Tối 21.4, đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa đã có thông tin chính thức về vấn đề nhiều hình ảnh, video về hoạt động múa hát tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua đã gây ra nhiều tranh cãi.

Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nha Trang, cũng như là nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở với tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt
ẢNH: BÁ DUY
Từ ngày 17 - 20.4 (20 - 23.3 âm lịch), Lễ hội Tháp Bà Ponagar đã diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar (TP.Nha Trang) với mục đích tưởng nhớ công ơn của Thiên Y A Na Thánh Mẫu (người Chăm gọi là Po Inư Nagar), người Mẹ xứ sở đã dạy người dân cách làm ăn, sinh sống. Trong những ngày diễn ra lễ hội, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar đã thu hút đông đảo người dân, khách hành hương, khách du lịch đến tham dự.
Tuy nhiên, một số hình ảnh ghi lại cảnh múa hát với nhân vật hóa thân thành cọp, beo cách điệu tại khu vực tháp đã gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng những hoạt động này thiếu tôn nghiêm, không phù hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu.

Hình ảnh ghi lại cảnh múa hát với nhân vật hóa thân thành cọp, beo cách điệu tại khu vực tháp đã gây tranh cãi trên mạng xã hội
ẢNH: MXH
Trả lời về vấn đề này, đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa khẳng định, các hoạt động múa hát được chia sẻ trên mạng xã hội nằm trong phần "hội" của Lễ hội Tháp Bà Ponagar.
Đồng thời đại diện Ban Quản lý di tích đặc biệt Tháp Bà cho biết hoạt động này đã được tổ chức từ nhiều năm trước, tín ngưỡng dân gian gọi những tiết mục này là "múa dâng Mẫu", "múa bóng" chứ không phải "hầu đồng" như thông tin đang lan truyền.

Múa bóng là một nét văn hóa truyền thống của người dân Khánh Hòa. Những làn điệu, lễ vật dâng lên Mẫu để thể hiện lòng thành kính tri ân của những người con với Mẫu
ẢNH: BÁ DUY
Theo giải thích của đơn vị quản lý, đây chỉ là những tiết mục "múa vui cho Mẫu" trong thời gian diễn ra lễ hội. Phần "lễ" vẫn được tổ chức riêng biệt trước phần "hội", với nghi thức dâng hương trang nghiêm, không có các hoạt động múa hát ồn ào.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng ban Quản lý di tích đặc biệt Tháp Bà, "múa bóng" là một nét văn hóa truyền thống của người dân Khánh Hòa. Những làn điệu, lễ vật dâng lên Mẫu để thể hiện lòng thành kính tri ân của những người con với Mẫu. Nét văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu là một nét văn hóa điển hình, mang những giá trị văn hóa đặc trưng của người dân Khánh Hòa.

Quang cảnh lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025
ẢNH: BÁ DUY
Lễ hội Tháp Bà Ponagar là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng của cư dân Nam Trung bộ - Tây nguyên, thu hút đông đảo người dân tham dự hằng năm. Sự kiện không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn giới thiệu nét đẹp tín ngưỡng đặc sắc của Khánh Hòa đến người dân và du khách thập phương.