Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê hàng đầu thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon bậc nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia. Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành "Cà Phê Triết Đạo". Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới. Người Nhật đã làm được! Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn! |
Cà phê đồng hành với những chiến binh
Từ khi được phát hiện vào thế kỷ thứ 9 và trở nên phổ biến, cà phê trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều nền văn hóa, chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, cũng như đồng hành với những hành trình của các chiến binh.
Với người Ormo (sắc tộc chiếm phần lớn dân số Ethiopia), cà phê giữ vị trí quan trọng, được sử dụng trong nghi lễ tôn giáo, dùng làm thực phẩm, thức uống, thuốc trị thương… Đặc biệt, các chiến binh đã nghiền nát quả cà phê chín, trộn với mỡ động vật, để làm thức ăn cung cấp năng lượng, giúp các chiến binh giữ vững tinh thần và thể lực.
Với người Ottoman, cà phê cũng là một phần quan trọng trong đời sống quân sự. Đó là nguồn thực phẩm thiết yếu, giúp các chiến binh giữ sự tỉnh táo, có thêm năng lượng cho các cuộc hành quân dài và chiến đấu.
Đến thế kỷ 17, cà phê du nhập châu Âu và lan rộng đến Mỹ. Cà phê trở thành sản phẩm quân sự của quân đội nhiều quốc gia.
Tại Vienna (Áo), cà phê du nhập trong giai đoạn lịch sử đặc biệt và gắn liền với tinh thần chiến binh của "Anh hùng thành Viên" Jerzy Franciszek Kulczycki. Jerzy Franciszek Kulczycki là người có công lao to lớn trong cuộc chiến giải phóng thành Vienna và được vua ban thưởng có thể chọn bất cứ chiến lợi phẩm nào. Tuy nhiên, ông không chọn vàng hay vật phẩm quý, ông chỉ xin những túi cà phê bị quân Ottoman bỏ lại. Cà phê cũng từ đó đã trở thành biểu tượng chiến thắng.
Trong khi đó, tại Mỹ, giai đoạn chiến tranh thế giới thứ I đã thành lập các nhà máy rang xay tại Pháp để đảm bảo cà phê tươi cho quân đội. Đặc biệt, khi cà phê hòa tan được sản xuất hàng loạt thành công bởi nhà phát minh George Washington, quân đội Mỹ đã mua hết tất cả cà phê hòa tan mà họ có thể.
Hàm lượng Caffeine trong cà phê ảnh hưởng đáng kể đến sự gia tăng nhận thức và tốc độ phản ứng. Đặc biệt, hương vị của cà phê còn đóng vai trò như một chất thúc đẩy tinh thần và nguồn động viên tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách, giữ vững niềm tin chiến đấu. Chính vì vậy, các công ty cà phê của Mỹ đã sử dụng hình ảnh của những chiến binh cùng gia đình họ trong các chiến dịch quảng cáo cà phê hòa tan. Từ đó, cà phê hòa tan càng trở nên phổ biến trong đời sống thường nhật tại Mỹ.
Ngày nay, cà phê vẫn được coi là một phần quan trọng trong chế độ lương thực hành quân của nhiều quốc gia, đặc biệt là các lực lượng quân đội lớn trên thế giới, như Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Thụy Sỹ...
Cà phê nguồn năng lượng của các võ sỹ
Qua 12 thế kỷ, trải qua hàng nghìn cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học làm sáng tỏ được vì sao cà phê là thức uống yêu thích của những chiến binh, lực lượng đòi hỏi sự tập luyện thể chất liên tục, tinh thần mạnh mẽ và ý chí kiên cường.
Theo kết quả nghiên cứu của nhà sinh lý học Mỹ Horatio Wood: "Caffein không chỉ đơn thuần tăng cường sức mạnh của sự co cơ, mà còn cho phép cơ thể hoạt động hiệu quả hơn với cùng một khoản tiêu hao năng lượng". Một nghiên cứu khác của cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) cũng kết luận rằng có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ Caffeine và việc tăng hiệu suất sức bền và khả năng chịu đựng trong quá trình vận động.
Với thành phần chính là Caffein, cà phê là nguồn năng lượng giúp tăng cường sự tỉnh táo, tập trung, cải thiện phản xạ, sức bền và giảm mệt mỏi trong quá trình luyện tập. Chính vì vậy, không chỉ được yêu thích bởi những quân sĩ, cà phê thường xuyên xuất hiện trong chế độ ăn uống của các võ sỹ, như: võ sỹ quyền Anh Conor McGregor, đô vật người Thổ Nhĩ Kỳ Koca Yusuf (1857 - 1898), đô vật người Mỹ Dwayne Johnson, đô vật người Thụy Sỹ Claudio Castagnoli... Claudio Castagnoli từng chia sẻ: "Cà phê giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Đó là lý do tại sao tôi thích đến các quán cà phê. Và tôi mong chờ một tách cà phê trước các trận đấu của mình. Nó giúp tôi bình tĩnh, đưa mọi thứ vào đúng vị trí và đưa tôi vào khoảnh khắc hiện tại".
Cùng công dụng gia tăng thể lực, nâng cao sức khỏe, cà phê còn tác động sâu sắc đến tinh thần chiến đấu nhờ vào khả năng tăng cường sản xuất Dopamine và Serotonin, hai chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm giác vui vẻ và hài lòng. Do đó, dù là trên võ đường, võ đài, cà phê giúp các võ sỹ vượt qua mọi giới hạn của cơ thể và trí óc, rèn luyện ý chí kiên cường, để chinh phục những mục tiêu.
Đặc biệt, có mối liên hệ sâu sắc giữa các quốc gia có văn hóa cà phê tiêu biểu, như Ethiopia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, với sự phát triển các bộ môn võ học truyền thống nổi tiếng. Ở Ethiopia nổi tiếng với bộ môn Wrestling (đấu vật) truyền thống, Brazil nổi tiếng với Capoeira (võ thuật nhảy múa), Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng với môn Yağlı Güreş (đấu vật dầu). Trong đó, Capoeira và Yağlı Güreş đều được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những dược năng và giá trị của cà phê đã góp phần giúp con người nơi đây duy trì sự dẻo dai, bền bỉ, phát huy sức mạnh, sự linh hoạt, qua đó tạo nên những nét đặc trưng cho các bộ môn võ thuật truyền thống.
Hơn nữa, người dân của các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil vẫn luôn tìm tòi sáng tạo các không gian cộng đồng kết hợp giữa văn hóa cà phê và võ học truyền thống. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các cựu đô vật dầu đã cùng thành lập nên quán cà phê Pehlivanlar tại Istanbul, nhằm kết hợp niềm đam mê bộ môn đấu vật dầu và văn hóa cà phê Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Pehlivanlar có tất cả thông tin về lịch hoạt động, huyền thoại đô vật, các đô vật tham gia vào các kỳ đấu… Đây cũng trở thành địa điểm tụ họp thường xuyên của nhiều người quan tâm đến đấu vật bằng dầu. Tại Brazil, các quán cà phê như Café Capoeira, Batuque Café trở thành nơi tập trung những người đam mê Capoeira đến giao lưu và chia sẻ kiến thức, tổ những buổi biểu diễn Capoeira.
Xuất phát là một thức uống tỉnh thức, cà phê đã trở thành nguồn năng lượng song hành cùng chiến binh trên mọi mặt trận, từ giới trí thức miệt mài nghiên cứu đến những người lính nơi chiến trường, và cả các võ sỹ trên sàn đấu… Cà phê đã tiếp thêm sức mạnh thể chất, tinh thần, trí lực cho các chiến binh để đương đầu với những thử thách, mạnh mẽ vượt lên, hướng đến tương lai thành công, tốt đẹp hơn.
CÀ PHÊ TRIẾT ĐẠO - Hàng quán cà phê và hào khí dân tộc Hungary
Đón đọc kỳ sau: Cà phê và tinh hoa võ học