Nói về tựa sách, tác giả Nguyễn Tường Bách cho biết tuy không để ý nhưng trên đời này ai cũng rơi vào một cuộc "khủng hoảng" bao trùm tất cả, mà trong Phật giáo đó gọi là tham - sân - si.
Có thể nói khủng hoảng bao trùm là nỗi khổ nhân sinh và trong thời đại ngày nay, ngày càng có nhiều hơn những cuộc khủng hoảng khác song hành cùng đó, như truyền thông, môi trường...
Đây có thể coi là tác phẩm vô cùng đặc biệt bởi không giống với các tác phẩm trước đó của 2 cây viết đã quen thuộc với độc giả này.
Cuốn sách được khởi phát từ cuối năm 2023 trong một cuộc gặp gỡ, từ đó mà những dòng văn dần hình thành qua các email trao đổi qua lại giữa Đức và Việt Nam, xoay quanh nhiều vấn đề thời sự hiện nay, từ sức khỏe, môi trường, tôn giáo, giáo dục, truyền thông cho đến bạo lực, trắc ẩn, khoảng cách giàu nghèo...
Nguyễn Tường Bách cho biết khởi nguồn của những câu chuyện này thường đến rất giản dị, bắt nguồn từ những quan sát thường ngày... từ đó cả hai đã phóng chiếu và đi sâu vào từng vấn đề, mang đến những góc nhìn thú vị.
Với hai nhà văn, các chủ đề trên là những vấn đề gốc rễ, thúc đẩy sinh ra một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong cuộc sống hôm nay. Vì không phải là chuyên gia xã hội học, tâm lý học, triết gia thức thời hay nhà nghiên cứu khoa học liên ngành nên hai tác giả đã bàn theo cách họ thấy, theo nhãn quan riêng.
Trong đó, nếu Nguyễn Tường Bách thường trực mang đến cái nhìn điềm tĩnh với những suy tư đậm tính nhà Phật thì Nguyễn Vĩnh Nguyên lại mang đến nhiều liên tưởng vô cùng thú vị như chính thể loại mà anh quen viết là tiểu thuyết, cũng như đặt ra rất nhiều vấn đề nặng tính triết học.
Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ điều thách thức nhất ở cuốn sách này là rất dễ bị rơi vào "bẫy" giáo điều. Cả hai tác giả chỉ muốn mở ra một cuộc đối thoại để mọi người suy nghĩ, suy tư và soi chiếu mình.
Và, tuy có sự khác nhau về độ tuổi, tôn giáo cũng như thái độ trước các vấn đề - một tích cực, tin vào ngày mai, một hoài nghi trước sự tích cực độc hại - thì hai tác giả đều tìm thấy được những điểm giao nhau, bởi điểm chung của mọi tôn giáo là càng lên cao mọi thứ hóa ra đều sẽ giống nhau về mặt bản chất.
Chẳng hạn, hai tác giả chỉ ra trong cả Phật giáo và Thiên Chúa giáo đều có chung nhau một hành động thiền để thấy bình an, hướng vào đối thoại với tâm của mình. Dù cho hình thức có khác ít nhiều, thế nhưng cốt lõi thì vẫn như thế.
Không tham vọng hướng đến sự xác quyết hay phán xét, nhưng có thể nói Cân bằng trong khủng hoảng lại có nhiều tính gợi mở, khiến ta nhìn lại những ngày hiện tại theo một cách khác.