Số phận dự án Đại Ninh sau khi 'đại gia' Nguyễn Cao Trí lãnh án tù

Chiều 20.1, TAND TP.Hà Nội tuyên án đối với 10 bị cáo trong vụ án liên quan đến dự án Đại Ninh (Lâm Đồng).

Trong số này, "đại gia" Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, là người duy nhất bị tuyên phạm tội đưa hối lộ, với mức án 3 năm tù.

Cùng với trách nhiệm hình sự của các bị cáo, tòa cũng đưa ra phán quyết về số phận pháp lý của dự án Đại Ninh.

Số phận dự án Đại Ninh sau khi 'đại gia' Nguyễn Cao Trí lãnh án tù- Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại tòa

ẢNH: PHÚC BÌNH

"Đại gia" Nguyễn Cao Trí phải nộp lại hơn 1.000 tỉ

Theo cáo buộc, sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra số 929 (năm 2020) kiến nghị thu hồi dự án trên, ông Trí mua lại 100% cổ phần của Công ty Sài Gòn Đại Ninh - chủ đầu tư.

Ông Trí sau đó lợi dụng mối quan hệ, dùng lợi ích vật chất để câu kết với nhiều cán bộ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm điều chỉnh trái pháp luật các quyết định liên quan đến việc xử lý sai phạm tại dự án Đại Ninh.

Kết quả là dự án này "hồi sinh", từ diện phải thu hồi sang không thu hồi. Ông Trí tiếp đó bán dự án cho Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Thiên Vương thuộc Tập đoàn Novaland, với mức giá 27.600 tỉ đồng. Nhờ đó, bị cáo được thanh toán 2.700 tỉ đồng.

Quá trình xét xử, ông Trí và Công ty Sài Gòn Đại Ninh đều cho rằng đây là giao dịch ngay tình, kiến nghị không tịch thu số tiền đã thanh toán, đồng thời xin được tiếp tục thực hiện dự án.

Tuy nhiên, theo bản án, từ trước năm 2020, Novaland đã tiếp cận bà Phan Thị Hoa (chủ tịch kiêm tổng giám đốc cũ của Công ty Sài Gòn Đại Ninh) và "đại gia" Nguyễn Cao Trí để mua lại dự án song không được chấp thuận. Sau đó, Novaland biết dự án bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi nên dừng lại.

Khi ông Trí bắt đầu mua lại Công ty Sài Gòn Đại Ninh và thực hiện phi vụ "bẻ lái" kết luận thanh tra, năm 2022, Công ty Sài Gòn Đại Ninh và Novaland ký thỏa thuận bảo mật thông tin nội bộ về dự án với giá trị 300 tỉ đồng.

Đến tháng 8.2022, hai doanh nghiệp ký thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần với nội dung chuyển nhượng 100% vốn điều lệ của công ty Sài Gòn Đại Ninh cho Novaland với tổng giá trị 27.600 tỉ đồng.

Công ty của Novaland sau đó chuyển 2.700 tỉ đồng cho ông Trí. Nhận tiền, ông Trí thanh toán cho bà Hoa 1.685 tỉ đồng, còn lại 1.015 tỉ đồng ông Trí sử dụng.

Đánh giá về giao dịch trên, tòa nhận định bà Phan Thị Hoa và các cá nhân lãnh đạo tập đoàn Novaland đều hiểu rõ tình trạng pháp lý của dự án Đại Ninh khi bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi, chấm dứt hoạt động, nhưng vẫn thực hiện chuyển nhượng cổ phần.

Cạnh đó, ông Trí sử dụng các cách thức biện pháp trái phép nhằm "hồi sinh" dự án, từ diện bị thu hồi sang không thu hồi, giãn tiến độ không đúng quy định pháp luật. Các bên ký kết thỏa thuận, hợp đồng chuyển nhượng và chuyển tiền cho nhau.

Hội đồng xét xử dựa trên các căn cứ đã nêu, xác định toàn bộ 2.700 tỉ đồng ông Trí nhận từ phía Novaland là xuất phát từ loạt các sai phạm. Đây là tiền hưởng lợi trái pháp luật, bị cáo Trí buộc phải nộp sung công quỹ nhà nước.

Cụ thể, ông Trí chuyển cho bà Hoa 1.685 tỉ đồng nên bà Hoa phải nộp lại số tiền này. Hơn 1.015 tỉ đồng còn lại, ông Trí đã sử dụng nên tòa buộc ông Trí phải nộp lại tiền.

Quá trình điều tra, bà Hoa đã tự nguyện nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tòa do đó cấm chuyển dịch, giao dịch đối với các bất động sản.

Với 1.015 tỉ đồng phần nghĩa vụ của ông Trí, tòa xác định bị cáo này còn bị kết án 6 năm tù trong vụ án Vạn Thịnh Phát, và có 7 bất động sản đang bị Cục Thi hành án dân sự TP.HCM kê biên. Ông Trí đã thực hiện xong nghĩa vụ dân sự trong vụ Vạn Thịnh Phát nhưng còn phải thực hiện nghĩa vụ trong vụ Đại Ninh, nên tòa phán quyết tiếp tục kê biên 7 bất động sản này.

Số phận dự án Đại Ninh sau khi 'đại gia' Nguyễn Cao Trí lãnh án tù- Ảnh 2.

Một góc thuộc "siêu dự án" Đại Ninh

ẢNH: LÂM VIÊN

Thu hồi 10 tỉ đồng liên quan cố Phó tổng Thanh tra Chính phủ

Đối với kết luận thanh tra số 1033 (bị ông Trí và các bị cáo "bẻ lái"), hội đồng xét xử kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét hủy bỏ. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng hủy bỏ chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 8 và các lần tiếp theo (nếu có) của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Với dự án Đại Ninh, hội đồng xét xử kiến nghị giao UBND tỉnh Lâm Đồng tiến hành các thủ tục cần thiết để thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh, chấm dứt hoạt động dự án theo đúng kết luận thanh tra số 929 và các quy định khác của pháp luật.

Đáng chú ý, hội đồng xét xử còn đề cập số tiền 10 tỉ đồng mà cố Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh đã nhận từ "đại gia" Nguyễn Cao Trí. Tòa cho rằng, hành vi của ông Minh có đầy đủ dấu hiệu của tội nhận hối lộ, nhưng do người này đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự, tuy vậy vẫn cần thu hồi số tiền 10 tỉ đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra đã kiến nghị tạm dừng giao dịch các tài sản nhà đất liên quan ông Minh. Vợ con ông Minh trình bày có 3 bất động sản đang bị kê biên, là tài sản chung của vợ chồng, tòa quyết định cấm chuyển dịch, giao dịch với các bất động sản này để đảm bảo nghĩa vụ nộp khoản tiền 10 tỉ đồng của những người thừa kế của ông Minh, trong phạm vi di sản ông Minh để lại.

Đối với cá nhân bà Phan Thị Hoa, người sáng lập Công ty Sài Gòn Đại Ninh, đã ký các thỏa thuận, hợp đồng về việc chuyển nhượng 100% cổ phần cho bị cáo Trí, nhằm thu hồi một phần chi phí đã đầu tư vào dự án Đại Ninh.

Cơ quan tố tụng xác định tuy bà Hoa biết ông Trí có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo Chính phủ và ông Trần Văn Minh nhưng lại không biết việc ông Trí thực hiện hành vi đưa hối lộ. Mặt khác, nguồn tiền ông Trí sử dụng để đưa cho các cá nhân liên quan là tiền cá nhân của ông Trí, do đó không đủ căn cứ xác định bà Hoa đồng phạm, nên không xử lý hình sự.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao