Ký ức nghệ sĩ về dòng phim chiến tranh - cách mạng

Những thước phim đen trắng quý giá

Chung một dòng sông là phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng VN ra rạp năm 1959, do Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Kỳ Nam đạo diễn, với diễn xuất chính của Phi Nga và Mạnh Linh. Nội dung xoay quanh mối tình giữa Hoài (Phi Nga) và Vận (Mạnh Linh) - hai người sống ở hai bên bờ Bến Hải bị tù đày phân cách chia ly.

Ký ức nghệ sĩ về dòng phim chiến tranh - cách mạng- Ảnh 1.

Thúy An (vai Sáu Xoa) trong phim Cánh đồng hoang

Ảnh: HPGP

Chị Tư Hậu khởi chiếu năm 1962 ghi dấu tên tuổi của NSND Trà Giang trong vai Tư Hậu. Phim do Phạm Kỳ Nam, Trần Thiện Liêm đạo diễn, nhận giải Bông Sen Vàng LHP VN lần thứ 2. Tiếp đến là Con chim vành khuyên (1962).

Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, tác phẩm Nổi gió (1966) của đạo diễn Huy Thành khắc họa câu chuyện về hai chị em trong một gia đình theo hai thể chế chính trị đối lập nhau. Người chị là Vân (Thụy Vân) theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, còn em trai Phương (Thế Anh) lại là trung úy quân lực VNCH. Nối tiếp là Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972) do Hải Ninh đạo diễn, với sự góp mặt của dàn diễn viên tên tuổi: Trà Giang, Lâm Tới, Phi Nga, Đoàn Dũng, Đào Mộng Long… Bộ phim mang về cho NSND Trà Giang giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP quốc tế Moscow 1973. Tiếp đến là hàng loạt phim như Em bé Hà Nội (1974), Sao tháng Tám (1976), Mẹ vắng nhà (1979)…

Ký ức nghệ sĩ về dòng phim chiến tranh - cách mạng- Ảnh 2.

NSƯT Hai Nhất

Ảnh: NVCC

Sau 30.4.1975, không ít tác phẩm điện ảnh để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả về cuộc kháng chiến của dân tộc, những đau thương mất mát sau chiến tranh. Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến công chiếu ngày 30.4.1979 với diễn xuất của Thúy An và Lâm Tới, trở thành kiệt tác điện ảnh Việt, đoạt hàng loạt giải thưởng LHP VN 1980, Giải đặc biệt Liên đoàn Báo chí điện ảnh quốc tế tại LHP Quốc tế Moscow 1980, Huy chương vàng LHP Quốc tế Moscow 1981…

Nhiều bộ phim nổi tiếng khác như Ván bài lật ngửa (1982 - 1987, đạo diễn Lê Hoàng Hoa), Bao giờ cho đến tháng mười (1984, đạo diễn Đặng Nhật Minh), Biệt động Sài Gòn (1984 - 1986, đạo diễn Long Vân), Cô gái trên sông (1987, đạo diễn Đặng Nhật Minh)… đưa các diễn viên trở thành ngôi sao như Nguyễn Chánh Tín, Thương Tín, Lê Vân, Quang Thái, Hà Xuyên, Minh Châu, Thanh Loan… cùng vô số giải thưởng trong lẫn ngoài nước.

Nhớ như in ngày hòa bình

NSƯT Hà Xuyên được khán giả biết đến qua hàng loạt tác phẩm: Xa và gần, Biệt động Sài Gòn, Cô gái trên sông… đặc biệt vai Ngọc Mai trong loạt phim Biệt động Sài Gòn.

Ký ức nghệ sĩ về dòng phim chiến tranh - cách mạng- Ảnh 3.

Thanh Loan vai ni cô Huyền Trang phim Biệt động Sài Gòn

Ảnh: NVCC

Ở tuổi 69, bà kể: "Tôi theo chồng vào TP.HCM tháng 6.1976. Mọi thứ từ cảnh vật đến con người đều lạ lẫm. Chúng tôi trải qua cuộc sống mới, tiếp cận cái mới với nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm nhưng phải quen thôi. Tôi nhớ từng tham gia những bộ phim nói về chế độ mới, người cũ chấp nhận người mới như thế nào, cụ thể nhất là Xa và gần của đạo diễn Huy Thành công chiếu năm 1983".

Hà Xuyên nhìn nhận Biệt động Sài Gòn ghi dấu chiến công thầm lặng của các chiến sĩ tình báo, rất gian nan, khó khăn, phải ngụy trang mới hoạt động được. Có những trận đánh vang danh đến nỗi Mỹ không thể hình dung. "Chúng tôi tự hào khi thể hiện phần nào những chiến công đó trên màn bạc", bà nói.

Trước năm 1975, Hà Xuyên là diễn viên múa Đoàn ca múa Thái Bình. Chồng bà là người miền Nam tập kết nên theo chồng Nam tiến, bà sinh con gái đầu lòng năm 1977 tại TP.HCM. "Mới đấy mà hòa bình đã 50 năm, thời gian qua như chớp mắt, tôi không bao giờ nghĩ nhanh đến thế. Ngày đặt chân vào TP.HCM tôi mới tròn 20 tuổi. Đó là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời. Lúc đấy vợ chồng tôi chưa có nhà, cơ quan cho ở tạm phía sau Nhà hát Thành phố, đến năm 1979 được nhà nước cấp nhà ở đường Mạc Thị Bưởi. Thời ấy không ai tham, các anh chị ở Sở Xây dựng TP.HCM cứ kêu nhận biệt thự mà chúng tôi từ chối. Ngày 30.4.1985 tôi còn tham gia diễu hành, cầm dải lụa theo xe cổ động của TP.HCM đi trên đường Lê Duẩn, trước dinh Thống Nhất rồi vòng xuống Đồng Khởi. Tôi nhớ năm đó phải dậy sớm từ 2 giờ sáng để tập hợp đội hình".

NSƯT Thanh Loan (74 tuổi) cho biết: "Các phim về đề tài chiến tranh của điện ảnh VN rất nhiều. Tôi đã tham gia một số phim như Bài ca ra trận, Phương án ba bông hồng và 4 tập Biệt động Sài Gòn với vai ni cô Huyền Trang. Phim làm về đề tài chiến tranh đòi hỏi tất cả các thành phần tham gia sản xuất phải cẩn trọng, chính xác giữa các cảnh quay khói lửa bom đạn. Diễn viên càng phải tập trung diễn sao cho có cảm xúc chân thực nhất để cảnh bom rơi đạn nổ không bị quay lại nhiều lần.

Tôi nghĩ người dân VN ai cũng xúc động nghẹn ngào khi chứng kiến giờ khắc lịch sử: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 30.4.1975 tôi đang công tác tại Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị. Rất tiếc năm đó tôi đang có bầu đứa con đầu lòng, nên không theo đoàn vào Nam biểu diễn".

Trong khi đó, NSƯT Hai Nhất kể: "Vào ngày 30.4.1975 tôi đang ở trong quân đội, là văn công của trung đoàn. Năm 1982, tôi xuất ngũ vào Nam đóng phim. Tình cờ, tôi gặp đạo diễn Hồng Sến, ông kêu đóng vai đầu tiên là chỉ huy pháo binh trong phim Hòn Đất, sau đó là Biệt động Sài Gòn, Mùa nước nổi, Săn bắt cướp, Người không mang họ, Còn lại một mình, Tọa độ chết, Nhiệm vụ hoa hồng…".

Năm nay đã 77 tuổi, NSƯT Hai Nhất đóng hơn 100 phim trải dài trong 40 năm. "Tôi lúc nào cũng đam mê điện ảnh, ngủ còn mơ đi quay phim. Suốt đời làm phim chỉ có duy nhất vai đại úy Ba Dừa là chính diện trong Nhiệm vụ hoa hồng, đóng chung Lý Huỳnh, Đào Bá Sơn, Thúy An, còn lại là vai phản diện, vai ác. Rất vui khi khán giả còn nhớ đến mình. Thật xúc động khi tròn 50 năm ngày đất nước thống nhất. Cuộc sống giờ đây thay đổi rất nhiều trong đó có tôi. Cảm xúc không thể nào tả được. Lớn tuổi rồi nên tôi không thể đi xem diễu hành, diễu binh được, đành ở nhà mở tivi xem".

Đạo diễn Đặng Nhật Minh tiết lộ: "Kỷ niệm với thành phố này luôn đầy ắp trong tôi. Ngày 30.4.1975, tôi theo cánh quân đầu tiên từ miền Bắc vào giải phóng thành phố và ngủ trong dinh Độc Lập. Tôi cảm thấy thành phố này thân thuộc với mình kể từ đó".

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao