, giết thự Tuần phủ và Án sát Hà Tiên. Ngày 26, Tả quân Dương Văn Nhã của quân nổi dậy đem binh thuyền tới Hà Tiên. Nhã bèn cho Mạc Công Du làm Trấn phủ, Trần Hiệu Trung làm Tuyên phủ, Mạc Công Tài, Mạc Hầu Diệu đều làm Thống lĩnh sứ, cùng hơn 10 lính Hồi lương, Bắc Thuận giữ Hà Tiên. Cũng trong hôm đó, quân nổi dậy tái chiếm tỉnh Biên Hòa. Sáu tỉnh Nam Kỳ đã về tay. (còn tiếp)