Ngân Tuấn làm khán giả bất ngờ bởi anh chuyển từ thể thao sang nghệ thuật một cách ngoạn mục. Thời trẻ anh là cầu thủ của đội bóng đá Năng khiếu Tao Đàn, nhưng sau một trận bóng bị chấn thương ở chân phải nằm nghỉ dưỡng 6 tháng, ôm radio nghe ca cổ, cải lương, anh đâm ghiền rồi theo học ca cổ với thầy Út Trọn và ghi danh học ngoại khóa ở Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM).
Ngân Tuấn có giọng ca ấm áp, ngọt ngào, gương mặt đẹp trai, hiền lành, nên lọt mắt xanh bầu Quới của đoàn cải lương Sông Bé 2. Đoàn này vào thập niên 1980 - 1990 tập hợp rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nhờ vậy Ngân Tuấn lần lượt được diễn chung với họ, rồi tiến dần lên vị trí kép chánh. Năm 1990, anh về hẳn đoàn Huỳnh Long, tên tuổi tỏa sáng dưới bàn tay đào tạo của các tên tuổi Đức Lợi, Bạch Mai, Hữu Huệ, Vũ Linh.
Trong liveshow lần này, Ngân Tuấn gặp lại các cô đào nổi tiếng như Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Phượng Hằng, Quế Trân, Bình Tinh, Thu Vân, và các bạn diễn như Hoài Linh, Minh Nhí, Hoàng Quốc Thanh, Thái Vinh, Trọng Nhân, Nhật Nguyên… qua những bài ca cổ và các trích đoạn Bài ca tìm mẹ, Trọng Thủy Mỵ Châu, Hoàn Châu công chúa, Giang sơn mỹ nhân, Dương gia tướng.
Ngân Tuấn hát liên tục nhiều tiết mục không ngưng nghỉ nhưng vẫn giữ hơi ca rất khỏe, phong độ biểu diễn đằm thắm, ngọt ngào và rất sáng sân khấu. Đặc biệt, anh để hình của Vũ Linh trên sân khấu như một lời tri ân người đã hướng dẫn anh vào vai lão đầu tiên lúc anh mới hơn 20 tuổi, và đó trở thành một trong những vai diễn để đời của anh - vai Ngũ Tử Tư trong vở Giang sơn mỹ nhân.