Hạ tầng giao thông 'bó chân' du lịch

Phố biển Nha Trang ám ảnh ùn tắc dịp lễ, tết

Dịp Tết Ất Tỵ 2025 là lần thứ 2 chị Kim Young-Joo (người Hàn Quốc) cùng gia đình đến nghỉ dưỡng tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Khác với mùa đông 2022, nữ du khách lần này cảm thấy ngán ngẩm, bởi mỗi khi đến nhà hàng và các điểm du lịch, chiếc xe chở đoàn phải nhích từng mét trên đường Trần Phú (Nha Trang).

Hạ tầng giao thông 'bó chân' du lịch- Ảnh 1.

Nút giao Trần Phú - Hoàng Diệu (Nha Trang) thường xảy ra ùn tắc dịp lễ, tết

ảnh: Hoàng Đức

Nha Trang có hơn 600 tuyến đường được xây dựng từ rất lâu với tổng chiều dài khoảng 400 km theo dạng nan quạt. Đường Trần Phú dài khoảng 8 km chạy dọc bờ biển là cung đường chính tập trung các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, công viên, quảng trường, chợ đêm và kết nối các điểm vui chơi giải trí khác của phố biển nên luôn có mật độ giao thông cao và trở nên quá tải, ùn ứ, nhất là trong các ngày lễ, tết.

Ai cũng thấy, phương tiện giao thông tăng cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng giao thông TP, trong khi đó tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chỉ đạt 2%. Bên cạnh đó, đường sá lâu ngày xuống cấp nhưng không được nâng cấp, mở rộng cũng là nguyên nhân.

Ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, nhìn nhận tình trạng ùn ứ giao thông vào khung giờ cao điểm chỉ xảy ra tại một số tuyến đường trung tâm TP. Song tình trạng kéo dài có thể ảnh hưởng đến tâm lý của du khách, khiến du lịch địa phương này "hụt hơi" trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Theo ông, một số lý do chính là thiếu đất bố trí cho giao thông tĩnh, dẫn đến tình trạng đậu đỗ xe tràn lan trên các tuyến đường, thu hẹp lòng đường, giảm khả năng lưu thông. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra giải pháp và cơ chế quản lý hiệu quả, không nên "không điều tiết, phân luồng được giao thông thì chuyển sang cấm đường".

Để giảm tình trạng ùn tắc tại một số tuyến đường, chính quyền Nha Trang đã đưa vào sử dụng 3 bãi đỗ xe tạm với sức chứa khoảng 600 ô tô; tổ chức lại giao thông tại các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Tô Hiến Thành, Hồng Bàng, Lê Hồng Phong. Đồng thời cấm tất cả phương tiện ô tô khách trên 29 chỗ ngồi, kể cả xe có gắn phù hiệu "xe du lịch" lưu thông vào trung tâm TP giờ cao điểm.

"Việc cấm xe trên 29 chỗ vào thời điểm hiện nay chưa hợp lý. Các khung giờ cấm trùng với thời điểm du khách thường di chuyển từ tàu biển, tàu hỏa và hàng không bằng các xe trên 29 chỗ ngồi đến Nha Trang. Lúc này, du khách phải tách đoàn để tiếp tục di chuyển nên sẽ mệt mỏi, ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch, đồng thời còn gây khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành, phát sinh thêm chi phí", ông Nhựt nói.

Còn theo ông Trần Minh Đức, Giám đốc Công ty CP du lịch Long Phú - kiêm Chủ tịch Chi hội Lữ hành Khánh Hòa, các đơn vị lữ hành và nhiều du khách, đối tác chưa thật sự hài lòng với việc cấm xe trên 29 chỗ vào nội thị Nha Trang, bởi họ phải đi muộn, về sớm nên thời gian vui chơi, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch bị rút ngắn.

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay địa phương đang triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để hướng tới phát triển du lịch bền vững, đem lại trải nghiệm trọn vẹn, ấn tượng hơn cho du khách trong và ngoài nước khi đến Nha Trang - Khánh Hòa. Khánh Hòa đang tích cực xin phép Bộ Quốc phòng mở tuyến đường tạm qua sân bay Nha Trang cũ nối liền với đường Hoàng Diệu nhằm giảm tải cho tuyến đường ven biển Trần Phú.

Cùng với đó, TP.Nha Trang đã triển khai hình thành các bãi đỗ xe/giữ xe thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 để kiểm soát xe ra, vào (6 vị trí). Bên cạnh 3 bãi đỗ xe tạm đang hoạt động, 3 bãi đỗ xe tạm khác với sức chứa khoảng 700 ô tô sẽ được UBND TP.Nha Trang đưa vào hoạt động trong tháng 2.2025.

Ông Tuân cho biết thêm tỉnh đang kêu gọi nghiên cứu, đầu tư đường hầm và bãi đỗ xe ngầm trong khu vực nội thị. Tỉnh đã thống nhất chủ trương xây dựng tuyến đường hầm ở đường ven biển Trần Phú, đường hầm kết hợp bãi đỗ xe ngầm ở Quảng trường 2.4.

Gian nan đường đến phố núi Đà Lạt

Cũng chung nỗi lo ùn tắc vào mùa lễ, tết như Nha Trang, nhưng thời gian qua phố núi Đà Lạt (Lâm Đồng) bớt đi phần lo lắng này khi nhiều tuyến đường ở trung tâm được nâng cấp, mở rộng, lắp đặt đèn xanh, đèn đỏ.

Hạ tầng giao thông 'bó chân' du lịch- Ảnh 2.

Khu vực hồ Hoàng Văn Thụ (Đà Lạt) thường xuyên ùn tắc vào mùa cao điểm

ảnh: Gia Bình

Tuy nhiên, giao thông đối ngoại là nỗi lo của TP du lịch này khi tất cả đường dẫn đến Đà Lạt đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, quá tải. Từ TP.HCM đi Đà Lạt chỉ 310 km nhưng đi xe khách mất từ 8 - 9 tiếng, trong khi các dịp lễ, tết, đặc biệt Tết Ất Tỵ vừa qua thời gian di chuyển mất 12 - 14 tiếng.

Nguyên nhân QL20 từ ngã ba Dầu Giây đến TP.Đà Lạt thường xuyên quá tải. Nhiều đoàn du khách lái xe hơi lên Đà Lạt du xuân, nhưng do kẹt xe dọc QL20 và ở đèo Bảo Lộc, nên đành ghé lại TP.Bảo Lộc chơi tết thay vì đi tiếp lên Đà Lạt. Tương tự, từ TP.Nha Trang đi Đà Lạt chỉ 140 km, ô tô bình thường di chuyển từ 3 - 4 tiếng, nhưng mùa lễ tết thì phải mất hơn 5 tiếng khiến nhiều du khách rất mệt mỏi và ngán ngẩm.

Hạ tầng giao thông 'bó chân' du lịch- Ảnh 3.

Đèo Bảo Lộc dẫn lên Đà Lạt thường kẹt cứng mùa cao điểm

ảnh: Lâm Viên

Để tránh QL20, dịp Tết Ất Tỵ, gia đình bà Lê Phượng Vương (TP.HCM) chuyển sang đi cao tốc TP.HCM đến Lương Sơn (Bình Thuận), sau đó rẽ qua QL28B lên Đà Lạt. Thế nhưng "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", QL28B nhiều đoạn xuống cấp, đoạn đèo Đại Ninh đang nâng cấp mở rộng bụi mù mịt. Khi lên tới ngã ba QL20, tiếp tục bị kẹt xe từ H.Đức Trọng lên Đà Lạt. Do đó, khi trở về gia đình bà đành theo QL27 xuống Phan Rang - Tháp Chàm nhập vào cao tốc để về TP.HCM, chấp nhận chạy thêm khoảng 80 km để tránh kẹt đường.

Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết trong năm 2025 TP tiếp tục nâng cấp, mở rộng, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại 7 nút giao thông khác. TP đang mở rộng một số tuyến đường chính như Lê Hồng Phong, Bùi Thị Xuân, Hoàng Văn Thụ (dẫn vào làng hoa Vạn Thành và xã Tà Nung) và trong năm nay hoàn thành đường vành đai Đà Lạt (từ đèo Prenn đến thác Cam Ly dài 7,4 km), giao thông Đà Lạt sẽ thông thoáng hơn.

Ông Cao Thế Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng, chia sẻ: "Đà Lạt là điểm đến du lịch hấp dẫn, là điểm hội tụ nên xảy ra kẹt xe cục bộ là khó tránh khỏi, ở nhiều nước khác cũng vậy. Vào các dịp lễ, tết, chính quyền cần có kế hoạch phân luồng giao thông nhằm tránh ùn tắc cục bộ. Tại các nút giao thông cần có bảng hướng dẫn phân luồng trực quan.

Trong buổi gặp gỡ báo chí mừng xuân Ất Tỵ 2025 mới đây, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định địa phương này đang trong giai đoạn mở đường lớn để phát triển, quyết tâm làm đường cao tốc mở hướng cửa ngõ phía nam, các tuyến đường kết nối khu vực Tây nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ.

"Hai tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương sẽ được khởi công trước lễ 30.4.2025. Có được đường giao thông mới có sự phát triển mạnh mẽ về du lịch và thu hút đầu tư", ông Trần Hồng Thái cho hay.

Ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng, cho biết thêm tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp QL28B kết nối Bình Thuận - Lâm Đồng, đường nối từ Ninh Sơn (Ninh Thuận) lên H.Đức Trọng; ưu tiên đầu tư các tuyến kết nối liên vùng như QL27, QL55...

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao