Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong đêm 12 đến sáng 13.2 mưa trái mùa xuất hiện nhiều trên khu vực miền Đông Nam bộ với những điểm mưa lớn như: TT.Long Thành (Đồng Nai) 175 mm, P.Hiệp Hòa (Bình Dương) 132 mm, xã Phú An (TP.HCM) 126 mm...
![Vì sao xuất hiện mưa trái mùa lịch sử ở Nam bộ?- Ảnh 1. Vì sao xuất hiện mưa trái mùa lịch sử ở Nam bộ?- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/14/hue8331-17393502958771527660944-17395232446091861346721.jpg)
Nam bộ xuất hiện nhiều điểm mưa trái mùa với lượng mưa rất lớn
ẢNH: PHẠM HỮU
Tiếp đó, từ khoảng 1 giờ ngày 13.2 trên khu vực miền Đông Nam bộ, các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM tiếp tục có mưa rào và giông.
Đáng chú ý, thời điểm từ 2 - 5 giờ ngày 13.2 là khoảng thời gian nhiều nơi có mưa to đến rất to như tại TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) 61 mm, TT.Hậu Nghĩa (Long An) 54 mm, TT.Hóc Môn (TP.HCM) 51 mm...
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn), đánh giá đây là lượng mưa cao nhất trong 30 năm qua tại TP.HCM vào cùng thời kỳ tháng 2; riêng tại TP.Thủ Dầu Một ghi nhận lượng mưa lớn hiếm thấy trong giai đoạn mùa khô ở Nam bộ.
Ông Hưởng cho rằng, mưa trái mùa lịch sử ở Nam bộ nguyên nhân là do khu vực này chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực phía nam của Tây nguyên và phía đông của Nam bộ, nối với áp thấp nhiệt đới ở khu vực giữa của Biển Đông.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định, hình thái chung gây ra mưa trái mùa gia tăng là do hiện tượng La Nina (hiện tượng khi lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo và nhiệt đới đông Thái Bình Dương lạnh đi dị thường, kéo dài một khoảng thời gian).
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết ENSO ở trong điều kiện La Nina có thể tồn tại trong thời gian ngắn (có thể chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, chưa đủ dài để đạt chỉ tiêu về thời gian duy trì để xác định một chu kỳ La Nina). La Nina bất thường sẽ ảnh hưởng đến thời tiết tại Việt Nam.
Trong điều kiện La Nina, ở khu vực Thái Bình Dương, tín phong sẽ mạnh hơn trung bình, hoạt động đối lưu sẽ suy giảm ở khu vực gần trung tâm Thái Bình Dương và gia tăng trên phần phía tây Thái Bình Dương.
Điều này sẽ khiến khu vực Đông Nam Á, đặc biệt khu vực Indonesia, trong đó gồm cả khu vực phía nam của Việt Nam mưa sẽ có xu hướng cao hơn trung bình trong những tháng đầu năm 2025 (khu vực phía nam Việt Nam xuất hiện mưa trái mùa cục bộ trong những tháng mùa khô).