Thời đại số làm chúng ta quen dần với việc quản lý thông tin cá nhân qua mạng xã hội và kiểm soát chi tiêu qua tài khoản ngân hàng. Nhưng điện - "nhiên liệu sống" của kỷ nguyên hiện đại lại hiếm khi được cá nhân hóa trong quá trình sử dụng, ít người nghĩ đến việc quản lý và tối ưu hóa nó như một "ngân sách" hay "hồ sơ năng lượng" riêng.
Ai cũng muốn tiết kiệm điện, nhưng mỗi người một thói quen: người mê nấu nướng bằng nồi chiên không dầu, người bật tivi suốt từ chiều đến tối, người thích mở nhạc 24/7, người xem máy quạt là cứu tinh không thể thiếu... Vì vậy chuyện xài điện lãng phí vẫn "xảy ra như cơm bữa" mà chẳng hay.

Cá nhân hóa "tài khoản điện" như mạng xã hội, thúc đẩy quyền chủ động và phản xạ tiết kiệm trong gia đình
Ảnh: TGCC
Khi hóa đơn tiền điện đến tay, cả nhà đều sửng sốt: "xài chi dữ vậy?", nhưng chẳng biết cụ thể dùng cái gì, khi nào, ra sao. Lẫn lộn giữa tiện nghi và phung phí, cứ thoải mái "vung tay quá trán", dùng điện thả ga càng sa vào guồng quay tốn kém.
Một lần tình cờ, tôi buột miệng nói đùa: "Giá mà mỗi người đều có một tài khoản điện riêng như tài khoản mạng xã hội, thì biết liền ai "like" quá tay, ai đang "spam" điện trong nhà". Không ngờ câu nói ấy lại "bật công tắc" nhận thức cho cả gia đình, hình thành nên ý tưởng: cá nhân hóa hành vi tiêu dùng điện theo kiểu quản lý tài khoản mạng xã hội, gắn với tư duy tài chính hộ gia đình.
Hồ sơ năng lượng - dùng điện như dùng mạng xã hội
Mỗi thành viên sở hữu một "tài khoản điện cá nhân" như một profile Facebook - nơi cập nhật toàn bộ hành vi sử dụng điện hằng ngày: quạt chạy bao lâu, tivi bật lúc nào, ai thường quên tắt đèn, ai sạc điện thoại suốt đêm...
Các dữ liệu này được trực quan hóa thành biểu đồ đơn giản, phân chia theo ngày - giờ - thiết bị - khu vực sử dụng, có thể ghi tay hoặc nhập vào công cụ Google Sheet. Nhờ đó dễ dàng xác định: người nào tiêu thụ điện nhiều nhất, thiết bị nào có hệ số sử dụng (utilization factor) bất thường và đâu là "điểm nghẽn" dẫn đến tình trạng tiêu thụ quá tải vào giờ cao điểm.
Cá nhân hóa "tài khoản điện" như mạng xã hội, thúc đẩy quyền chủ động và phản xạ tiết kiệm trong gia đình. Từ thế bị động chuyển thành chủ động, các thành viên tự điều chỉnh thói quen. Sử dụng điện thông minh, có trách nhiệm, tháo gỡ những "nút thắt" tiêu tốn không cần thiết và tăng nội lực tiết kiệm như cách giới hạn thời gian online mạng.
Thiết kế mô hình "tài khoản điện" trong gia đình
Nhà tôi áp dụng mô hình này qua 3 bước:
Bước 1: Gắn trách nhiệm theo người - thiết bị:
Mẹ lo khu bếp, giám sát tủ lạnh, nồi cơm điện, ấm siêu tốc, chẳng để thiết bị hoạt động trống.
Ba đảm nhận phòng khách, chịu trách nhiệm tắt tivi trước lúc ngủ và ngưng dùng quạt hơi nước khi ra ngoài.
Anh trai chuyên nghe nhạc, phụ trách loa âm thanh, đèn phòng, đảm bảo sử dụng hợp lý, không bật cả ngày và rút sạc khi đầy.
Tôi làm việc tại nhà, ưu tiên ánh sáng và gió mát tự nhiên, cam kết không dùng quạt quá 3 giờ liên tục và luôn tắt laptop khi rời bàn.
Bước 2: Phân bổ thời gian sử dụng điện theo khung giờ:
Giờ vàng (sáng sớm và sau 21 giờ): Điện áp ổn định, ưu tiên dùng các thiết bị ngốn điện như máy giặt, bàn ủi, nồi cơm điện, nồi chiên không dầu, giúp tối ưu hiệu suất hoạt động đồng thời tăng độ bền.
Giờ bạc (buổi chiều): Thời điểm điện tiêu thụ bắt đầu tăng cao, cần sử dụng có chọn lọc. Chỉ bật quạt, đèn tại khu vực đang sinh hoạt, hạn chế mở nhiều thiết bị cùng lúc gây quá tải cục bộ.
Giờ đồng (giữa trưa): Nắng gắt, điện áp dễ quá tải, tranh thủ nghỉ ngơi, tránh sử dụng thiết bị sinh nhiệt có công suất lớn hay mở tủ lạnh thường xuyên.
Mỗi người tự xây dựng một "đồng hồ sinh học điện", biết lúc nào nên dùng lúc nào nên tiết giảm.
Bước 3: Lập bảng theo dõi - cảnh báo mức tiêu thụ:
Dán bảng "tài khoản điện" gần cầu dao, ghi mức điện chuẩn mỗi tháng (ví dụ: 300 kWh cho 4 người), chia theo tuần (không quá 75 kWh) và gắn mã màu theo mốc cảnh báo:
Xanh lá: Dùng đúng mức - tiếp tục phát huy.
Vàng: Vượt 5-10% - cảnh báo nhẹ.
Đỏ: Vượt trên 10% - cảnh báo mạnh, cần cắt giảm.
Theo dõi lượng điện tiêu thụ của từng thành viên - ai dùng vượt mức sẽ được cảnh báo bằng màu sắc trực quan.

Theo dõi lượng điện tiêu thụ của từng thành viên - ai dùng vượt mức sẽ được cảnh báo bằng màu sắc trực quan
Ảnh: TGCC
Quản lý điện như quản lý ngân sách cá nhân
Bước đầu của tiết kiệm điện là hiểu rõ mình đang dùng bao nhiêu, từ đó "unfollow" thiết bị thừa, cách dùng bừa và "follow" thiết bị cần, cách dùng chừng mực.
Mỗi thiết trong nhà có thể ví như một "fanpage". Tủ lạnh, máy giặt hoạt động định kỳ là thứ bắt buộc "follow đều đặn". Còn tivi, quạt máy chỉ dùng theo nhu cầu nên đưa vào chế độ "unfollow có chủ đích" thông qua rút phích cắm trực tiếp hoặc dùng ổ cắm có công tắc để ngắt hoàn toàn dòng điện chờ (standby) - vốn chiếm tới 10% tổng điện năng gia đình.
Ở góc độ tài chính năng lượng, điện nên được nhìn nhận là một khoản chi tiêu định mức. Thay vì chỉ là khoản chi phí chung, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu thì nên phân bổ như ngân sách tài chính rõ ràng, chẳng hạn mỗi người được sử dụng tối đa 2,5 kWh/ngày. Nếu vượt quá, sẽ phải giảm lại vào hôm sau, như tiêu tiền đúng hạn mức thẻ ATM. Do đó điện dùng có kế hoạch, có kỷ luật và không còn cảnh đổ thừa lẫn nhau.
Để giám sát hiệu quả, cần thiết lập một cơ chế nội bộ với 4 nguyên tắc:
Đo: Ghi nhận dữ liệu về lượng điện tiêu thụ của từng thành viên theo ngày, giờ.
So sánh: Đối chiếu mức sử dụng thực tế với trung bình ngày, tuần, hoặc giới hạn đã đặt ra.
Cảnh báo: Góp ý khi có người vượt quá 10% mức điện tiêu thụ cho phép.
Can thiệp: Điều chỉnh thói quen sử dụng, cắt bớt thời gian vận hành thiết bị hoặc đề xuất thay đổi sang thiết bị tiết kiệm hơn.

Mỗi thiết bị như một "fanpage" dùng có chọn lọc và theo dõi hợp lý là bí quyết tiết kiệm điện thông minh
Ảnh: TGCC
Sau một tháng thử áp dụng, tiền điện của gia đình tôi đã giảm đáng kể. Khi được trao quyền tự theo dõi, ra quyết định, ai cũng ý thức biết tự "kiểm kê năng lượng", thói quen tiết kiệm chả còn là việc cao siêu, khẩu hiệu hay mệnh lệnh mà trở thành phản xạ.
Để điện như dòng chi chảy đúng thì bền ví, chúng ta không cần thay đổi nhiều thiết bị, chỉ cần thay đổi cách dùng và cách nghĩ.
130 triệu đồng tiền thưởng và quà hấp dẫn đang chờ chủ nhân
Tiếp nối thành công của 2 mùa trước, cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3 An toàn - Tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia năm nay mở rộng thông điệp: Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn để ngăn ngừa tai nạn, phòng chống cháy nổ.
Chúng tôi tìm kiếm những câu chuyện chân thật, kinh nghiệm hữu ích, sáng kiến hay từ chính cuộc sống, hộ gia đình, cơ quan - để cùng lan tỏa hành vi sử dụng điện thông minh, bền vững và an toàn.
Thời gian nhận bài: Từ ngày 22.4 đến 22.7.2025.
Gửi bài qua email: [email protected].
Hoặc gửi bưu điện về: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, TP.HCM.
(Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ chi tiết: Xem tại thanhnien.vn.
