Phú Quốc đưa người ăn xin, sống lang thang vào Trung tâm Bảo trợ xã hội

Ngày 14.2, ông Phạm Văn Nghiệp, Phó chủ tịch UBND TP.Phú Quốc (Kiên Giang), đã ký kế hoạch tổ chức tập trung người già cô đơn, người cơ nhỡ, trẻ em, người tâm thần, người khuyết tật sống lang thang, xin ăn, đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang và giải quyết tình trạng người ăn xin, lang thang trên địa bàn Phú Quốc.

Phú Quốc đưa người ăn xin, sống lang thang vào Trung tâm Bảo trợ xã hội- Ảnh 1.

Người ăn xin trước cổng một ngôi chùa ở TP.Phú Quốc

ẢNH: HOÀNG TRUNG

Theo UBND TP.Phú Quốc, thời gian qua, việc này đã được thực hiện. Tuy nhiên, có nhiều đối tượng làm hồ sơ cam kết nhiều lần nhưng vẫn tìm mọi cách quay trở lại đảo để ăn xin. Đặc biệt, gần đây, trước sự phát triển về kinh tế của thành phố ở lĩnh vực du lịch, số người ăn xin ra đảo ngày càng nhiều, trong đó có cả gia đình và trẻ em người già, chủ yếu tập trung ở P.Dương Đông.

Những đối tượng này rất đa dạng, có người lười lao động đi ăn xin, có người do tàn tật, già yếu, có người giả danh đi ăn xin... Thực trạng người lang thang, ăn xin bám theo du khách để xin tiền, nhất là khu vực chợ đêm, chùa, đình, chợ Dương Đông, điểm du lịch, gây ra hình ảnh thiếu văn minh, làm mất mỹ quan và gây ấn tượng không tốt cho khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.

Trước tình hình trên, UBND TP.Phú Quốc chỉ đạo xử lý 3 đối tượng. Trước tiên, đối với người có hộ khẩu tại Phú Quốc, nếu thuộc xã, phường nào thì UBND xã, phường đó có trách nhiệm và biện pháp quản lý giáo dục tại địa phương, cho cam kết quản lý tại gia đình, nắm từng hoàn cảnh cụ thể và có biện pháp giúp đỡ học nghề hoặc nuôi dưỡng tại cộng đồng... Những người có hộ khẩu thuộc xã, phường này nhưng lại đi đến xã, phường khác trong địa bàn thành phố thì UBND xã, phường liên hệ với nhau để tiếp nhận người thuộc địa phương mình quản lý.

Đối với người hộ khẩu ngoài Phú Quốc, tổ chức tập trung đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang thì UBND xã, phường thành lập tổ khảo sát quản lý. Đồng thời, nắm thông tin sàng lọc, phân loại, đề nghị và lập danh sách gửi Phòng LĐ-TB-XH làm thủ tục đề nghị đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để quản lý, chăm sóc.

Đối với người không có hộ khẩu tại địa phương nhưng không đủ điều kiện đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (gồm: người trong độ tuổi lao động, không phải là người già cô đơn, người tâm thần, người khuyết tật sống lang thang, người xin ăn) thì khi phát hiện UBND xã, phường mời về lập hồ sơ, biên bản cam kết không tái diễn ăn xin trên địa bàn và hỗ trợ giới thiệu việc làm để họ ổn định cuộc sống.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao