Việt Nam là 1 trong 6 nước được chọn tham gia Đạo luật Chips của Mỹ

Chiều 11.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý phải đánh giá thẳng thắn, khách quan bằng các số liệu dẫn chứng cụ thể về thực tế hiện nay: Chúng ta đang đứng ở đâu, vị trí như thế nào? Từ đó nhận diện rõ những khó khăn, thách thức.

Việt Nam là 1 trong 6 nước được chọn tham gia Đạo luật Chips của Mỹ- Ảnh 1.

Thủ tướng nêu câu hỏi: Chúng ta đang đứng ở đâu, vị trí như thế nào? trong phát triển khoa học công nghệ

ẢNH: VGP

Hiện, Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ các vướng mắc về khoa học công nghệ; tiếp tục hoàn thiện luật về khoa học công nghệ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới. Trong đề nghị tháo gỡ về thể chế, bố trí nguồn lực, đặc biệt mạnh dạn đề xuất để các nhà khoa học được kinh doanh sản phẩm của mình.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo cho hay, ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Pháp, Ireland, Hà Lan và các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Microsoft, NVIDIA, Apple, Marvell, Samsung...

Việt Nam cũng được chọn là một trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips - chính sách quan trọng của Mỹ để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hiện cả nước có hơn 50 doanh nghiệp tham gia công đoạn thiết kế vi mạch, hơn 15 doanh nghiệp tham gia công đoạn đóng gói, kiểm thử vi mạch và sản xuất vật liệu, thiết bị bán dẫn hoạt động tại Việt Nam. FPT đã ra mắt sản phẩm chip trong ngành y tế, Viettel đã sản xuất chip phục vụ thiết bị 5G.

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có nhiều tiềm năng để phát triển thành quốc gia hàng đầu khu vực về AI. Nhiều sản phẩm AI được tạo bởi người Việt Nam được đánh giá cao trong cộng đồng công nghệ thế giới. Các tập đoàn công nghệ lớn đang hình thành các trung tâm nghiên cứu và mở rộng hợp tác về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam như NVIDIA, Microsoft, Meta, Google.

Theo ông Dũng, các hoạt động về thu hút doanh nghiệp "đại bàng", ươm tạo "kỳ lân" công nghệ liên tục được các trung tâm đổi mới sáng tạo triển khai. Đặc biệt trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, nhà máy thông minh, đô thị thông minh, an ninh mạng... với sự xuất hiện và mở rộng kinh doanh của Lam Research, NVIDIA, Marvell, Cadence, ARM, Meta, Google, Synopsys, AMD, Qorvo, Qualcomm....

Hiện đã có khoảng 210 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài có mặt tại Việt Nam. So với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng thương vụ đầu tư mạo hiểm, sau Indonesia và Singapore.

Để khoa học công nghệ thực sự mang lại những chuyển biến lớn, có tính cách mạng, lãnh đạo Bộ KH-ĐT đề xuất tập trung đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các "điểm nghẽn" thể chế ngay trong quý 1/2025.

Cạnh đó, nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao