Liên quan việc chính quyền Mỹ ra sắc lệnh chấm dứt việc mặc định cấp quốc tịch cho những trẻ em được sinh ra trên đất Mỹ, thẩm phán Joseph Laplante từ tòa án quận thuộc tiểu bang New Hampshire ngày 10.7 đã ra phán quyết cấm tạm thời sắc lệnh trên. Đồng thời, vị thẩm phán cũng ngăn chặn việc thi hành sắc lệnh đối với trẻ sơ sinh và thai nhi có thể bị ảnh hưởng, NBC News đưa tin cùng ngày.

Người biểu tình đứng trước Tòa án Tối cao Mỹ hồi tháng 5
ẢNH: REUTERS
Ông Laplante ra quyết định trên sau khi các tổ chức bảo vệ quyền của người nhập cư đề nghị công nhận đây là vụ kiện tập thể, nhằm đại diện cho mọi trẻ sơ sinh có nguy cơ mất quốc tịch nếu sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi.
Theo CNN ngày 10.7, phán quyết của ông Laplante có ý nghĩa lớn vì Tòa án Tối cao Mỹ hồi tháng 6 đã hạn chế quyền của các tòa án cấp dưới trong việc ban hành các lệnh cấm trên toàn quốc, liên quan sắc lệnh chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh. Tuy nhiên, tòa vẫn cho phép nguyên đơn tìm cách chặn sắc lệnh thông qua vụ kiện tập thể - điều được áp dụng trong phiên tòa ngày 10.7 ở New Hampshire.
“Việc tước quyền công dân Mỹ và thay đổi đột ngột chính sách vốn tồn tại từ lâu sẽ gây những thiệt hại không thể khắc phục”, ông Laplante nhấn mạnh. Tu chính án thứ 14 đã được ban hành từ năm 1868 trao quyền công dân tự động cho hầu như bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ. Điều này lâu nay vẫn nhận được sự đồng thuận rộng rãi.
Thẩm phán Laplante đã hoãn thi hành phán quyết 7 ngày, để thời gian cho chính quyền ông Trump kháng cáo.
Tranh luận quyền công dân Mỹ theo nơi sinh tại Tòa án Tối cao
Sắc lệnh được ông Trump ban hành khi nhậm chức nhiệm kỳ 2 nêu rằng giờ đây, trẻ em được sinh ra trên đất Mỹ sẽ không mặc định trở thành công dân Mỹ, nếu cha mẹ đang sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ hoặc chỉ có thị thực tạm thời, theo AFP.
Chính quyền Mỹ nêu lập trường rằng Tu chính án 14 được đưa ra để giải quyết quyền của những người từng chịu thân phận nô lệ thời Nội chiến Mỹ, không bao gồm con em của những người nhập cư bất hợp pháp, hay những người đến Mỹ trong ngắn hạn.
Trước đó, nhiều thẩm phán khác cũng đã ra phán quyết cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump là vi hiến. Các lệnh cấm thi hành này đã vấp phải nhiều kháng cáo từ các chính quyền địa phương. Tòa án Tối cao Mỹ hồi tháng 6 đã không ra phán quyết về tính hợp hiến trong sắc lệnh của ông Trump, mà chỉ giải quyết vấn đề liên quan quyền hạn của những tòa cấp thấp.