Chờ ngày xe buýt điện 'lên ngôi' tại Hà Nội

Hiện nay, Hà Nội đã có 14 tuyến xe buýt điện với hơn 200 xe điện. Theo kế hoạch đến năm 2030, toàn thành phố sẽ đạt 70% xe buýt chạy điện và đạt 100% năm 2035.

Lột xác hình ảnh xe buýt

Ngày 17.1, Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) tổ chức khai trương các tuyến xe buýt điện số 5, 39, 47. Sau đó 1 ngày, Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến cũng đưa vào khai thác vận hành tuyến buýt số 59 sử dụng xe buýt điện trung bình. Những chiếc xe buýt mới đưa vào vận hành trên 4 tuyến trên là dòng xe mới nhất của VinFast được nghiên cứu và phát triển tối ưu cho không gian đô thị Việt Nam, nhưng cũng tích hợp nhiều tính năng hiện đại, có thể tùy biến theo yêu cầu của đơn vị vận hành.

Chờ ngày xe buýt điện 'lên ngôi' tại Hà Nội- Ảnh 1.

Những chiếc xe buýt mới đưa vào vận hành trên 4 tuyến trên là dòng xe mới nhất của VinFast được nghiên cứu và phát triển tối ưu cho không gian đô thị

ẢNH: CTV

Việc Transerco và Bảo Yến "chốt đơn" những chiếc VinFast Green Bus 8 ngay khi dòng xe buýt này vừa được công bố, thể hiện quyết tâm gia nhập đường đua xanh của các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Transerco, cho biết doanh nghiệp đã nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ mới, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống trạm sạc, hạ tầng cung cấp điện để đưa 46 xe buýt điện vào hoạt động. Đây là tiền đề để triển khai các bước tiếp theo trong kế hoạch chuyển đổi phương tiện với mong muốn góp sức vào công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của TP.Hà Nội.

Những chiếc xe buýt màu xanh lá thân thiện với môi trường ngày càng được mở rộng thêm nhiều tuyến đang dần thay đổi hoàn toàn hình ảnh về "hung thần đường phố" trong mắt người dân Thủ đô. Hà Lan Anh (24 tuổi, sống tại Vinhome Smart City) cho biết kể từ khi VinFast đưa vào vận hành tuyến xe buýt đầu tiên, cô đã làm hẳn một video giới thiệu chi tiết cho mọi người về chiếc xe buýt "siêu xịn" này và nhận về rất nhiều phản hồi tích cực. Thời điểm đó (cuối năm 2021), di chuyển bằng xe buýt là một khái niệm rất xa vời đối với du học sinh vừa trở về từ nước ngoài như Lan Anh.

"Tôi học bên Úc 2 năm, chủ yếu di chuyển bằng xe buýt nhưng về Việt Nam thì thật sự rất khó. Mình cũng muốn bảo vệ môi trường nhưng xe buýt trước đây cũ, lên xe nóng và có mùi khó chịu khiến tôi say xe. Cũng vì xe cũ nên xả khói bụi rất nhiều. Đôi lúc vừa xuống tới bến, xe phóng vèo đi mà người mình còn bị xịt ám mùi khói. Xe buýt cũng không có làn ưu tiên nhiều nên di chuyển chậm, thường xuyên muộn giờ. Xe Vinbus khác hẳn. Là xe điện nên chạy êm ru, không xả khói. Xe mới nên điều hòa mát rượi, dùng wifi thoải mái miễn phí và đi trong nội khi còn được miễn phí. Nếu quên tiền mặt có thể trả bằng thẻ, không nhất thiết chuẩn bị tiền lẻ như xe buýt cũ. Chỉ có điều hơi ít tuyến. Giờ nếu Hà Nội đổi toàn bộ phương tiện xe điện mới, sắp xếp lộ trình phù hợp thì tôi tin chắc người dân, nhất là các bạn trẻ sẽ ủng hộ xe buýt mạnh mẽ" - Lan Anh chia sẻ.

Là người thường xuyên di chuyển bằng xe buýt tại TP.HCM, anh Thanh Sơn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã sớm đăng tải trên trang Facebook cá nhân hình ảnh những chiếc VinFast Green Bus 8 vừa lăn bánh trên đường phố Hà Nội, kèm bình luận: "10 điểm cho Vinbus về thiết kế xe buýt điện tiếp cận người khuyết tật, đặc biệt là người dùng xe lăn. Nhìn kỹ có biểu tượng người khuyết tật ngồi xe lăn trên xe và vị trí giúp xe lăn tiếp cận dễ dàng. Mong những chiếc xe buýt mới thân thiện và tiện lợi này sẽ nhanh chóng phủ sóng khắp Hà Nội và vào tới TP.HCM. Chỉ có chất lượng và sự tiện lợi mới có thể giúp người dân có cái nhìn thiện cảm hơn về xe buýt, chọn xe buýt, cùng bảo vệ môi trường".

Không chỉ người dân, ngay cả những tài xế lái xe lâu năm cũng rất mong được "đầu quân" cho những doanh nghiệp đang có kế hoạch chuyển đổi phương tiện mới như Vinbus. "Tôi là một tài xế đã nhiều năm lái xe buýt và hiện đang lái xe đưa đón công nhân. Từ khi nghe VinFast có dự án xe buýt điện, tôi thấy rất hợp lý và mong đợi. Hành khách mát thì mình cũng mát, khách khỏe, vui thì mình cũng khỏe, vui. Tôi mong muốn được đầu góp một phần nhỏ bé của mình, nếu được tuyển dụng vào các công ty để điều khiển những chiếc xe buýt vì môi trường này" - anh Trần Minh Hiếu (47 tuổi, sống tại Hà Nội) nêu nguyện vọng.

Chờ ngày xe buýt điện 'lên ngôi' tại Hà Nội- Ảnh 2.

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí đã và đang trở thành mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe và tương lai của nhân loại, xe điện được cả thế giới đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả nhất giúp làm giảm phát thải CO2 cho một tương lai xanh hơn, bền vững hơn

ẢNH: V.G

Đã làm, phải làm đến cùng

Rất ủng hộ các doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sang xe điện, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là hai vấn đề thách thức lớn đặt ra đối với Thủ đô. Nhiều giải pháp đã được thực hiện, trong đó, thành phố đang tập trung chỉ đạo để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản các phương tiện xe buýt của thành phố sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh xe buýt thân thiện để thu hút hơn nữa người dân sử dụng phương tiện công cộng…

Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở GTVT tham mưu UBND thành phố sớm trình HĐND thành phố ban hành cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch cũng như đầu tư hệ thống hạ tầng, trạm sạc đồng bộ.

PGS-TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng chuyển đổi giao thông xanh là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam. Để làm được, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội chứ không chỉ của Sở GTVT, của ngành giao thông hay của người làm giao thông.

Bà An đánh giá, thời gian qua Hà Nội có rất nhiều chủ trương quan trọng, giải pháp hỗ trợ, song chưa thực hiện hiệu quả. Cần lắng nghe đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, tiếp thu góp ý từ người dân và các chuyên gia một cách cầu thị để có thêm nhiều cơ chế, chính sách để thay thế các phương tiện giao thông cá nhân bằng phương tiện giao thông công cộng không dùng nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, cần quan tâm cải thiện mạng lưới đường xá, ưu tiên cho xe buýt xanh, sạch; quan tâm tới nguồn tài chính đầu tư cho hạ tầng. Cần có sự kết nối chặt chẽ trong hệ thống giao thông, giữa các loại hình phương tiện, đi kèm những chế tài rõ ràng, nghiêm túc.

"Câu chuyện phát triển giao thông xanh tại các đô thị lớn tại Việt Nam là một hành trình dài, bởi để thực hiện được mục tiêu này cần một lộ trình dài hơi. Phát triển đô thị xanh, không gian xanh là định hướng mang tính chiến lược, cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng.Tôi kiến nghị lãnh đạo TP.Hà Nội cần giao nhiệm vụ, trách nhiệm rõ cho từng đơn vị, đừng khai trương hoành tráng rồi sau đó lại lùi, nhạt dần. Đã không làm thì thôi, đã làm phải làm đến cùng", PGS-TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao