Tuồn ra thị trường hàng trăm tấn cà phê bột giả

Ngày 22.2, tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hải (Chủ tịch HĐQT Công ty sản xuất thương mại dịch vụ Phát Hải, trụ sở Bình Dương) và Lê Thị Thanh Tâm (Giám đốc chi nhánh công ty tại TP.HCM) để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Cà phê bột làm bằng đậu nành, vỏ cà phê vụn

Theo điều tra ban đầu, trước đó, qua theo dõi, phát hiện một tiệm tạp hóa ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bán cà phê bột nhãn hiệu "Cà phê bột Phát Hải chồn coffee" và "Coffee Phát Hải" có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã lấy mẫu kiểm tra, xác định các loại cà phê bột này có hàm lượng caffeine chỉ 0,41% - 0,46%, thấp hơn nhiều so với hàm lượng ghi trên vỏ bao bì là ≥ 1%.

Một công ty sản xuất, bán ra thị trường hàng trăm tấn cà phê bột giả- Ảnh 1.

Hai bị can Nguyễn Thanh Hải và Lê Thị Thanh Tâm bị điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả

ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

Qua xác minh, những sản phẩm cà phê trên do Công ty sản xuất thương mại dịch vụ Phát Hải (trụ sở tại Bình Dương) sản xuất và có chi nhánh tại TP.HCM. Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám xét tại trụ sở công ty ở Bình Dương, thu hơn 2.800 gói cà phê bột có trọng lượng gần 1.330 kg, cùng 7.500 kg đậu nành, 5.500kg vỏ cà phê đã xay vụn, 2.000 kg nguyên liệu hỗn hợp đậu nành đã rang trộn với vỏ vụn cà phê cùng nhiều hương liệu, vỏ bao bì.

Cơ quan điều tra đã xác định Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Sản xuất thương mại dịch vụ Phát Hải, dùng 10% cà phê hạt và các chất phụ gia, 70% đậu nành, 20% vỏ cà phê để sản xuất cà phê giả; hàm lượng caffeine chỉ từ 0,39% đến 0,41% so với bao bì ghi là 1%. Hải chỉ thuê người thân thích làm các khâu rang xay và thường xuyên thay đổi mẫu mã bao bì.

Một công ty sản xuất, bán ra thị trường hàng trăm tấn cà phê bột giả- Ảnh 2.

Các loại phụ gia dùng sản xuất cà phê bột giả được công an thu giữ

ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

Cơ quan chức năng kiểm tra sổ sách thu giữ của công ty này, xác định trong 11 tháng đầu năm 2024, chi nhánh Công ty Sản xuất thương mại dịch vụ Phát Hải sản xuất, bán ra thị trường 7 loại cà phê bột không đảm bảo chất lượng về hàm lượng caffeine, tổng cộng 344 tấn, trị giá khoảng 20 tỉ đồng.

Hàng chục vụ sản xuất cà phê giả

Theo Công an Đắk Lắk, từ cuối năm 2022 đến nay, đơn vị phát hiện 12 vụ sản xuất cà phê bột giả, tang vật thu hơn 20 tấn cà phê bột giả chưa kịp bán ra thị trường.

Hồi tháng 7.2022, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện một cơ sở sản xuất cà phê giả trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột mang thương hiệu cà phê chồn với giá 30.000 đồng/kg, rẻ hơn giá cà phê nhân xô vào thời điểm đó (43.000 - 44.000 đồng/kg). Qua điều tra, xác định Lương Thanh Phương (trú xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột) đã rang đậu nành trộn với kem bơ, nước mắm, muối mang xay thành bột, đóng gói vào bao bì in nhãn hiệu cà phê chồn để bán hàng trăm kg với giá chỉ 30.000 đồng/kg.

Cũng tại xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, thu giữ các sản phẩm cà phê bột mang nhãn hiệu Lozio coffee và Việt Hoàng coffee do Doãn Thị Minh Huệ (46 tuổi) là chủ hộ kinh doanh sản xuất. Các sản phẩm này trên bao bì đều công bố có hàm lượng caffeine đạt tối thiểu 1%, nhưng qua giám định, hàm lượng caffeine chỉ đạt từ 0,08% đến 0,23%.

Một công ty sản xuất, bán ra thị trường hàng trăm tấn cà phê bột giả- Ảnh 3.

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất cà phê giả ở Đắk Lắk hồi năm 2023

ẢNH: VIỆN KSND TỈNH ĐẮK LẮK

Gần đây nhất, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ, khởi tố Lương Đình Đệ (26 tuổi, trú TX.Buôn Hồ) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Qua kiểm tra 1.500 kg cà phê bột nhãn hiệu Coffee HLP Huynh Long Phát do Đệ sản xuất, cơ quan chức năng ghi nhận hàm lượng caffeine chỉ 0,5% (không đúng với công bố in trên vỏ bao bì). Tại xưởng sản xuất của Đệ, lực lượng Công an còn thu 500 kg đậu nành, 2 bao đậu nành đã rang tẩm phụ gia.

Ngoài ra, Công an tỉnh Đắk Lắk còn bắt nhiều vụ sản xuất cà phê bột giả ở tỉnh khác, đưa đến Đắk Lắk tiêu thụ. Điển hình là hồi tháng 7.2023, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk bắt vụ 1 xe tải biển số Quảng Ngãi chở hơn 600 kg cà phê bột không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp lên bán trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng chuyên chở khai nhận số cà phê bột trên sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH Tân Vĩnh Kỳ ở TP.HCM, sau đó vận chuyển đi bán tại các tỉnh.

Khám xét tại cơ sở sản xuất của công ty này, cơ quan điều tra đã phát hiện có 12.830 gói cà phê bột với nhiều nhãn hiệu, trên bao bì ghi thành phần sản phẩm nhiều loại cà phê, hàm lượng cafeine từ 1% đến 2%. Tuy nhiên, thực tế hàm lượng caffeine trong sản phẩm chỉ từ 0,0021% đến 0,11%, thấp hơn 70% so với hàm lượng cafeine đăng ký công bố chất lượng trên nhãn bao bì.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao