Tình yêu từ chiến hào: Hôn lễ ở Huổi Luông

Từ đảo xa lên biên giới

Tháng 11.1972, chàng trai Vũ Hồng Quang (khi đó 18 tuổi, ở xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An) nhập ngũ và phục vụ trong đại đội pháo binh bảo vệ đảo Hòn Ngư (Cửa Lò, Nghệ An). Tháng 7.1978, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thừa lệnh Bộ Quốc phòng thành lập Trung đoàn bộ binh 193 tăng cường cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu bảo vệ biên giới phía bắc. Chuẩn úy Vũ Hồng Quang nhận quyết định trung đội trưởng (Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 193) và hành quân ra Lai Châu.

Tình yêu từ chiến hào: Hôn lễ ở Huổi Luông- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hoa bên tấm hình người chồng Vũ Hồng Quang

Ảnh: M.T.H

Năm 1979, Trung đoàn 193 phòng ngự ở tuyến 2, bắc Pa Tần. Riêng Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 193 được tăng cường cho Trung đoàn bộ binh 741 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu) phòng ngự ở tuyến 1.

Sáng 17.2.1979, quân Trung Quốc tấn công Lai Châu. Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 193) cùng Trung đoàn 741 kiên cường chiến đấu giữ khu vực phòng ngự then chốt. Do phải chống trả lực lượng địch rất đông và mạnh, tiểu đoàn bị thiệt hại nặng, chỉ còn 150 người.

Tình yêu từ chiến hào: Hôn lễ ở Huổi Luông- Ảnh 2.

Bộ đội Trung đoàn 193 bám trụ trận địa đánh địch, tháng 2.1979

Ảnh: TƯ LIỆU

Sau khi đối phương rút khỏi Lai Châu (9.3.1979), chuẩn úy Vũ Hồng Quang được phong quân hàm thiếu úy - phó đại đội trưởng, đại đội trưởng Đại đội 8 và Đại đội 15. Tháng 10.1982, anh Quang nhận hàm trung úy, lên trung đoàn làm trợ lý pháo binh. Tháng 4.1984, anh nghỉ mất sức vì sức khỏe yếu (thương tật 11%, tỷ lệ mất sức lao động 63%).

Thanh niên xung phong trên điểm cao 551

Tháng 10.1978, chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1958, ở xã Thụy Dân, H.Thái Thụy, Thái Bình) vào thanh niên xung phong và cùng gần 200 thanh niên Thái Thụy được đưa lên Lai Châu công tác.

Tình yêu từ chiến hào: Hôn lễ ở Huổi Luông- Ảnh 3.

Thanh niên xung phong Lai Châu nắm cơm, chuẩn bị đưa lên trận địa tiếp tế cho bộ đội

Ảnh: TƯ LIỆU

Sau gần 1 tuần hành quân, các thanh niên xung phong của H.Thái Thụy mới lên tới lâm trường Huổi Luông và chị Hoa được phân công về đại đội 5 (đóng quân ở bãi chuối, chân đồi 551, nay thuộc bản Hồ Thầu 2, xã Huổi Luông, Phong Thổ), chuyên việc trồng rừng.

Sáng 17.2.1979, cô thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hoa được giao nấu ăn và cùng 7 người nữa mang cơm nước lên tiếp tế cho Đại đội 4 hỏa lực (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 193) đang chiến đấu trên điểm cao 551.

Tình yêu từ chiến hào: Hôn lễ ở Huổi Luông- Ảnh 4.

Đoàn đại biểu Lai Châu lên thăm và chụp hình lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 193 phòng ngự trên điểm cao 1245, năm 1982

Ảnh: TƯ LIỆU

"Lúc đầu, thấy đạn pháo nổ ầm ầm, cũng rất sợ, ngã lên ngã xuống. Nhưng vài chuyến là quen, đạn rít qua tai cũng kệ, cố gắng chạy nhanh nhất lên trận địa để bộ đội có cơm ăn, mạnh khỏe chiến đấu. Khi lên thì đeo ba lô cơm nước, khi xuống thì khênh cáng thương binh. Mỗi ngày lên xuống trận địa 3 - 4 lần. Ai cũng tranh nhau đi, để khỏi phải ngồi… nấu cơm", bà Hoa nhớ lại.

Yêu nhau vì đi... vay gạo

Sau khi đối phương rút quân, Đại đội 8 hỏa lực của Tiểu đoàn 2 chuyển vị trí đóng quân gần Đại đội 5 thanh niên xung phong lâm trường Huổi Luông. Đầu tháng 4.1979, do thanh niên xung phong hết gạo ăn, nên đại đội phó Phạm Thị Cà và nữ quản lý hậu cần Nguyễn Thị Hoa sang Đại đội 8 để… vay gạo. Phó đại đội trưởng Vũ Hồng Quang khi đó đang trực chỉ huy, ngay lập tức cử bộ đội vác gạo tiếp tế cho thanh niên xung phong, và cũng từ đó anh thường xuyên sang thăm chị Hoa.

Tình yêu từ chiến hào: Hôn lễ ở Huổi Luông- Ảnh 5.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ma Lù Thàng (Phong Thổ, Lai Châu) sau trận chiến đấu 17.2.1979

Ảnh: TƯ LIỆU

Ban đầu, cứ thấy anh sang là chị Hoa trốn ra rừng. Phần vì xấu hổ, phần không biết nói chuyện và cũng thấy quê anh Quang ở tít miền Trung. Tuy nhiên, mưa dầm lâu cũng thấm. Đầu năm 1980, anh chị xin phép đơn vị cho tìm hiểu nhau và ngày 16.12.1980 tổ chức lễ cưới.

Đám cưới diễn ra tại hội trường đơn vị nhà gái, với sự tham dự của bộ đội Trung đoàn 193 và các nữ thanh niên xung phong lâm trường Huổi Luông. Chủ hôn là trung úy Nguyễn Lâm Thịnh, trợ lý chính trị Trung đoàn 193. Cỗ cưới chỉ đơn giản là bánh kẹo, trà thuốc do chú rể Vũ Hồng Quang đi… vay tiêu chuẩn của các sĩ quan trong tiểu đoàn.

Chú rể mặc quân phục thu đông của sĩ quan. Cô dâu diện quần đen áo sơ mi trắng. Nhưng cũng đầy đủ các nghi lễ, thủ tục. Riêng phần "người thân trong gia đình", chỉ huy 2 đơn vị phải thay thế, vì trước ngày cưới, đôi trẻ đã viết thư thông báo cho gia đình nhưng do quá xa nên người thân không kịp lên.

Tình yêu từ chiến hào: Hôn lễ ở Huổi Luông- Ảnh 6.

Phóng viên Thanh Niên với cựu nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hoa và cựu chiến binh - trung tá Lê Khắc Tâm (nguyên Phó chính ủy Trung đoàn 193, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu)

Ảnh: TƯ LIỆU

Một căn nhà mái lá, vách nứa đan được cấp tốc dựng, ghép vào dãy nhà tập thể của lâm trường, làm nơi ở cho đôi vợ chồng trẻ. Bộ đội Tiểu đoàn 1 vào rừng chặt gỗ đóng giường tủ, bàn ghế và hò reo khênh vào nhà làm quà cưới.

"Ở với nhau được 2 đêm thì quân địch lại quấy phá, anh ấy lại khoác ba lô lên trận địa. Gần 2 năm ở Lai Châu, anh Quang về nhà được chục lần, còn thì trực chiến liên miên", bà Hoa nhớ lại.

Nghệ An là quê hương thứ hai

Tháng 10.1981, chị Nguyễn Thị Hoa mang thai con trai đầu và xin thôi việc ở lâm trường Huổi Luông (Lai Châu) chuyển về quê Thái Thụy, Thái Bình. Giữa năm 1982, chị sinh con trai ở Thái Bình và đến năm 1984, khi chồng cũng xin nghỉ, chị mới bế con vào Nghệ An.

Tình yêu từ chiến hào: Hôn lễ ở Huổi Luông- Ảnh 7.

Cựu chiến binh Vũ Hồng Quang và con gái thứ hai

Ảnh: TƯ LIỆU

Lãnh đạo xã Nghi Trung (Nghi Lộc, Nghệ An) biết chuyện vợ chồng anh Quang - chị Hoa cùng trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới Lai Châu, nên ưu ái cấp cho mảnh đất ven QL1 (nay thuộc thị trấn Quán Hành, H.Nghi Lộc) để dựng quán bán bún phở, mì tôm, nước giải khát. Hơn 10 năm trời, quán bún phở của vợ chồng người cựu chiến binh biên giới Lai Châu đã nuôi sống cả gia đình, giúp 3 đứa con ăn học thành đạt.

Năm 2003, cựu chiến binh Vũ Hồng Quang mất vì bệnh hiểm nghèo. "Chúng tôi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cho nhân dân và con cháu mình được sống trong hòa bình… Hơn 20 năm ở bên nhau, là toại nguyện lắm rồi!", bà Hoa chia sẻ.

(còn tiếp)

Từ sáng 17.2.1979, cô Nguyễn Thị Hoa và chị em thanh niên xung phong lâm trường Huổi Luông đã liên tục vận chuyển cơm nước, thực phẩm, nhu yếu phẩm lên trận địa cho bộ đội. Ngày 19.2.1979, quân địch tấn công dữ dội hòng nhổ cho được "cái gai" 551.

Chiến đấu rất ác liệt, các nữ thanh niên xung phong đã vượt qua làn đạn pháo bắn chặn của đối phương, men theo đường hào trục từ bờ sông Nậm Na vác đạn vào 551 và đưa thương binh, tử sĩ về phía sau.

Ngày 20.2.1979, đại đội hỏa lực chúng tôi sắp hết đạn. Đúng lúc ấy, các nữ thanh niên xung phong gánh từng chùm đạn cối 82, vác từng hòm đạn DKZ, 12,7 mm lên tiếp ứng cho đơn vị. Trung đoàn 193 giữ được dãy điểm cao 551 trong 5 ngày đêm, đạt hiệu suất chiến đấu cao, để lại nhiều kinh nghiệm tác chiến, cũng nhờ sự chi viện kịp thời của các nữ thanh niên xung phong...

Trung tá Lê Khắc Tâm (nguyên Phó chính ủy Trung đoàn 193, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao