Điều này cho thấy TP.Đà Nẵng tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đối với quân nhân xuất ngũ. Tuy nhiên cần những giải pháp đồng bộ hơn để những kỳ vọng của lãnh đạo thành phố mang lại chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa.
Sau 2 năm, theo kết quả khảo sát nhu cầu của quân nhân xuất ngũ, vẫn có đến 89% đăng ký học nghề lái ô tô để chạy dịch vụ, chạy thuê cho các đơn vị, trong khi hiện chi phí đào tạo nghề lái xe khá cao.
Dù quá trình hướng nghiệp thường xuyên tư vấn các nghề khác như sửa ô tô, điện lạnh, bếp, công nghệ thông tin… nhưng quân nhân xuất ngũ vẫn thích học nghề lái xe, với suy nghĩ đơn giản nghề phổ biến, dễ học, dễ kiếm việc.
Tuy nhiên thực tế nguồn cung nghề lái xe vượt xa nhu cầu thị trường, dẫn đến quân nhân xuất ngũ học nghề này xong khó có việc làm, hoặc thu nhập không như kỳ vọng do tính cạnh tranh quyết liệt trên thị trường lao động, gây lãng phí đào tạo.
Bên cạnh đó, một số nghề đào tạo khác như sửa ô tô cũng chưa theo kịp sự phát triển đời sống xã hội, cơ sở thực hành khá lạc hậu so với thực tế xe đời mới hiện nay, nên không hấp dẫn hoặc học xong khó làm việc được ngay.
Một hướng mở khác của TP.Đà Nẵng là hệ thống chính trị, nhất là lực lượng an ninh trật tự cơ sở giải quyết công việc cho quân nhân xuất ngũ, nhưng trong bối cảnh hợp nhất và tinh gọn bộ máy như hiện nay, thì hiệu quả chưa như mong đợi.
TP.Đà Nẵng đã vận động, khuyến khích các doanh nghiệp trong KCN ưu tiên tuyển dụng quân nhân xuất ngũ, nhưng cũng thật khó cho doanh nghiệp nếu nhận người không phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Do đó cần gắn đào tạo với nhu cầu đầu ra, đó là sự liên kết giữa chính quyền địa phương với lực lượng vũ trang và doanh nghiệp sử dụng lao động cùng tham gia đào tạo. Có vậy mới tránh lãng phí nguồn nhân lực quân nhân xuất ngũ, vốn đã được trui rèn 2 năm trong môi trường quân ngũ, với sự kỷ luật, thể chất tốt, tinh thần cao và khát vọng trẻ.