Từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài.
Ngay trong sáng nay 21.1, hệ thống quan trắc không khí IQAir xếp Hà Nội đứng vị trí thứ 2 trong danh sách thành phố ô nhiễm trên thế giới với chỉ số AQI ở mức 261, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức màu tím "rất không tốt". Trong đó, trạm đo ở Q.Tây Hồ ghi nhận chỉ số AQI cao nhất thủ đô là 479, mức nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng do đâu?
Tại Tọa đàm giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội sáng nay do Báo Tiền Phong tổ chức, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở TN-MT Hà Nội, cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng là thời tiết không thuận lợi, không khí không đối lưu lên cao được. Ở tầng thấp có nhiều sương mù khiến không khí đặc quánh, ứ đọng.
Cạnh đó, lưu lượng phương tiện giao thông đông hơn dịp cuối năm khiến không khí của thành phố bị ảnh hưởng xấu do bụi đường, khí thải.
Theo bà Chi, thống kê quý 4/2024 tại trạm quan trắc cố định và liên tục trên địa bàn cho thấy chỉ số ô nhiễm không khí ở mức kém là 48,91%, mức xấu là 44,37%.
Vì vậy, Hà Nội đã đưa vùng phát thải thấp vào luật Thủ đô để giảm nguồn ô nhiễm không khí từ giao thông. Vùng phát thải thấp bước đầu sẽ được thí điểm tại hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, là nơi có dân cư đông và đang có những nền móng để phát triển vùng phát thải thấp.
"Giải pháp vùng phát thải thấp tập trung vào các phương tiện giao thông, cụ thể khi lưu thông vào vùng phát thải thấp sẽ khuyến khích các phương tiện giao thông xanh, cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí", bà Chi nói.
Cần cơ chế win - win để triển khai vùng phát thải thấp
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoàng Ánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng không khí "có chân", không phải ở đâu gây ô nhiễm thì ô nhiễm ở đó mà ô nhiễm lan từ nơi này sang nơi khác. Vì vậy, giao thông xanh thực sự cần thiết để đảm bảo tiến trình phát triển bền vững.
Bà Ánh cho hay, Quốc hội, Chính phủ đã đưa kiểm soát không khí vào chương trình giám sát của Quốc hội; Chính phủ cũng đã giao Bộ TN-MT xây dựng đề án về xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị, đơn vị dự kiến trình vào quý 3/2025.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng vùng phát thải thấp không phải "cây đũa thần", chỉ là một trong những biện pháp góp phần cải thiện ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Tuy nhiên, hiệu quả của vùng phát thải thấp đã được chứng minh ở rất nhiều nước.
Bên cạnh việc bổ sung các phương tiện giao thông công cộng xanh, việc cả nước triển khai giải pháp thu phí không dừng, các giải pháp phương tiện thông minh, ứng dụng AI vào hệ thống điều khiển phương tiện giao thông... cũng góp phần hỗ trợ thực hiện vùng phát thải thấp.
Ông Tùng cho rằng, trước mắt cần xây dựng hệ thống tài liệu chi tiết để Q.Hoàn Kiếm, Q.Ba Đình có định hướng lập đề án, chứ không phải loay hoay đi tìm. Đặc biệt, các giải pháp phải đi trước hành động theo cơ chế win - win. Ví dụ, như hỗ trợ kiểm định xe máy, hỗ trợ chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện, xây dựng các trụ sạc điện trong 2 quận như thế nào, giảm giá giao thông công cộng, phát triển các hệ thống cho thuê xe đạp, xe điện. Ngoài ra, cần phải chú ý đến các vấn đề liên quận để tăng cường năng lực thực hiện.