Năm 1864, chính quyền thuộc địa tại Sài Gòn xây dựng Vườn bách thảo (hoàn thành một năm sau đó) làm nơi nhân giống và bảo tồn những loài động thực vật quý hiếm của Nam kỳ cũng như 3 nước Đông Dương là VN, Lào, Campuchia. Qua nhiều lần tu sửa, mở rộng, từ năm 1956, Vườn bách thảo được đổi tên thành Thảo cầm viên Sài Gòn. Tuy vậy, người dân vẫn thường gọi với cái tên ngắn gọn và thân thương hơn: Sở thú.
Nhà thực vật học J.B.Louis Pierre (1833 - 1905) là người phụ trách Thảo cầm viên Sài Gòn trong 12 năm đầu (từ năm 1865 - 1877) và để lại di sản với hơn 100.000 tiêu bản thực vật, hàng ngàn cây cổ thụ được trồng tại Tao Đàn, trên các trục đường chính ở Sài Gòn. Hiện tại, Thảo cầm viên Sài Gòn còn cây dây gùi được cho là đại diện cuối cùng của rừng nguyên sinh ngày trước, khẳng định nguồn gốc hình thành vùng đất Sài Gòn xưa. Để ghi công J.B.Louis Pierre, cột bia và tượng bán thân của ông được đặt trang trọng ngay trục đường chính trong Thảo cầm viên Sài Gòn.
Ngoài ra, bảo tàng động thực vật tại đây cũng trưng bày hàng trăm tiêu bản động thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm hoặc đã tuyệt chủng như cá sấu nước mặn dài 5 m, nặng 600 kg; các loài đột biến như: chó năm chân, dê hai đầu, trâu ba sừng; nhiều mẫu thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ như: trắc, cẩm lai, gõ… Khuôn viên Thảo cầm viên Sài Gòn còn có đền thờ Hùng Vương và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (nơi trưng bày hàng chục ngàn hiện vật quý trong và ngoài nước).