Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông sinh năm 1724, tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, H.Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, H.Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Tuy nhiên, cuộc đời ông chủ yếu gắn bó với quê mẹ xứ Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, H.Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Quang Diệm, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) và cũng qua đời tại đây vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791), thọ 67 tuổi.
Dòng họ Lê Hữu là một dòng họ lớn, nổi tiếng với truyền thống văn hiến, khoa bảng, đóng góp rất nhiều nhân tài cho đất nước. Văn hiến dòng họ đề cao "đức thiện" (lòng từ thiện, đức hiếu sinh), lấy chữ "đức" làm gốc dạy con cháu lối sống "tích đức" và "để đức" cho đời sau.
Gia đình Lê Hữu Trác là gia đình quyền quý, quan đại thần, có truyền thống khoa bảng thời Hậu Lê. Ông nội của Lê Hữu Trác là Lê Hữu Danh (1642 - 1692) đậu Hoàng giáp năm Canh Tuất (1670), làm quan đến chức Hiến sát sứ, được phong Kim tử Vinh lộc đại phu, tước Văn uyên bá.
Cha của Lê Hữu Trác là Lê Hữu Mưu (1685 - 1739) đậu đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Canh Dần (1710) làm quan đến chức Thị lang Bộ Công, được phong tước Phu đình bá, được sung vào tòa Kinh Diên, từng là Tư nghiệp Quốc tử giám, được gia phong chức Đại đô ngự sử, sau khi mất được truy tặng hàm Thượng thư (tương đương bộ trưởng ngày nay).
Mẹ của Lê Hữu Trác tên là Bùi Thị Thưởng cũng là con quan, là vợ thứ hai của tiến sĩ Lê Hữu Mưu. Bà sinh được 6 người con (4 trai, 2 gái). Lê Hữu Trác là con thứ 5 của bà và là con thứ 11 trong đại gia đình của cụ ông Lê Hữu Mưu.
Lê Hữu Trác vì là con quan lớn, nên được bước vào "Cửa Khổng sân Trình" từ rất sớm, được dự học Chiêu văn quán theo suất của các con tiến sĩ. "Tôi vốn con nhà trâm anh thế phiệt, thuở nhỏ chăm chỉ đèn sách là chỉ muốn làm nên sự nghiệp lớn", danh y Lê Hữu Trác viết trong trong sách Thượng kinh ký sự.
Con đường đến với nghề thuốc
Danh y Lê Hữu Trác sinh ra và lớn lên vào thời Lê mạt. Đất nước Đại Việt chia thành Đàng Trong (phía nam) do chúa Nguyễn cai quản và Đàng Ngoài (phía bắc) do chúa Trịnh cai quản, nắm thực quyền còn vua Lê chỉ có danh.
Nước Đại Việt trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, chiến tranh loạn lạc liên miên, đời sống nhân dân lầm than, cơ cực. Lê Hữu Trác đi lính triều nhà Lê, song do bị bệnh nên ông phải rời lính về quê.
Do sớm khuya đèn sách, không chịu nghỉ ngơi nên ông bị cảm nặng, chạy chữa tới 2 năm vẫn không khỏi. Lê Hữu Trác sau đó được lương y Trần Độc (quê Nghệ An) là bậc lão nho, học rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ, nhiệt tình chữa khỏi bệnh.
Trong hơn 1 năm chữa bệnh, nhân khi rảnh rỗi, ông thường đọc Phùng thị cẩm nang và hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Lương y Trần Độc thấy lạ, bèn đem hết những hiểu biết về y học truyền cho ông. Vốn là người thông minh, học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi cho mình mà còn có thể giúp người đời, nên quyết chí học nghề thuốc.
Từ đây ông đã dày công nghiên cứu, tìm đọc những bài thuốc hay trong nhân dân, chuyên trị bệnh cứu người, tiếng tăm ngày càng lừng lẫy.
Ngày 12 tháng giêng năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782), ông nhận lệnh của chúa Trịnh triệu về kinh chữa bệnh. Ông từ giã gia đình, học trò, rời Hương Sơn lên đường. Ra kinh, vào phủ chúa xem mạch và kê đơn cho Thế tử Trịnh Cán, ông được chúa Trịnh Sâm khen "hiểu sâu y lý", ban thưởng 20 suất lính hầu và bổng lộc ngang với chức quan bộ Hộ để giữ ông lại. Nóng lòng trở về Hương Sơn, ông liền lấy cớ người nhà ốm nặng để rời kinh về quê ngoại.
Để lại cho hậu thế một tàng thư y học vô giá
Sau hơn 40 năm miệt mài nghiên cứu và tận tụy chữa bệnh cứu người, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho hậu thế một tàng thư y học vô giá trong di sản văn hóa Việt Nam và được coi là ông tổ của ngành Y học cổ truyền Việt Nam.
Suốt cả cuộc đời làm thuốc, ông đã có công sưu tầm, phát triển và bổ sung 305 vị thuốc nam, thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian.
Với tâm nguyện hoài bão ấp ủ là soạn sách, mở trường thuốc để truyền bá y học và với lý tưởng cao cả "làm sách truyền phương để giúp đời vô tận", Lê Hữu Trác dựng lên "ngọn cờ đỏ thắm" trong y giới qua bộ sách Hải Thượng Y tông tâm lĩnh.
Hải Thượng Y tông tâm lĩnh là kết quả cả cuộc đời nghiên cứu của ông đối với các cuốn sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ... Các bài thuốc trong sách là kết quả của quá trình tìm hiểu nền y học cổ truyền dân tộc kết hợp với thực tế chữa bệnh trong nhiều năm của ông. Hải Thượng Y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm đủ các lĩnh vực trong y học: y đức, y lý, y thuật, dược, di dưỡng và được xem là bộ "Bách khoa toàn thư" về y học.
Những trước tác mà đại danh y Lê Hữu Trác để lại chính là bộ giáo khoa kinh điển mẫu mực, góp phần đào tạo, bồi dưỡng về y đức, y đạo, y thuật cho các thầy thuốc đời sau.
Đây không chỉ là bộ sách quý về y học mà còn được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị văn học bởi cách kể chuyện hấp dẫn của tác giả. Hiện nay, bộ sách Hải Thượng Y tông tâm lĩnh được đưa vào kho tư liệu của nhiều thư viện ở Pháp và châu Âu, là đề tài của nhiều luận án khoa học tại một số trường đại học trên thế giới.
Tầm ảnh hưởng của đại danh y đã vượt xa khỏi biên giới Việt Nam từ cách đây hàng trăm năm. Những di sản của Hải Thượng Lãn Ông không chỉ được các thầy thuốc, học giả trong nước mà người nước ngoài cũng rất quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng. Y đức, y lý, y thuật và cách hành xử trước thời cuộc của Lê Hữu Trác đến nay vẫn là bài học, là tấm gương sáng chói để người đời sau noi theo.
Tại phiên họp lần thứ 42 (ngày 21.11.2023), Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024", trong đó có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.