Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết: "Đây là dịp để khẳng định, ghi nhận nỗ lực, ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong địa bàn tỉnh Đắk Nông về việc xây dựng, phát triển Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC); vinh danh những giá trị về khoa học, văn hóa, xã hội của tỉnh Đắk Nông nhằm khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa của đồng bào Việt Nam; thúc đẩy phát triển du lịch...".
CVĐCTC UNESCO Đắk Nông chính là minh chứng tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả giữa tỉnh Đắk Nông và UNESCO. Sự kiện này cũng mở ra cơ hội để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn di sản, thúc đẩy du lịch bền vững và tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Nông.
Theo UBND tỉnh này, việc tái thẩm định 4 năm một lần do các chuyên gia UNESCO thực hiện là thước đo giúp địa phương đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế và định hình chiến lược phát triển phù hợp với bối cảnh toàn cầu. Danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông không chỉ khẳng định giá trị di sản của tỉnh mà còn thể hiện sự cam kết thực hiện các mục tiêu bền vững.
Hình mẫu điển hình để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững
Trước đó, chiều cùng ngày, tại TP.Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hội thảo với chủ đề "Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững".
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, mô hình CVĐCTC UNESCO Đắk Nông chính là hình mẫu điển hình để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, kết nối giữa bảo tồn di sản thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững và nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng.
Hội thảo đặt ra 3 mục tiêu chính: thảo luận mối quan hệ giữa CVĐCTC UNESCO Đắk Nông và các mục tiêu phát triển bền vững; đề xuất các sáng kiến thúc đẩy du lịch bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ giá trị văn hóa đặc trưng; mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục và nghiên cứu để khai thác tiềm năng của công viên địa chất phục vụ giáo dục và nâng cao ý thức bảo tồn.
Bà Đỗ Thị Yến Ngọc, Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, cho biết CVĐCTC không chỉ là biểu tượng của sự bảo tồn mà còn là động lực thúc đẩy các địa phương phát triển toàn diện, cân bằng giữa thiên nhiên và con người, từ đó đóng góp tích cực vào việc thực hiện các cam kết quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong mạng lưới di sản toàn cầu.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp phát triển du lịch canh nông, du lịch nông trại gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông; hướng đi bền vững trong việc kết hợp bảo tồn di sản và phát triển kinh tế tại địa phương; vai trò của chính quyền địa phương trong việc định hướng và phát triển du lịch gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông; vai trò của đối tác trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông; tiềm năng hợp tác giữa nhà trường và CVĐCTC UNESCO Đắk Nông trong công tác bảo tồn di sản.
Bà Hạnh nhấn mạnh: "Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông không chỉ là một di sản địa chất quý giá mà còn là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và tăng cường ý thức cộng đồng. Các tham luận và thảo luận đã làm nổi bật vai trò của Công viên địa chất trong việc hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 với các mục tiêu phát triển bền vững, từ bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, đến phát triển du lịch bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân".