ĐÔI TAY THẦN SẦU
Tháng 9 vừa qua, xuất hiện tại lễ hội trình diễn kỹ năng tạo tác của các nghệ nhân, thợ giỏi và triển lãm giới thiệu sản phẩm làng nghề tiêu biểu Hà Nội, chiếc lồng chim có tên Vạn điểu phi thiên của nghệ nhân Đoàn Minh Căn (58 tuổi, trú làng Dương Nỗ Đông, Phú Dương, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) khiến giới mộ điệu trầm trồ. Đó là chiếc lồng tròn được thiết kế với mô thức có một không hai khi 3 "cột chính" được hợp bởi 3 thân cây trúc nhỏ còn nguyên các nhánh. Các nhánh tre được khoan lỗ tỉ mỉ để xuyên các nan tre. Một số nhánh còn lại được uốn vào bên trong lồng để một con chim chào mào bằng tre vừa tung cánh vừa đậu lên.
Đúng như chủ đề "vạn điểu", toàn bộ chiếc lồng đủ hình ảnh các loài chim được ông Căn kỳ công chạm trổ, từ thân chính, vành thưng, móc treo, khay đựng thức ăn… Đặc biệt, khi treo chiếc lồng lên cao, người xem còn phải ngả mũ thán phục tài nghệ của ông Căn khi tận thấy đĩa lồng ở mặt đáy là một bức phù điêu được chạm lộng cực kỳ sắc sảo với các loài chim quý như đang vờn hoa lá, mây nước…
"Chiếc lồng chưa phải là đắt nhất nhưng đến thời điểm hiện tại, đó là chiếc lồng tôi gửi gắm nhiều tâm huyết nhất, như một dấu mốc của đỉnh cao nghề nghiệp mà tôi muốn vươn tới", ông Căn nói.
Được nhiều người dành tặng những mỹ từ như "vua", "đệ nhất lồng chim" ở xứ Huế, nhưng ông Căn tự nhận mình chỉ là một người thành công với nghề chạm trổ trên tre "quá dư đam mê". Ông có thể ngồi hàng giờ liền bên chiếc bàn tròn xoay với những chiếc đục, mũi mài… có đầu nhọn hoắt, tỉ mẩn đi từng nét khắc mảnh như sợi tóc. Thậm chí, ông quên ăn, quên uống khi đã vào guồng cảm hứng. Như chiếc lồng Vạn điểu phi thiên, ông Căn mất gần 3 tháng trời chỉ để làm chiếc đĩa và mất gần cả năm trời mới hoàn thành toàn bộ lồng. Còn với chiếc lồng mang lại danh tiếng cho ông có tên Thập nhị hoa giáp quần tiên (đoạt giải nhất Hội thi Sản phẩm thủ công VN lần thứ 6 - 2009), ông Căn cũng mất mấy tháng ròng để khắc hình ảnh 12 con giáp kết hợp với 12 vị tiên.
Hơn 40 năm theo nghề, nghệ nhân Đoàn Minh Căn không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu lồng chim với các hình dạng tròn, vuông, lục giác… Ông cũng không đếm được sản phẩm của mình đã đến với bao nhiêu quốc gia trên thế giới. Có điều ông đoan chắc rằng, mỗi chiếc lồng do ông làm ra đều là đồ độc bản, bởi hoàn toàn được làm thủ công. Hơn nữa, ông Căn thích sự sáng tạo. Chẳng hạn, chiếc lồng Thập nhị hoa giáp quần tiên phiên bản 2 từng được ông thực hiện để chuyển đi Thái Lan hoàn toàn khác so với phiên bản 1.
"Tôi khắc nhiều cảnh đẹp hữu tình của xứ Huế như: sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền, đền đài, lăng tẩm…; nhưng mỗi chiếc lồng là mỗi hình ảnh với góc nhìn khác nhau", ông Căn nói.
VƯƠN TẦM NGHỆ THUẬT
Vừa chăm chú tỉa tót lại từng nét chạm, Nghệ nhân ưu tú Đoàn Minh Căn cho biết, làm lồng chim nếu không có sự kiên trì và tự đặt ra cho mình sự hoàn mỹ trên mỗi sản phẩm thì rất khó theo nghề chứ chưa nói đến chuyện thành công. Bởi vậy, trong từng công đoạn kể từ khi lên ý tưởng, tạo tác cho đến lúc tinh chỉnh, ông Căn đều đặt tâm lẫn trí lực vào đó.
"Có câu "chim quý phải ở lồng son", vậy người thợ phải làm sao cho thật sự "son". Chiếc lồng "son" ngoài việc phải mang giá trị thẩm mỹ cao thì chủ đề của nó cũng phải sang trọng", ông Căn nói và chia sẻ thêm: "Tùy yêu cầu của khách hàng mà mỗi chiếc lồng có giá dao động từ 5 triệu đến 35 triệu đồng. Những đơn hàng có giá trị trên 100 triệu đồng, câu chuyện kể trên chiếc lồng càng phải ý nghĩa".
Cho tôi xem chiếc lồng có chủ đề Hồng lâu mộng, ông Căn cho hay, để làm nên chiếc lồng với 3 chân đế là 3 mảnh tre lớn cùng mặt đáy khắc họa rất nhiều hình nhân vật cổ trang, ông đã nhiều đêm mất ngủ để suy nghĩ làm sao diễn tả được những điển tích. Khi trong đầu đã hiện lên bối cảnh, ông liền phác thảo một mạch lên giấy rồi mới vẽ lên tre để chạm khắc. Cứ thế, hết mảnh tre này đến mảnh tre khác, những câu chuyện như Thập bát La Hán, Bát thú quần tiên, Bách điểu triều vương… được ông đặc tả hết sức sống động. Quả thật, chiêm ngưỡng mỗi chiếc lồng do ông Căn làm ra không chỉ mãn nhãn bởi đường nét mà còn đượm chất thơ văn. Nét chạm mà ý nhị như nét bút…
"Muốn có được một sản phẩm hoặc một lồng chim đẹp, trước tiên phải chọn tre thật già được mua từ các vùng núi cao, như Nam Đông, A Lưới… Ai cũng biết tre là một loại vật liệu khó tính, giòn, cứng nhưng dễ vỡ. Đục không đúng phương pháp thì tre sẽ bị xé toạc. Bởi vậy, muốn chinh phục nó, hơn ai hết, người thợ cần phải khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì…", ông Căn chia sẻ.
Nắm giữ bí quyết chinh phục thân tre, kể từ giải thưởng đầu tay (giải Dấu son tuyệt hảo tại hội thi UNESCO - SEAL với sự tham gia của 29 nước châu Á vào năm 2006), suốt 20 năm qua, hễ mang sản phẩm tre mỹ nghệ đi thi từ cấp huyện đến T.Ư, nghệ nhân Đoàn Minh Căn đều đoạt giải, thấp nhất là giải ba. Được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2020, đến nay ông Căn đã được Sở Công thương TP.Đà Nẵng thông báo đủ tiêu chí để công nhận Nghệ nhân nhân dân, nhưng vì bận rộn nên ông chưa làm hồ sơ.
Tiếng lành đồn xa, nên dù chỉ là một cơ sở điêu khắc nhỏ trong gia đình nhưng có hàng trăm thanh niên tìm đến nhà ông Căn học nghề. Để rồi từ đây, nhiều đôi tay tài hoa đã tỏa ra cả nước. Số còn lại ở địa phương, ông Căn giao cho họ thực hiện các đơn hàng gia công các chi tiết của lồng chim với thù lao trung bình khoảng 15 triệu đồng/người.
"Tôi may mắn có 2 người con trai đều nối nghiệp cha, nay tay nghề cũng khá lắm. Nghề khó học nhưng một khi nắm được tuyệt kỹ làm lồng chim thì tre sẽ biến thành bất cứ sản phẩm nào theo ý người thợ. Giỏi nghề sẽ sống khỏe", nghệ nhân Đoàn Minh Căn trải lòng.