Ngày 26.12, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long (Quảng Ninh) phối hợp Viện Kinh tế VN thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN tổ chức hội thảo "Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản" TP.Hạ Long.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng doanh thu từ vé tham quan vịnh Hạ Long chỉ khoảng 1.000 tỉ đồng trong năm 2024 chưa tương xứng với một di sản thiên nhiên thế giới đã 3 lần được UNESCO vinh danh, và sở hữu rất nhiều thế mạnh nổi trội mà không nơi nào có được.
"Nếu nhìn sang TP.Thâm Quyến (Trung Quốc), từ một làng chài nghèo, đến nay thành phố này đạt doanh thu trên 10 tỉ USD mỗi năm từ du lịch, trong khi chi phí đầu tư ban đầu cho lĩnh vực này chỉ khoảng 5 tỉ USD", TS Trần Đình Thiên cho biết.
Để nâng tầm kinh tế di sản hơn nữa, TS Trần Đình Thiên cho rằng tỉnh Quảng Ninh cần trao quyền cho TP.Hạ Long theo cơ chế "địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm" để địa phương này phát huy sức mạnh tự chủ, sáng tạo giải quyết các vấn đề phát triển trong khuôn khổ quy hoạch chung đã được phê duyệt.
Trong khi đó, theo GS-TS Nguyễn Văn Kim, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, thời gian tới nếu Quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận di sản văn hóa thế giới thì tỉnh Quảng Ninh có 2 di sản thế giới vừa trên núi lẫn dưới biển. Chính vì vậy, dư địa còn rất lớn, địa phương nên tính chuyện kết hợp hai không gian văn hóa này để lan tỏa, tăng nguồn thu.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long, khẳng định thời gian tới địa phương sẽ tập trung thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số để tăng giá trị, nâng tầm kinh tế di sản vịnh Hạ Long. Theo đó, địa phương sẽ đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc quản lý tàu thuyền, thuyết minh du lịch. Cùng với đó, TP.Hạ Long sử dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường giúp khách hàng trải nghiệm trực tuyến, thu hút khách du lịch; sử dụng dữ liệu lớn và AI để phân tích hành vi khách hàng và xây dựng các chiến dịch quảng bá hiệu quả.