TP.HCM: Phường Thủ Dầu Một lịch sử lâu đời, gắn liền với Sài Gòn, Gia Định

Theo Hội Khoa học lịch sử Bình Dương, Thủ Dầu Một là tên gọi được lắp ghép các từ của dân gian quen thuộc như: Gò đất cao có đồn binh lính trấn thủ (Thủ); trên gò có nhiều cây dầu gọi là miệt dầu (Dầu Một)… xuất hiện vào khoảng trước năm 1869. Thời điểm này Thủ Dầu Một là đơn vị cấp hạt thuộc tổng Bình Điền, huyện Bình An (thời Pháp thuộc).

TP.HCM: Phường Thủ Dầu Một lịch sử lâu đời, gắn liền với Sài Gòn, Gia Định- Ảnh 1.

Gò đất cao cạnh sông Sài Gòn, có nhiều cây dầu, nay là trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND phường Thủ Dầu Một

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Đến năm 1876, Đô đốc người Pháp là Dupré ra nghị định phân chia khu vực ngoại vi Sài Gòn thành 5 tiểu khu gồm: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Gia Định. Năm 1899, Pháp đổi tiểu khu thành tỉnh và lúc đó tỉnh Thủ Dầu Một là cấp hành chính có 12 tổng và 8 làng.

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (cũ), năm 1951 do yêu cầu thống nhất chỉ đạo chiến trường, Xứ ủy Nam bộ đã sáp nhập tỉnh Thủ Dầu Một và tỉnh Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên. Sau đó, năm 1955 lại tách 2 tỉnh với tên gọi như cũ và đến năm 1960 lại nhập lại thành tỉnh Thủ Biên.

TP.HCM: Phường Thủ Dầu Một lịch sử lâu đời, gắn liền với Sài Gòn, Gia Định- Ảnh 2.

Khu gò đất cao cũng là nơi đặt trụ sở của tỉnh Sông Bé, Bình Dương và thành phố Thủ Dầu Một trước đây

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập tiếp theo, đến năm 1972, tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập cho đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Năm 1976, tỉnh Sông Bé được thành lập, Thủ Dầu Một là trung tâm huyện lỵ của tỉnh Sông Bé với tên gọi là thị xã Thủ Dầu Một, sau này là thành phố Thủ Dầu Một (thuộc Bình Dương cũ), nay là phường Thủ Dầu Một (TP.HCM).

TP.HCM: Phường Thủ Dầu Một lịch sử lâu đời, gắn liền với Sài Gòn, Gia Định- Ảnh 3.

Biểu tượng cánh hoa dầu được xây dựng bên sông Sài Gòn cuối năm 2024

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Những công trình đậm nét văn hóa, lịch sử ở phường Thủ Dầu Một

Từ 1.7, khi Bình Dương sáp nhập với TP.HCM, Thủ Dầu Một được đặt tên thành phường Thủ Dầu Một, bao gồm các phường Phú Cường, Chánh Nghĩa, Phú Thọ, một phần của phường Hiệp Thành, Chánh Mỹ (thành phố Thủ Dầu Một cũ) nhập lại có diện tích 15,6 km2, dân số 88.132 người.

TP.HCM: Phường Thủ Dầu Một lịch sử lâu đời, gắn liền với Sài Gòn, Gia Định- Ảnh 4.

Phường Thủ Dầu Một bên cạnh sông Sài Gòn kết nối với xã Bình Mỹ (cùng TP.HCM mới) qua cầu Phú Cường

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Trung tâm của phường Thủ Dầu Một hiện nay được đặt tại phường Phú Cường (cũ). Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường được đặt tại khu gò đất cao (cạnh sông Sài Gòn), nơi khởi nguồn của tên gọi Thủ Dầu Một (từng là trụ sở của tỉnh Sông Bé, Bình Dương và thành phố Thủ Dầu Một cũ).

TP.HCM: Phường Thủ Dầu Một lịch sử lâu đời, gắn liền với Sài Gòn, Gia Định- Ảnh 5.

Chùa Hội Khánh hiện nay là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Thủ Dầu Một là địa danh có bề dày lịch sử, văn hiến có sự ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của người dân vùng đất này.

Cụ thể như chùa Hội Khánh có lịch sử gần 285 năm do thiền sư Đại Ngạn khai sơn năm Tân Dậu 1741. Đến năm 1861, chùa bị thực dân Pháp phá hủy và sau đó thiền sư Thích Giác Đắc đã cho xây dựng lại. 

Chùa Hội Khánh cũng là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các nhà chí sĩ yêu nước hoạt động cách mạng từ khoảng năm 1923 - 1926.

TP.HCM: Phường Thủ Dầu Một lịch sử lâu đời, gắn liền với Sài Gòn, Gia Định- Ảnh 6.

Khu vực ngã sáu - nơi có nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, một công trình kiến trúc độc đáo, gần chùa Bà Thiên Hậu

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Cách không xa chùa Hội Khánh là nhà thờ Chánh tòa Phú Cường được xây dựng từ năm 1864; Trường trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương (tiền thân là Trường mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một), do Pháp xây dựng từ năm 1901; chùa bà Thiên Hậu do cộng đồng người Hoa ở Thủ Dầu Một (các bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phú Kiến và bang Hẹ) xây dựng từ 1923…

TP.HCM: Phường Thủ Dầu Một lịch sử lâu đời, gắn liền với Sài Gòn, Gia Định- Ảnh 7.

Ngôi nhà cổ Trần Công Vàng ở phường Thủ Dầu Một được xây dựng từ những năm 1889, hiện được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Trước khi sáp nhập, thành phố Thủ Dầu Một là địa phương giàu có nhất Bình Dương (cũ), với mức thu ngân sách trên 12.957 tỉ đồng (năm 2024), lớn hơn các tỉnh lân cận và khu vực như Tây Ninh cũ (12.905 tỉ đồng), Bình Thuận (10.700 tỉ đồng), Bình Phước (9.968 tỉ đồng).

TP.HCM: Phường Thủ Dầu Một lịch sử lâu đời, gắn liền với Sài Gòn, Gia Định- Ảnh 8.

Chợ Thủ Dầu Một hiện nay, tiền thân là chợ Phú Cường cũng được xây dựng từ năm 1828, một trong những công trình có bề dày lịch sử ở Thủ Dầu Một

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Với truyền thống lâu đời, trải qua các thời kỳ lịch sử đã hình thành nên những văn hóa đặc sắc, hào sảng của người dân Thủ Dầu Một, như ngày nay thể hiện trong lễ hội rằm tháng giêng được chính quyền địa phương tổ chức hằng năm.

Người dân trong vùng ca tụng đây là "lễ hội miễn phí", khi khách hành hương từ khắp các tỉnh thành trong cả nước về đổ về đây được miễn phí từ đồ ăn, nước uống… cho đến xe ôm, sửa xe cũng miễn phí.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao