Trong những năm qua, nhắc đến Đà Lạt là không thể không nhớ đến Nguyễn Vĩnh Nguyên với các công trình dày công nghiên cứu, hệt như nhắc đến Sài Gòn là nhớ đến Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Đình Tư, nhắc Tây nguyên là nhớ Nguyên Ngọc, nhắc đến Hà Nội là nhớ Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tiến… Các khảo cứu của Nguyễn Vĩnh Nguyên là sự kết hợp hài hòa giữa vốn kiến thức đa dạng bắt nguồn từ những hồ sơ lưu trữ, các cuộc gặp gỡ, phỏng vấn, những cuộc điền dã… cùng một cách viết đậm chất "hương xa" của thứ văn thơ bảng lảng, có dấu ấn riêng.
Ký ức sau màn trập
Khác với 3 cuốn sách trước có nguồn tư liệu hướng vào văn khố, tàng thư hay các trước tác thứ cấp ẩn trong sách báo, ở Đà Lạt, thành phố trong album, Nguyễn Vĩnh Nguyên lại xoáy sâu hơn vào các bức ảnh, những cuốn album, xem đây như một "đường hầm" lần đến "sự thật" ẩn sau hình bóng một đô thị xưa. Đó có thể là những album ảnh riêng tư đặt trong ngăn tủ đóng kín của nhiều gia đình, là các bộ sưu tập vốn có chủ ý nhưng cũng có thể là các bức ảnh mang tính riêng lẻ, vô thừa nhận, có phận nổi trôi qua các cuộc bán đồng nát hoặc là "món quà tặng kèm" cho người ưa cổ khi chủ sở hữu bất khả truy nguyên được về nguồn gốc…
Như chuyến hành trình đưa ta lướt qua từng khung cảnh một, tác giả chia cuốn sách này ra làm 2 phần: Phong cảnh & Phong vị, Người & Thời, qua đó anh đã khéo léo để từ chốn mù sương chọn ra được những dấu mốc vô cùng nổi bật. Trong phần đầu tiên, anh đưa ta đến các hồ Xuân Hương, Than Thở, Mê Linh… như những "tràng hoa phù thế" của thành phố cao nguyên, nối liền sau đó là các ngọn đồi theo một logic mang tính không gian gồm hồ, đồi và phố. Không dừng ở đó, những địa danh nổi tiếng như "ngôi trường Pháp đầu tiên" Lycée de Dalat, khách sạn hào hoa bậc nhất Hôtel du Parc, "cư xá" cite nằm trước đỉnh Lang Biang xa mờ… cũng được chú ý. Ngoài ra, những chùa chiền, nhà thờ, đập nước…, các thời khắc Giáng sinh, tết đến… cũng có được vị thế riêng trong cuốn sách này.
Không chỉ có những hậu cảnh cho thấy một Đà Lạt nhiều sắc thái, mà những con người nổi tiếng cũng được nắm bắt và chọn lọc kỹ. Tuy không mang tính nghiên cứu dài rộng, nhưng những lát cắt tưởng thoáng qua này cũng đã đồng hiện một miền mù sương ôm mang trong mình biết bao biến động. Đó là nữ sĩ Nhật Bản Hayashi Fumiko với cuốn Phù Vân nói thay cõi lòng của những chứng nhân một thời chính biến. Là họa sĩ André Maire cùng những bức họa mái chùa cao nguyên nơi các yếu tố nhân tạo luôn bị giản lược. Đó cũng là một lớp người Đà Lạt từ nổi tiếng như ông Trưởng ty thông tin Phạm Gia Triếp, cha con Nhất Linh, Nguyễn Tường Thiết… cho đến khiêm nhường giữ riêng cho mình những mảnh đời qua, như ông Võ Văn Tín với nghề may đo veston, ông Huỳnh Quan Lâm với chiếu sách đặt ngoài vỉa hè mà đã có thời là thủ thư đầu tiên của Thư viện Đà Lạt…
Một phong cách nghiên cứu
Ngoài những gợi nhắc một cách thoáng qua của nhiều con người cũng như cảnh trí, Nguyễn Vĩnh Nguyên còn mang đến nhiều chủ điểm với các đúc rút vô cùng thú vị. Đơn cử anh cho ta thấy nền ẩm thực phong phú của vùng đất này đã chịu ảnh hưởng mang tính hai chiều của cả người Hoa cũng như người Pháp ra sao. Anh cũng đề cập đến sự hòa hợp giữa không gian Đà Lạt và phong cách ăn mặc, từ một lớp người thanh lịch khi đi chợ cũng áo dài, gặp gỡ cà phê cũng đóng bộ vest, cho đến những mũi đan len như sự hòa hợp giữa cõi lòng người và cái chậm rãi có phần ủ ê của thành phố này… Anh cũng nhắc đến những bản nhạc Pháp, những rạp ciné hay tờ phim cũ ghi đậm biết bao dấu ấn thị thành. Ngoài ra, vì sao mùa lạnh lại đi ăn kem, bưu ảnh phát triển thế nào… cũng là những bài viết hay, có nhiều ký ức.
Tuy không cố biến Đà Lạt trở thành "cái riêng", nhưng tính cá nhân của người sáng tạo vẫn luôn tràn khắp trong tác phẩm này qua cái nhìn thâm trầm hệt như một cái gật đầu với những cố nhân mà anh yêu thích hay chịu ảnh hưởng. Ta thấy điều đó ở việc đặt tựa, từ "tràng hoa phù thế" cho đến "cảnh đồi trong tâm tưởng" gợi nhớ đến Kazuo Ishiguro. Sự bàng bạc trong cảm xúc và những "bóng ma" vẫn còn ám hoài Hôtel du Parc cho ta thấy chút Patrick Modiano, trong khi việc đi xuyên thời gian, hẹn hò quá khứ lại có hình bóng của W.G.Sebald. Quan điểm về nhiếp ảnh, sự sống, cái chết của anh cũng cho ta thấy những cộng hưởng từ Susan Sontag. Cuối cùng, bao trùm hết thảy là những gì Đà Lạt nhất, từ những bản quy hoạch của các kiến trúc sư Hébrard, Pineau, Mondet, Lagisquet… cho đến những đời thị trưởng, những viên toàn quyền, các văn nghệ sĩ… đã từng mòn gót trên những đường mòn xứ sở cao nguyên.
Chính sự kết hợp giữa cái chung ấy và một cách viết không thể trộn lẫn đã để lại dấu ấn đặc biệt của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Như vùng đất này, khảo luận Đà Lạt, thành phố trong album nói riêng và bộ tứ nói chung là cuộc gặp gỡ của nhiều yếu tố: từ chung đến riêng, từ ký ức cộng đồng đến cảm nhận cá nhân, từ cái mơ hồ và không biên giới giữa các thể loại, nơi sự bất tín của quá khứ cùng những gì hiện tồn đan cài vào nhau đúng như anh viết: "Có gì đó ở họ làm cho tôi nghĩ rằng cái thành phố bên trong hoài niệm đủ sức phủ lên thành phố hiện tại một màn sương và trập trùng cây cỏ, để mọi đường nét sắc lạnh và xơ cứng của cảnh vật thuộc về thị giác phải nhòe mờ, chìm xuống. Bằng cách đó, con mắt ký ức nhìn thấy trên thực tại vẫn là thành phố hôm qua, một thành phố ở chiều thời gian khác".
Nguyễn Vĩnh Nguyên là tác giả của nhiều tác phẩm hư cấu và phi hư cấu, trong đó dấu ấn đậm nhất là bộ sách về Đà Lạt, gồm: tập tản văn Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách, cuốn du khảo Đà Lạt, một thời hương xa, 2 cuốn biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù; Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, khảo luận Đà Lạt, thành phố trong album và 2 tác phẩm hư cấu Ký ức của ký ức, Thành phố những lục địa bay.