Miền Tagalau - Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Nàng nhắm mắt, hàng mi rợp đen. Chiếc khăn Talei kaing quấn ngang bụng nàng được Sa mở ra nhẹ nhàng như hơi thở. Rặng hoa Tagalau trìu mến điểm những cánh hoa tím thẫm lên tấm choàng Khan mư thơm mềm mại hạnh phúc. Sa đắm say, ngất ngây mãi mới dám nhặt cánh hoa tím vừa rơi lên môi nàng. Rồi chàng đặt vào làn môi hồng như lửa đỏ cả núi đồi rực cháy của mình.

 Miền Tagalau - Truyện ngắn của Lê Đức Dương- Ảnh 1.

MINH HỌA: Văn Nguyễn

Trên trời cao. Đám mây trắng xốp tíu tít chạy qua đến đây thì dừng lại. Chúng ngẩn ngơ rồi tíu tít tản mềm bầu trời làm cho cả không gian mát rượi. Dù đang ngất ngây say đắm nhưng cả Taniak và Sa đều bừng tỉnh ngạc nhiên. Rồi Taniak cũng hóa thành ngọn lửa thiêu đốt chàng "Xah Bin" của mình. Sa run lên hạnh phúc như con sơn dương đứng trên đỉnh núi cao hét cùng mây trời lồng lộng.

1. Sa nhìn thấy Taniak đang ngồi bên tượng bò thần Napil ở cửa tháp với mọi người chờ hành lễ. Trên đầu Taniak vẫn đội mũ cẩn nguyên rực rỡ hoa. Sa hiểu đây là trinh nữ của Pailei (làng) Chăm sẽ biểu diễn múa quạt Tamia tadik ở thềm sân tháp cùng với mình. Chàng quay đi, tay vẫn cầm chặt chiếc khèn Salaken. Sa cũng sẽ đại diện làng Raglai và Po pa lây (già làng) thổi khèn, đánh mã la chúc mừng Ka tê của người anh em Chăm.

Taniak vẫn thản nhiên chăm chú nhìn cha là Cả sư Dharma đang cùng Bà Bóng và thầy Kadhar Kadhar cúng thay y trang cho tượng Po (thần) trong điện tháp. Khi tắm nước thơm, đốt trầm thay y trang xong thì màn múa hát bắt đầu. Nắng xiên tàng me làm gương mặt của nàng hồng rực, lấp lánh… Nhiều máy ảnh nhà báo đang bấm như súng khi chĩa ống kính hướng về nàng. Nàng là thiên thần giữa sắc màu ảo diệu ở miền tháp này.

Khi Taniak múa cùng tốp nữ giữa sân tháp thì mọi người trong đó có Sa lặng người. Bộ váy Biyon hoa văn Howng quý phái ôm sát cơ thể mềm mại mà nóng bỏng, đôi chân nàng nhịp nhàng uyển chuyển theo nhạc. Sa tiến gần đội múa và gặp ngay ánh mắt màu xanh tím rất lạ của trinh nữ. Chàng thoáng rùng mình choáng ngợp: "Giàng ơi, sao có người con gái với đôi mắt thăm thẳm và lộng lẫy đến thế". Dòng xúc cảm vô hình chạy tỏa từ trái tim đến bàn tay làm chàng bủn rủn. Có lẽ trong văn chương gọi là tiếng sét ái tình.

Kết thúc buổi văn nghệ, Sa dũng cảm tiến tới nàng: "Ta là Pi Năng Sa ở làng Ka tơ, chào em...". Taniak chớp mắt, đó là chàng trai Raglai cao lồng lộng gương mặt điển trai với hàng quai nón xanh rì, miệng cười hào hoa và đôi mắt ngút ngàn huyền bí. Sa nói tiếp trước khi chia tay: "Ta làm quen nhau nhé em?". Taniak chỉ im lặng rồi quay đi, nhìn về cuối tháp nơi có Lâm đang chờ đợi. Lâm mặt hơi tái vì cảnh trước mắt mình vừa rực rỡ vừa chạnh lòng.

2. Cả sư Dharma rời đền ra về. Taniak đi sát cha đầy duyên dáng. Ngài Dharma thấy vui vì lâu lắm rồi con gái mới đi bên mình. Nó sắp bắt chồng rồi. Chỉ mùa Ka tê sau nó sẽ không đi thế này nữa. Nghĩ rồi ngài ngậm ngùi ứa nước mắt buồn. Có con gái như nhà có ánh nắng sớm mai, chớp mắt đã chói chang và thăm thẳm. Ông đã làm sẵn một ngôi nhà mới kiểu Thang Tông Jaka truyền thống của người Chăm cho nó. Cả đàn cừu dê trăm con cũng đã sẵn sàng làm hồi môn. Taniak vẫn bước đi bên cha. Bước chân cô nhẹ nhàng như mây, không lẹt xẹt hay lịch bịch như mấy đứa chân to khác. Mỗi nhịp bước làm cho bộ váy Biyon uyển chuyển mềm mại như con báo hoa bước trên trảng cỏ. Đi sau Taniak là Lâm - chàng trai hệ Kadhar đầy cao quý. Nhìn cô gái út của Cả sư Dharma lấp lánh trong nắng, Lâm xao xuyến đầy hãnh diện. "Ta sẽ về vòng tay của nàng để nàng che chở cho suốt cuộc đời này". Chàng cứ ngỡ đây là lễ đón rể của mình mùa xuân này nên bước đi thật mạnh mẽ. Một viên đá vấp chân, Lâm chợt nhớ người Raglai khi nãy đứng trước mặt Taniak. Lâm thở dài lo lắng, linh cảm cho chàng hiểu rằng có thể từ nay sẽ không đơn giản như vuốt đầu một con cừu con.

3. Thiên Sanh Lâm là con trai của thầy Kadhar bậc Kuak Dao đầy uy lực của Pailei. Lâm trắng trẻo tuấn tú, học thông minh xuất chúng, chưa tròn 17 tuổi cậu đã thông thạo kinh, chữ Akhar - loại chữ Chăm cổ ghi trên lá buông hay giấy bản cũng đọc được. Nói về chữ Akhar - với người Chăm quý hơn vàng, ngang với tượng thần Shiva. Người xưa có câu: Vàng bạc để lại, dê cừu ruộng vườn để lại, áo quần để lại nhưng phải đem chữ Akhar đi khi có biến. Với truyền thống và đẳng cấp lớp trên như thế, Thiên Sanh Lâm sẽ tiến tới làm Kadhar bậc Nhập môn đầy cao quý. Với người Chăm chỉ có Kadhar mới được cúng tế thần linh hay cho dân làng. Cúng thần tháp, miếu các Po (thần) thì Kadhar sẽ vinh dự đánh đàn kanhi đệm hát thánh ca.

Ngay từ bé thơ lúc còn vui chơi trên đồng cỏ, Lâm đã thấy mến Taniak - cô bé có đôi mắt xanh nhạt lấp lánh như sao Hôm trên thảo nguyên. Còn Taniak thấy Lâm chỉnh trang, thanh tú như con cừu bông của mình, tuy thích nhưng nàng lại muốn Lâm như con dê đầu đàn, mỗi khi đi là leo lên tận đỉnh núi cao chót vót, kêu lảnh lót thách thức trời mây và nắng gió.

Qua mùa thời thiếu niên, Lâm đã nói với cha rằng mình muốn Taniak bắt mình làm chồng. Nghe thế người cha thở dài. Có lần gặp con bé lúc chạng vạng ở rặng cây xoan đào ngoài Pailei, ông đã giật mình vì sao nó có đôi mắt kỳ lạ thế. Quyến rũ và bướng bỉnh lộng lẫy. "À ra là con bé đó à?", ông nói với con nhưng như trả lời cho lòng đầy day dứt lo lắng của mình. Lâm bừng sáng như ánh lửa gật đầu.

Nghe ngài Kadhar bày tỏ, ông Dharma đăm chiêu như làn khói trầm trên bát. "Tôi biết ngài thương con gái, để nó sẽ tự ý nhưng thằng Lâm nhà tôi nó sẽ đem cả đàn cừu được thừa kế góp làm hồi môn cho con bé. Ngài biết rồi đấy, nó được vợ thì mới làm Kadhar được". Dhamar nhìn ra đường, cơn gió Xalattan thổi lồng lộng cuốn bụi khói thành một mảng lửa rực cháy.

Nghe cha nói rằng, Lâm đã đem cả đàn cừu và cả người chăn sang nhà góp vào coi như lễ vật ra mắt, Taniak hoảng hồn nhưng mẹ đã an ủi: "Pailei mình ai hơn được thằng bé đó, nó đẹp như mặt trăng, tài hoa như thần Po Riya (thần trí thức làng Chăm) đó!". Taniak vùng vằng: "Con không thích cục bột ấy đâu". Mẹ cười rồi lẳng lặng bước ra thềm, bà hiểu sự làm reo của con gái, như cơn giông trên thảo nguyên sẽ mau chóng trở lại nắng tràn thôi mà. "Nhưng con không đi sang nhà người đó đâu đấy!". Tiếng Taniak réo ra đầy hờn dỗi cùng tiếng cừu kêu.

4. Từ ngày ngài Dharma cho nhập đàn cừu của Lâm vào đàn nhà mình, lòng ông thấy nao nao. Để chắc ăn, ông cho bôi mực xanh để đánh dấu khác với đàn cừu mực đỏ của Lâm.

Lâm rất lễ phép, thường xuyên cho người đem cám, cỏ khô và bắp sang góp. Thấy Taniak hay đi theo đàn cừu của mình ra đồng cỏ, Lâm cũng men theo, tay vẫn cầm quyển sách đầy chữ Chăm. Nhưng thấy ánh mắt của Taniak đầy lãnh cảm nên Lâm toàn lảng ngồi ở xa, cô đơn như con dê bị đuổi khỏi đàn. Với Lâm chỉ cần nhìn thấy Taniak là đủ, thấy chiếc khăn Khan chah bơ đỏ rực giữa đàn cừu trắng nhởn nhơ là lòng chàng đã thành thơ.

Những lúc nguôi ngoai, nàng thở dài nhưng không tuyệt vọng mỗi khi gặp Lâm. Chàng có vẻ đẹp trí thức, vừa cao sang vừa yếu đuối. Cuối cùng nàng cũng chấp nhận nghe lời cha mẹ: Mùa xuân sẽ đón chàng về nhà Thang Tông Jaka của mình. Nghe tin đó Lâm nhảy nhót như con cừu con vừa bú no sữa mẹ. Chàng sẽ có vợ, sẽ trở thành Kadhar nối nghiệp cha.

5. Già làng Pinăng Khiên đưa cần rượu cung kính mời Cả sư Dharma đến dự lễ "mừng lúa mới" của người anh em Raglai. Taniak e lệ ngồi bên mẹ. Các trai làng bưng các Mã la đen nhánh óng ánh sắc lửa bước vào. Họ đóng khố, mặc áo thổ cẩm chẽn vững chãi. Các già làng đội khăn đầu rìu trắng, đỏ ngồi xếp bằng tròn... Chợt tiếng khèn Salaken quen thuộc cất lên làm Taniak giật mình: Chàng trai "Xah Bin" (chàng trai nổi tiếng đẹp trong truyền thuyết Chăm) Raglai hôm nào nay đến cùng ánh lửa.

Già làng Pinăng Khiên vung nắm gạo trắng lên cao. Chén rượu đổ lên đất khấn Yang (trời). Già làng vừa dứt, giàn Mã la vang lên rộn rã binh bong. Đàn cha pi lanh tanh. Saraken trầm bổng như lời kể Khan sử thi. Sa giật mình nhận ra ánh mắt màu nước biển giờ lấp lánh cùng ánh lửa. Chàng run lên… Taniak cùng nhóm bạn nữ đứng dậy. Con gái Chăm góp vui múa quạt Tamia tadik đầy huyền ảo làm rực rỡ đêm lửa hội. Những lần đảo người quay, Taniak quét ánh mắt như ánh chớp làm Sa thỉu người sung sướng và xấu hổ. Bởi mãi rất lâu sau này kể từ hôm gặp gỡ giữa trưa nắng đó chàng không liên lạc gì với Taniak.

Trong ánh lửa chập chờn, một bàn tay cứng cáp đưa nhẹ cầm tay Taniak. Chàng trai "Xah Bin" còn làm hơn được giấc mơ của mình: kéo cô gái ra ngoài bỏ mặc cho cần rượu đổ tràn trên ngọn lửa đêm hội.

Sa dắt Taniak ra cánh đồng bắp ngô đã chín vàng của mình. Dưới ánh trăng những cây ngô dào dạt lá. Chúng reo vui khi có bước chân người. Không cần nói nhiều, Sa mạnh mẽ bế bổng Taniak lên ngang ngọn bắp làm nàng như bay đến vì sao… để khi đổ xuống làm ngả rạp cả vạt ngô. Những ngôi sao và ánh trăng ẩn vào mây đầy hạnh phúc.

6. Vậy là Taniak đã đến với miền núi đồi của Sa với sự bướng bỉnh và tuyệt vọng như thế!

Khi biết chuyện của con gái, mẹ Taniak ra thềm ngồi khóc. Ngài Dharma lặng thinh bên cọng trầm nghi ngút. Nếu như xưa, thì ngài phải đày con bé đến miền cát vắng bên bờ biển, nơi nghìn năm trước có giàn hỏa thiêu công chúa Huyền Trân nhà Trần. Có khi phải dìm xuống sông Lu đục ngầu đất. Bây giờ thì không thể, đành nhìn nó đi theo ý vậy. Cá nhân ngài cũng không đi cúng lễ ở đền hay dự các hội bô lão vì thấy ngại. Đúng như khi lần đầu nó mở mắt khóc, bà mụ đã nói ánh mắt này như của Nai Tangya - người con gái huyền thoại với vẻ đẹp lộng lẫy nhưng sau gặp trắc trở tình duyên phải hóa đá. Khi đó ông không tin nhưng ngày càng thấy đúng. Nó luôn kiêu hãnh như ngọn tháp cô đơn nhưng tâm hồn lồng lộng lửa làm ông bối rối vì không biết kiếm được chàng rể nào cho xứng đáng.

7. Sa ngồi dưới gốc Tagalau cổ thụ gảy đàn cha pi. Taniak nằm gác lên đùi chàng mắt lim rim nghe gió hát vi vu trên các rặng cây xung quanh. Xa xa sườn núi đá lúp xúp hoa tim tím. Người Chăm từ bao đời nay gọi loại hoa đơn côi trên sườn trầm tím này bằng cái tên Tagalau đầy lưu luyến và kiêu hãnh. Tagalau lẻ loi với bụi gai, với đá, với nắng và bầu trời thăm thẳm. Nay cả hai như hai cánh hoa bay về hai hướng. Vừa chấp chới và mảnh mai bất trắc. Thoáng chốc Taniak lại nhớ câu thơ của thi sĩ miền Pandurangga (miền Chăm) Inrasara: "Bằng lăng (tagalau) nở tím đồi tuổi thơ/Rừng đi mất rồi, đồi hoang trọc/Có lẽ cho riêng tôi trong một chiều cô độc/Bằng lăng trụi nhánh tàn - vẫn gượng nở hoa".

Lúc Sa chở Taniak về qua đồng cỏ, dưới thảo nguyên, Lâm mặc bộ đồ Khan màu trắng may Awxah - thứ vải mặc cho người chết, nằm giữa đàn cừu dê. Chúng đang kêu gào ầm ĩ xung quanh chủ… Taniak chết lặng người xuống xe đi bộ về. Sa cũng đứng im nhìn người yêu nhòa vào hoàng hôn.

8. Taniak lẳng lặng ra thả mình xuống dòng kênh Nha Kinh. Đây là công trình thần thánh do vua Poklong Grai dựng cho dân làng miền Chăm. Không chỉ là kênh đập đưa nước về làm vùng đồng cỏ mà dòng nước linh thiêng này có thể gột rửa tất cả những gì tội lỗi của con người.

Taniak thả mình xuống dòng nước. Ánh trăng hạ huyền chớm sáng như lưỡi dao cắt xé tâm hồn cô. Taniak với tay lên, nước chảy từ ngón tay óng ánh. Từ trên cao bóng một nữ thần lấp lánh cầm vầng trăng đưa xuống cho nàng: "Chào con gái! Ta là vương hậu Gaurendralak, vợ của đức vua Indravarmma vĩ đại, đến đây giúp con tẩy rửa những gì con đang day dứt".

Vương hậu Gaurendralak trao ánh trăng cho cô gái bé nhỏ mỏng manh đang run rẩy sợ hãi. Dòng nước trôi nhẹ lấp lánh như muôn vàn vì sao đính lên.

"Vẫn còn tất cả bầu trời và ước mơ lấp lánh dành cho con. Hãy đứng dậy từ dòng nước này của đức vua anh minh và cao cả. Chính ngài đã đứng lên từ dòng sông ánh sáng này làm cho bầu trời chói lòa rực rỡ. Không sao cả! Thần Shiva tối cao sẽ hiểu và chứng giám cho sự thanh khiết của con".

Khi Taniak đứng lên, thì trên dòng nước trôi xuống chiếc khăn choàng Awxah - giống hệt như của Lâm mặc hồi chiều… Taniak giật mình bừng tỉnh vì đó chỉ là giấc mơ.

Gió Xalattan thổi khô giòn làm cỏ héo lại và bùng lửa. Cả thảo nguyên ngùn ngụt khói. Taniak đứng trên đỉnh núi, xung quanh hoa Tagalau nở bạt ngàn, mùa xuân sẽ về… Tiếng đàn cha pi thì thào nơi xa.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao