Tiêm kháng thể đơn dòng phòng lây nhiễm vi rút hợp bào hô hấp

Ngày 15.4, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết đã triển khai tiêm kháng thể đơn dòng Palivizumab (tên thuốc là Synagis) của hãng AstraZeneca, giúp phòng ngừa lây nhiễm vi rút hợp bào hô hấp (RSV). Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm kháng thể đơn dòng Palivizumab.

Kháng thể đơn dòng Palivizumab được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng từ năm 1998. Loại kháng thể này đã được chứng minh hiệu quả lâm sàng trong suốt gần 30 năm, tại hơn 100 quốc gia.

Kháng thể đơn dòng Palivizumab cũng đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam.

 - Ảnh 1.

Tiêm kháng thể đơn dòng Palivizumab đúng chỉ định, giúp phòng ngừa lây nhiễm vi rút hợp bào hô hấp

ẢNH: BVCC

Theo chỉ định điều trị, kháng thể đơn dòng này dùng để phòng ngừa bệnh đường hô hấp dưới nghiêm trọng phải nhập viện do RSV cho nhóm trẻ có nguy cơ cao lây nhiễm RSV và gặp biến chứng.

Cụ thể là trẻ dưới 35 tuần của thai kỳ và dưới 6 tháng tuổi lúc bắt đầu mùa RSV; trẻ dưới 2 tuổi mắc và phải điều trị loạn sản phế quản phổi trong vòng 6 tháng; trẻ dưới 2 tuổi và bị bệnh tim bẩm sinh có rối loạn huyết động.

RSV là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… ở trẻ nhỏ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm có hơn 3,6 triệu ca nhập viện và khoảng 100.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi do RSV. Ước tính, khoảng 90% trẻ từng nhiễm RSV trong 2 năm đầu đời và có nguy cơ tái nhiễm nhiều lần.

GS-TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Phó tổng giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, cho biết RSV có thể lây lan mạnh qua giọt bắn đường hô hấp hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm vi rút. Chúng có thể tồn tại đến 6 giờ trên các bề mặt, đồ chơi, bàn phím, tay nắm cửa; 25 phút trên da nhiễm bẩn và 4 tuần trong cơ thể trẻ em, người suy giảm miễn dịch.

"Trẻ càng nhỏ tuổi, nhất là trẻ có tiền sử sinh non hoặc có bệnh nền như tim bẩm sinh, loạn sản phế quản phổi... nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng càng cao. Do nhiễm RSV sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thông khí và tưới máu đã suy yếu sẵn ở nhóm trẻ này" GS-TS Ngô Quý Châu thông tin.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, các bệnh do RSV gây ra có thể tiến triển nặng, khiến trẻ bị suy hô hấp, xẹp phổi, bội nhiễm vi khuẩn, tràn khí màng phổi, thậm chí tử vong.

Hiện các bệnh do RSV gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các phương pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ chống suy hô hấp. Việc kiểm soát bệnh phần lớn dựa vào các phương pháp dự phòng thụ động như giữ vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc gần với trẻ, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và bề mặt…

Tuy nhiên, những biện pháp trên cần thiết nhưng chưa đủ, đặc biệt với nhóm trẻ nguy cơ cao. "Hơn 50% các ca nhập viện do RSV xảy ra trong vòng 60 ngày kể từ khi trẻ xuất viện sau sinh. Do đó, cần có chiến lược dự phòng miễn dịch chủ động và thụ động song song", bác sĩ CK.I Nguyễn Văn Toản, Phó khoa Sơ sinh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh khuyến cáo.

Palivizumab là kháng thể đơn dòng IgG1κ được sản xuất bằng công nghệ DNA tái tổ hợp, có ái lực cao, chức năng tác động tương tự kháng thể tự nhiên trong cơ thể. Khác với vắc xin truyền thống yêu cầu cơ thể tự sinh kháng thể sau khi được kích thích bởi kháng nguyên, Palivizumab hoạt động theo cơ chế miễn dịch thụ động, đưa trực tiếp kháng thể đã được tạo sẵn vào cơ thể.

Sau đó, chúng liên kết với protein F trên bề mặt vi rút RSV, giúp ngăn chặn quá trình hợp nhất màng tế bào và ức chế sự sao chép vi rút. Nhờ đó, trẻ có thể nhận được sự bảo vệ tức thì. Ngay sau tiêm, kháng thể đã hiện diện trong máu, hiệu quả phòng bệnh đạt được ổn định sau 2 - 3 ngày mà không chờ thời gian để tạo miễn dịch tự nhiên.

Theo báo cáo của hãng AstraZeneca, kháng thể đơn dòng Palivizumab có khả năng giúp giảm khoảng 55% tỷ lệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao phải nhập viện do RSV.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao