Ngành mắt TP.HCM sau sáp nhập họp bàn phòng chống mù lòa

Nguyên nhân gây mù chính vẫn là bệnh lý đục thủy tinh thể  

Ngày 11.7, Bệnh viện Mắt TP.HCM, Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu và Bệnh viện đa khoa Bình Dương đã tổ chức họp mặt ngành mắt tại phường Bà Rịa để trao đổi về công tác phòng chống mù lòa.

 - Ảnh 1.

Đại diện Bệnh viện Mắt TP.HCM thông tin về công tác phòng chống mù lòa trên địa bàn thành phố

ẢNH: NGUYỄN LONG

Theo Bệnh viện Mắt TP.HCM, tính đến tháng 8.2023 ước tính số người mù lòa và thị lực thấp khoảng hơn 200.000 người. Trong đó nguyên nhân gây mù chính vẫn là bệnh lý đục thủy tinh thể, tiếp đó là các nguyên nhân về tật khúc xạ, bệnh lý đáy mắt và glôcôm.

Đáng chú ý, tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên với tỷ lệ 15 - 20% học sinh ở nông thôn và 30 - 40% học sinh ở thành thị. Tại TP.HCM có hơn 1,7 triệu học sinh, với tỷ lệ như trên thì có khoảng gần 680.000 em học sinh có tật khúc xạ cần chỉnh kính.

 - Ảnh 2.

Các bác sĩ Bệnh viện Mắt TP.HCM, Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu và Bệnh viện đa khoa Bình Dương thăm hỏi các bệnh nhân đến Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu khám

ẢNH: NGUYỄN LONG

Hiện mạng lưới khám chữa bệnh chuyên khoa mắt ở TP.HCM cũ gồm: 1 bệnh viện chuyên khoa mắt công lập (Bệnh viện Mắt), 34 bệnh viện đa khoa công lập có chuyên khoa mắt, 7 bệnh viện chuyên khoa mắt ngoài công lập, 172 phòng khám chuyên khoa mắt và 95 phòng khám đa khoa có chuyên khoa mắt.

TP.HCM cũ có hơn 1.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động trong chuyên khoa mắt. Với quy mô dân số thành phố khoảng 10 triệu người thì bình quân thành phố có khoảng 1 nhân viên y tế chuyên khoa mắt/10.000 dân, cao hơn so với bình quân cả nước (0,4/10.000 dân) và đủ tiêu chuẩn so với định mức theo khuyến cáo của WHO (1/10.000 dân).

Theo thống kê báo cáo của các bệnh viện có khoa khám mắt tại TP.HCM, hầu hết các đơn vị đã trang bị đầy đủ trang thiết bị chuyên môn cơ bản, xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh về mắt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tuyến cơ sở chưa được trang bị thiết bị y tế nhãn khoa tối thiểu.

Bệnh viện đa khoa Bình Dương thiếu bác sĩ chuyên khoa mắt trầm trọng

Bác sĩ Huỳnh Trần Dương Giang, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện đa khoa Bình Dương, cho biết bệnh viện đang thiếu bác sĩ chuyên khoa mắt trầm trọng, không có bác sĩ chuyên về mắt nhi, bệnh võng mạc dịch kính, chấn thương mắt, bác sĩ và cử nhân khúc xạ chuyên sâu.

Ngoài ra, bệnh viện cũng đang thiếu các máy móc trang thiết bị trong khám, chẩn đoán, điều trị. Việc đấu thầu các vật tư y tế, thuốc, hóa chất bị gián đoạn gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho bệnh nhân trong điều trị nội, ngoại trú.

Bác sĩ Giang đề nghị Bệnh viện Mắt TP.HCM tiếp tục đào tạo phẫu thuật viên phaco cơ bản và nâng cao, phẫu thuật viên glocom, phẫu thuật võng mạc dịch kính, phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật mắt trẻ em; tăng cường đào tạo thêm khoảng 3 bác sĩ có chứng chỉ khúc xạ và 5 kỹ thuật viên khúc xạ.

Thầy thuốc nhân dân, tiến sĩ, bác sĩ CK2 Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết bệnh viện đã được phê duyệt danh mục 1.135 kỹ thuật. Trong đó 275 kỹ thuật mắt, còn lại là các kỹ thuật chuyên khoa liên quan như nội, da liễu, nhi, thẩm mỹ, hồi sức cấp cứu.

 - Ảnh 3.

Khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu

ẢNH: NGUYỄN LONG

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Giáp đề nghị Bệnh viện Mắt TP.HCM hỗ trợ xây dựng đề án xã hội hóa theo cơ chế quản lý của TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng và an toàn người bệnh, ký bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ toàn diện giữa 2 bệnh viện.

Về chuyên môn, hỗ trợ phẫu thuật dịch kính võng mạc, hỗ trợ triển khai phẫu thuật khúc xạ, hỗ trợ triển khai phẫu thuật mắt nhi, phối hợp tổ chức đào tạo liên tục lớp phẫu thuật mộng.

Hiện có gói tài trợ khám khúc xạ cho 50.000 học sinh, bác sĩ Giáp đề nghị Bệnh viện Mắt hợp tác triển khai, phối hợp tổ chức các lớp chăm sóc mắt ban đầu cho tuyến cơ sở, nghiên cứu phân công công tác chỉ đạo tuyến trên địa bàn TP.HCM và xây dựng kế hoạch phòng chống mù lòa chung cho toàn thành phố.

Thạc sĩ, bác sĩ CK2 Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM cam kết hỗ trợ các đơn vị, cùng phát huy thế mạnh ở các bệnh viện để xây dựng kế hoạch chung trong phòng chống mù lòa của toàn thành phố. 

Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng cam kết hỗ trợ các đơn vị trong công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý vận hành để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan của Bệnh viện Mắt nhanh chóng xây dựng kế hoạch phòng chống mù lòa và cơ chế phối hợp để cùng phát triển.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao