Bà Bành trải tấm chiếu con chừng tám tấc bề ngang ra nền, ngồi xuống bưng tô mì tôm húp xì xụp. Từng đợt gió mang hơi ẩm ập tới thổi nguội tô mì mới phút trước còn nghi ngút khói. Trên chiếc chiếu ở bên trái, bà Điền đang gặm ổ bánh mì chả và cười phơ phớ với đứa cháu nội qua màn hình điện thoại, bà Bé vừa ăn bánh bao vừa bấm số gọi cho thằng con trai đang làm thuê ở bên kia biên giới. Cách đó vài mét, cuối ban công xếp đầy thùng nhựa xanh và vàng phân loại chất thải. Thêm mớ bao tời đựng chai nhựa và mấy thùng carton xếp chồng lên nhau để dành bán ve chai kiếm ít đồng.
Ở phía tay phải, trong góc tường sát cánh cửa, hai thằng đàn ông đang phì phà nhả khói thuốc. Mặc kệ tấm biển cấm hút thuốc lá, thỉnh thoảng vẫn có người len lén ra đây châm lửa đốt khói. Để thỏa cơn thèm đang cào ruột gan, để làm ấm cơ thể giữa tiết trời cuối năm lạnh tái tê, hoặc để giết thời gian cho bớt chán. Đối với họ, một ngày ở đây lê thê lượt thượt bởi chẳng có việc gì làm ngoài nằm, ngồi, ăn, ngủ.
Ăn xong, bà Bành tranh thủ rửa tô nhựa rồi úp cho ráo nước. Từ tầng chín nhìn xuống, tất cả những mái nhà lớn nhỏ đẹp xấu nhấp nhô bên dưới, không nơi nào có chỗ cho bà. Bà ngồi dựa lưng vào tường, ngó qua tòa nhà phía đối diện cách một con đường. Từng tầng, từng ô cửa kính hình chữ nhật bằng nhau, thẳng tắp, sáng choang. Tổng cộng bao nhiêu ô bà chưa đếm hết, hôm bữa đang nhẩm tính thì bị bà Điền gọi đi lau nền. Nhiều lúc rỗi rãi bà tò mò, họ làm gì trong những ô cửa đóng kín sang trọng mà lạnh lẽo đó. Là nhà ở hay công ty, liệu có người nào giống như bà ở bên trong không.
Thỉnh thoảng giữa đêm khó ngủ, bà thấy vài ô cửa kính kiên nhẫn sáng đèn giữa góc phố tĩnh mịch, như lấp đầy nỗi trống trải trong lòng bà. Ban công ít khi cần bật điện. Ban ngày, ánh sáng mặt trời chiếu xiên từng tia nắng sớm nhất. Ban đêm, ánh sáng bóng điện hắt ra từ hành lang bên trong. Và thiệt vô lý, nhưng bà luôn tưởng rằng ô cửa kính bên kia đường chiếu sáng sang tận phía bên này.
***
- Ai đi vệ sinh thay tã thì gom gọn bỏ vô thùng rác, chớ vứt đầy sàn gớm quá - Bà Bé nhăn nhó nhìn vào phòng vệ sinh.
- Việc của bà là quét dọn mà cằn nhằn chi! - Người đàn ông mái tóc điểm bạc ngồi dậy sửng cồ.
- Ông ăn ở nhớp nhúa người ta tởm mà không thèm nói. Việc tui tui dọn nhưng không phải ông ưng xả sao là xả.
- Đờ… cái thứ…
Người đàn ông lẩm bẩm rủa gì đó trong cổ họng, bà Bé toan nói tiếp nhưng bà Bành kéo tay lôi ra ngoài. Cãi nhau với bệnh nhân thì có lợi gì cho bà, dẫu cho có thắng chăng nữa thì ban quản lý bệnh viện cũng đâu đứng về phía một người lao công hợp đồng.
Phòng 904 có bảy giường đều là đàn bà, già có trẻ có, tự dưng cái giường thứ tám lọt vô một tên đàn ông chướng khí. Lão bị tiêu chảy, hình như đã điều trị hơn hai chục ngày ở bệnh viện tỉnh nhưng chưa khỏi. Người xơ rơ xác rác, mặt mũi phờ phạc, không nuốt nổi cơm hay cháo, chỉ truyền dịch, uống nước và đi ngoài. Chẳng thấy mặt mũi con cháu đâu.
Đau ốm bệnh tật là điều không ai muốn, nên mọi người đã ráng thông cảm. Nhưng lão bày bừa bết bát quá thể. Đó là chưa kể, bệnh tiêu chảy có thể lây. Lão đi cả ngày, gần như chiếm dụng cái phòng vệ sinh, ngồi hàng giờ ở trỏng. Suốt đêm lục đục bật điện tắt điện, đóng cửa mở cửa, vặn nước xịt nước làm mọi người thức tới sáng.
Ai cũng bị cơn đau hành hạ. Con bé nằm mê man sát tường đang điều trị thủng màng nhĩ, bà lão nhăn nhúm cạnh cửa sổ mắc viêm loét đại tràng cấp tính, nhỏ tóc ngắn mặt mày xanh lét giữa phòng bị thiếu máu nặng, bà chị dật dờ nằm cuối phòng vừa phẫu thuật cắt túi mật xong. Vốn dĩ họ đã khó ngủ, mỗi tám giờ tối đều uống một viên thuốc an thần do bác sĩ kê đơn. Từ bữa lão chuyển vào phòng, mọi sinh hoạt rối tung lên, ngủ còn chẳng yên.
Bà Bành bặm môi nín thở bên trong hai lớp khẩu trang, đeo bao tay cầm chổi bước vô toilet. Tanh rình. Thứ nước màu vàng từng giọt rây rớt trên nắp bồn cầu, miếng giấy vệ sinh thấm nước rã vụn nằm nửa trong nửa ngoài, trên sàn là mớ hạt nhựa xốp nhỏ li ti rơi ra từ tã người lớn. Chúng đọng lại ở phễu thoát sàn, chặn nước chảy xuống ống thông làm nước dềnh lên nhớp nháp. May mà bà mang dép đế cao nên không bị dính ướt chân. Phải đi khéo chớ sàn trơn trượt dễ té. Bà Bành lặng lẽ quét hết mớ rác thải trên sàn vào ky, hốt đổ trong bao, xịt chất tẩy rửa rồi kỳ cọ từng vết bẩn. Xà quần cả buổi giữa mớ chất thải làm bà muốn ngộp thở. Giữa trời đông mà toát mồ hôi ướt áo.
Bà Bành thay bà Bé lau dọn sạch bong mọi thứ. Tầng chín khoa Nội tổng hợp thuộc khu điều trị mới xây, có chừng hai chục phòng bệnh từ nặng tới nhẹ, và phòng theo yêu cầu. Bà Bành cùng hai người tạp vụ khác chia nhau quét dọn, giữ cho phòng ốc được sạch và mới. Mỗi người thay phiên nhau phụ trách một đầu việc, miễn sao mỗi ngày lau chùi bốn lần cách nhau sáu tiếng, bắt đầu từ bốn giờ sáng, kết thúc lúc mười giờ đêm. Ca ai người nấy trực, việc ai người nấy làm. Mà lâu lâu hỗ trợ, giúp đỡ nhau thì chị em gắn kết hơn. Cùng cảnh làm thuê ở phố, cùng chia nhau củ khoai, gói xôi, cái bánh thì có nề hà chi.
Vài kẻ lại nghĩ bà Bành rảnh hơi dài tay bênh vực ông già kia. Kỳ thực, bà cũng ghê khiếp mắc ói, nhưng bà nhớ tới ông chồng ở nhà. Chỉ mong mình ở đây không nói lời cay đắng chì chiết một lão bệnh nhân, thì lỡ có ngày chồng bà vào viện nằm, sẽ có người đưa tay giúp đỡ ông khi bà vắng mặt.
***
Bốn chục tuổi bà Bành mới lấy chồng, sau khi nuôi hai đứa em trai lấy vợ sinh con đầy đủ. Trời thương, trời cho đứa con mọn thủ thỉ quấn quýt. Nhưng người không thương, hoặc người vô tình nào ngờ chuyện bất trắc xảy tới lúc nào. Con rắn hổ mèo mà nhà hàng xóm vừa bắt về tính mần thịt, xui rủi sao đã trốn được, bò qua sân nhà cắn phập vào chân của thằng con bà.
Chập choạng, bốn bề rừng núi tối om tối mò. Đường quê gập ghềnh sỏi đá, hồi đó chưa có đèn điện. Cái xóm nghèo rớt, biết mượn xe máy ở đâu để chở đi viện. Chồng bà Bành thử dùng mẹo dân gian, nhai mớ lá thuốc đắp lên vết nanh nọc. Đôi khi, cái nghèo khiến người ta phải mạo hiểm một cách tội nghiệp. Đi viện chữa thì tốn bao nhiêu đồng, nhưng chỉ mấy ngàn thôi đã được thêm một bữa cơm no bụng. Tiếc tiền quá nên đẩy con vào nguy hiểm, tới cuối cùng phải đớn nghẹn ngửa mặt lên trời mà tiếc mạng. Tức tưởi.
Có nỗi đau nào lớn bằng tự tay chôn cất con mình. Chôn tiếng cười ngây thơ, chôn luôn ước mơ làm mẹ. Hơn chục năm, bà Bành không rặn thêm được đứa con nào. Chắc trời trách, đã được cho nhưng không biết giữ, biết chăm. Dù sao bà chẳng muốn có thêm bất kỳ sinh mệnh mong manh nào phải chịu khổ với bà. Bao lần thấp thoáng trong mơ, con trai vẫn rấm rứt trách bà nghèo chi nghèo quá. Có lẽ, nghèo cũng là cái tội.
Trước đây, chồng bà Bành là thợ đụng, ai kêu đâu dạ đó. Thường ngày ông đi khắp làng trên tới xóm dưới kiếm công trình xin phụ xách xô vác xi hoặc kéo cưa đẽo đục. Có lúc chuyển sang phu keo, nhận tiền chủ thuê và hì hục đốn cưa, bóc vỏ rồi vác keo chất lên xe. Một bữa đường mưa ướt nhầy, đang khuân gỗ keo thì tuột tay rớt xuống. Cây keo trơn quá! Trơn như thể cái vận đen đủi luôn không phanh từ đẩu đâu trượt thẳng trúng người. Chân dập, người té ngửa ra sau, tự dưng ôm đầu co giật hoảng loạn. Cơn đau đeo đẳng suốt đời.
Làng xóm không ai dám thuê một người bị giật kinh phong. Ai biết lên cơn hồi nào. Nhỡ đâu đang làm, đột nhiên té cái rầm gãy xương hay chấn thương sọ não, rồi bị bắt đền, phải tốn tiền, phải giải thích, lằng nhằng rắc rối. Ông chồng ở không, đi ra đi vô, nuôi đàn gà, xách nước tưới rau, nấu bữa cơm, rồi lại đi tới đi lui. Mỗi viên thuốc uống trị bệnh mỗi ngày đều nhờ nhúm tiền ít ỏi nằm trong bọc ni-lon giắt ở lưng quần bà Bành.
Bà chưa khi nào nghĩ chồng mình ăn bám. Dù hai đứa em trai mặt nặng mày nhẹ, biểu bỏ quách lão chồng vô dụng. Hơi đâu rước vạ vào thân, nuôi thuốc men tới già. Nhưng cái số cái nghiệp, bà bỏ ổng thì ở với ai. Thôi đành, hai vợ chồng cứ hủ hỉ sớm khuya với nhau là vui rồi. Bà còn khỏe, làm thuê làm mướn, ăn uống dè sẻn, vẫn nuôi chồng được. Không được cũng phải được.
***
Bà Bành dụi mắt ngồi dậy, gió chạp thốc vào lòng lạnh thấu. Lan can xây gạch tới trên đầu gối, gắn những thanh sắt ở phía trên chỉ ngang vai không đủ kín để chắn cơn gió ào ạt thổi qua. Phần mái ôm khít bình thường che được nắng chẳng ngăn nổi mưa. Mưa tạt vào ướt nhem tấm mền mỏng tang. Bà Bành nhanh tay cuộn chiếu gom mền gối, lanh lẹ mở cửa sè sẹ bước chân vào bên trong tầng.
Bữa rày, cơn mưa khuya đánh thức ba người đàn bà không biết bao nhiêu đêm. Đang ngủ say lại phải chạy mưa. Nhưng bữa nào có mưa thì mới được dọn chiếu vào phía hành lang sát thang máy hoặc gần chân cầu thang thoát hiểm. Trời êm gió lặng mà nằm chình ình trước mặt bao kẻ lại qua thì trông khó coi quá. Người ta đã du di cho phép mấy bà ăn ngủ ở ban công là phước lắm rồi.
Công ty vệ sinh hợp đồng với bệnh viện cung cấp lao công, trả lương nhân viên mỗi tháng bốn triệu hai trăm tám mươi ngàn đồng. Chi tiêu ăn uống khoảng một triệu rưỡi, còn lại bà Bành gửi hết về cho ông chồng đau ốm. Tiền đâu mà ở trọ. Bà muốn kiếm một căn phòng đàng hoàng lắm chớ, dẫu chỉ để che nắng che mưa và ngả lưng ngủ yên mỗi tối. Nhưng căn trọ bèo nhất đã một triệu rưỡi, chưa kể tiền điện nước.
Bà Bành rủ thêm vài người xin xỏ, bệnh viện thương tình, cho tạp vụ được ngủ ở ban công. Miễn đừng chắn đường đi, tránh gây mất mỹ quan. Tắm ké trong phòng vệ sinh chung, giặt quần áo xong treo gọn trên cánh cửa sắt của một phòng kho rộng hai mét vuông luôn khóa chặt. Mấy bà để dành từng đồng tiền lẻ, ăn còn chắt bóp được thì ở hết bao nhiêu, khéo thu khéo vén thì mọi chỗ đều vừa vặn.
Ở lại bệnh viện rất tiện. Chừng ba giờ sáng, bà Bành thức dậy giặt giẻ, chuẩn bị dụng cụ, hóa chất, quét lau sạch sẽ hành lang. Trong phòng tắt điện nhưng hành lang luôn bật sáng trưng. Người đau ốm ở bệnh viện thường trằn trọc khó ngủ, lại thêm tuổi già, có khi tờ mờ bốn giờ họ đã ngồi dậy rủ rỉ tâm sự. Đợi năm giờ kém, mấy người bán đồ ăn sáng tay xách nách mang nào xôi, bánh mì, bún, sữa,… đi rao khắp các phòng. Lúc đó bà sẽ vào từng phòng lau nền, lau tủ y tế đầu giường bệnh, dọn dẹp nhà vệ sinh, và đổ rác, phân loại rác. Ngó thì ít việc chớ làm hoài không ngớt tay. Toàn việc tự tìm tới người. Ở bệnh viện mà, phải dọn dẹp lau chùi tỉ mỉ từng mi-li-mét, luôn giữ cho môi trường sạch khuẩn.
Góc ban công rộng mét rưỡi này là tất cả tốt đẹp mà phố thị cho bà Bành. Lần đầu rời núi đưa chồng xuống phố chữa động kinh, bà đã hoảng sợ biết bao. Cảnh người lạ đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì mỗi cuốc xe ôm trước cổng bệnh viện, cào cấu xước da tay tranh từng hộp cơm miễn phí. Bà đâu ngờ có ngày một góc ban công tầng chín bệnh viện lại trở thành khoảng trời mơ ước của mình. Có ở đây bao lâu cũng được. Bà chỉ cần được ngủ lại, yên ổn lau dọn, cuối tháng lãnh lương, dành dụm gửi về cho ông chồng đang đau bệnh ở nhà. Tết nhứt tới ngay sau lưng rồi, nghe đồn năm nay bệnh viện có dành phần quà riêng cho những lao công ăn ở tại chỗ. Ai nấy đều mừng rơn, cùng đoán thử được tiền hay bánh kẹo.
Con bé tóc ngắn thiếu máu từ phòng bệnh 904 khẽ khàng mở cửa bước ra chỗ nằm của bà Bành, tay cầm một tấm mền xếp gọn. Khổ thiệt, mới mấy tháng mà nó đã nhập viện hai lần. Chắc lão tiêu chảy lại đi vệ sinh ầm ầm nên nó mất ngủ. Hoặc tiếng dép chạy dù rất nhẹ ngoài hành lang của ba người đàn bà khiến con bé tỉnh giấc.
Con bé đưa mền về phía bà Bành, nhỏ nhẹ nói con cho cô. Sáng nay con được xuất viện rồi. Quay lưng đi làm rơi nụ cười tươi rói trên tấm mền dày mịn, ấm ru. Bà Bành cuộn người trong mền ấm, dặn dò con bé ráng ăn uống bồi bổ nhiều hơn. Bà mừng rỡ nói lời tạm biệt. Chắc chẳng có nơi nào người ta chia tay nhau mà vui vẻ tới thế. Về nhà mạnh khỏe, và không hẹn gặp lại…