Thấy nhau nhưng không "gặp"
Nhận thấy nhu cầu chất diệt khuẩn trong các bệnh viện (BV) rất lớn trong khi thị trường chủ yếu là hàng ngoại nhập giá cao, TS Trần Thị Ngọc Dung, Học viện KH-CN (Viện KH-CN năng lượng - môi trường, Viện Hàn lâm KH-CN VN), bắt đầu nghiên cứu phức hệ nano bạc để diệt khuẩn. Từ năm 2008, TS Dung nghiên cứu chế tạo băng gạc nano bạc điều trị vết thương.
Sau 4 năm, qua các thử nghiệm lâm sàng ở nhiều BV khác nhau (BV Bỏng quốc gia, BV T.Ư quân đội 108, BV Việt Đức) đều cho thấy băng gạc nano bạc của nhóm TS Dung rất hiệu quả trong việc điều trị tổn thương ngoài da, đặc biệt là các vết mổ và vết loét nhiễm trùng lâu ngày, khó lành. Khi bệnh nhân (BN) được dùng băng gạc này, số lần thay băng giảm, BN được giảm đau mỗi khi thay băng. Thời gian điều trị rút ngắn từ 10 - 50%. BN sớm ra viện (chi phí điều trị giảm), giá thành sản phẩm rẻ hơn của nước ngoài từ 8 - 30 lần.
"Sau 2 năm nghiệm thu (từ năm 2012 - 2014), chúng tôi tìm nhiều doanh nghiệp (DN) để hợp tác sản xuất, đưa các sản phẩm này ra thị trường. Nhưng câu chuyện không hề dễ dàng chút nào. Các DN không sẵn sàng. Họ thấy rằng đầu tư cho một dây chuyền là khá tốn kém, trong khi đó thị trường của sản phẩm chưa rõ ràng. Sau đó, chúng tôi quay trở lại với những nghiên cứu khác, chưa thể thương mại hóa nghiên cứu băng gạc nano bạc điều trị vết thương", TS Dung kể.
Năm 2022, TS Dung quay trở lại tiếp tục phát triển nghiên cứu trên do muốn giúp người thân cao tuổi bị lở loét nặng vì nằm lâu một chỗ sau tai biến. Hiệu quả đáng ngạc nhiên của các sản phẩm mà TS Dung tạo ra đã thuyết phục được một DN. Họ đồng ý đầu tư sản xuất bộ sản phẩm dung dịch làm sạch vết thương Silver Joy và dung dịch điều trị loét Silviet của TS Dung.
Giá bán 2 lọ dung dịch này tại các hiệu thuốc chưa đến 600.000 đồng. Trong khi đó, hiệu quả điều trị của bộ sản phẩm tương đương 20 băng gạc nano điều trị vết thương đang có trên thị trường (hàng nhập khẩu), loại rẻ nhất có giá 300.000 - 400.000 đồng/gạc.
"Mấy năm trước, các bác sĩ ở BV Việt Đức liên hệ với tôi, hỏi có sẵn sản phẩm nano bạc không, vì có đoàn chuyên gia nước ngoài đến làm việc ở BV và yêu cầu điều trị vết mổ của BN bằng nano bạc. Chúng tôi có những sản phẩm mà BV cần. Nhưng để sản phẩm của nhà khoa học ở các viện nghiên cứu vào được các BV là không dễ. Rào cản lớn nhất hiện nay là nhà nước chưa cho thành lập DN trong viện nghiên cứu. Nên nhiều khi nhà khoa học với bác sĩ trong BV "nhìn thấy nhau" mà không thể đến được với nhau", TS Dung chia sẻ.
Lơ mơ là phạm luật
PGS Lê Thị Nhi Công, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH-CN VN, cũng là một nhà khoa học có sáng chế đã được thương mại hóa thành công thông qua hình thức chuyển giao công nghệ cho DN. Bà và đồng nghiệp tạo ra chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng cách phối trộn các vi sinh vật lên men với than sinh học từ trấu. Khi chế phẩm được ứng dụng trong thực tế, thời gian xử lý ô nhiễm từ 30 ngày giảm xuống còn 14 ngày và giảm 30% chi phí so với phương pháp khác. Quy trình tạo ra chế phẩm này được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Một DN đã chủ động liên hệ với nhóm nhà khoa học, đề nghị được chuyển giao công nghệ.
Dù hai bên đều rất nỗ lực, dù được Viện Công nghệ sinh học tạo điều kiện, nhưng cũng mất 7 tháng mới chuyển giao xong. "Làm chui thì đơn giản hơn, kinh tế cũng tốt hơn, nhưng nhiều rủi ro. Trước hết là nhà khoa học không được bảo vệ bởi luật SHTT. DN dù mất tiền nhưng không được danh chính ngôn thuận, không được đăng ký DN KH-CN, đi cùng nhiều thiệt hại kinh tế khác", PGS Công nói.
PGS Công cho biết trên thực tế nhà khoa học cũng như các viện nghiên cứu rất ngại việc chuyển giao công nghệ, vì lơ mơ là phạm luật, trong khi lợi ích kinh tế không đáng kể, hoặc rất thấp. Theo Nghị định 70/2018 quy định về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH-CN sử dụng vốn nhà nước, tài sản là kết quả nhiệm vụ KH-CN phải chuyển về hết cho nhà nước, thậm chí tác giả cũng chẳng có quyền gì.
Theo điều 17 Nghị định 76/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Chuyển giao công nghệ, đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được bảo hộ quyền SHTT, mức thù lao trả cho tác giả thực hiện theo quy định của pháp luật SHTT, nghĩa là khoảng 15 - 20%. Nhưng do còn nhiều quy định gây tranh cãi, các nhà khoa học khi thực hiện chuyển giao công nghệ thường phải nhờ luật sư tư vấn để không làm sai luật.
Về phía các viện nghiên cứu, khi chuyển giao công nghệ, sau khi trả thù lao cho tác giả xong phải nộp hết kinh phí cho nhà nước. Vì thế, nhiều đơn vị cảm thấy phiền, vì công tác quản lý vốn đã nhiều việc, giờ lại "mua thêm việc".
Giao quyền cho nhà khoa học
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân nhìn nhận, hai vướng mắc chính khiến các đề tài khó chuyển giao cho DN, được thương mại hóa dù được nghiệm thu xuất sắc là quyền sở hữu và định giá kết quả nghiên cứu khi thực hiện chuyển giao thương mại hóa. Đây là vấn đề mà TS Dung và PGS Công gặp phải với các kết quả nghiên cứu của mình.
Theo ông Nguyễn Quân, với quy định tại luật Quản lý sử dụng tài sản công, kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước thuộc sở hữu của nhà nước. Do đó, nhà khoa học không thể tự tiện chuyển giao cho DN, vi phạm quyền sở hữu của nhà nước. Trong khi đó, nhà nước dù là chủ sở hữu, song lại không thể trực tiếp làm thủ tục chuyển giao, chuyển nhượng kết quả nghiên cứu cho DN được. Vì rằng bí quyết công nghệ, quy trình công nghệ do những người làm đề tài nắm giữ.
Chưa kể, theo quy định hiện hành, tài sản nhà nước khi chuyển giao cho tư nhân, DN thì phải định giá để có phương án thu hồi vốn đầu tư, hoàn trả ngân sách cho nhà nước. Tuy nhiên, việc định giá những tài sản vô hình, kết quả nghiên cứu, bằng sáng chế, giải pháp công nghệ, bí quyết công nghệ dường như là "nhiệm vụ bất khả thi".
Cùng quan điểm, GS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng quy định sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc sở hữu nhà nước làm mất động lực hoàn thiện sản phẩm của cá nhân chủ trì nhiệm vụ. GS Tuấn đề nghị, sản phẩm trí tuệ hình thành từ các nhiệm vụ nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước cần gắn với cá nhân chủ trì đề tài và đơn vị chủ trì đề tài. Việc định giá sản phẩm, nếu có vẫn thuộc sở hữu chính đối với cá nhân chủ trì đề tài và một tỷ lệ phần trăm nhất định thuộc sở hữu của đơn vị chủ trì.
Theo ông Nguyễn Quân, đề xuất của GS Lê Anh Tuấn cũng là thông lệ quốc tế. Ở các nước phát triển, dù là nhà nước cấp kinh phí cho nghiên cứu nhưng khi nghiệm thu, đánh giá xong thì mặc nhiên quy định đó là sở hữu của nhà khoa học, và nhà khoa học được toàn quyền sử dụng kết quả nghiên cứu của mình khi chuyển nhượng cho DN hay góp vốn vào DN, bao gồm cả việc định giá kết quả nghiên cứu.
Khi đó, nhà nước gián tiếp thu hồi vốn đầu tư thông qua mức tăng trưởng thuế của DN; còn nhà khoa học có thể sống được bằng tài sản trí tuệ của mình và chủ động tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu. Theo cách này, các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao nhưng vẫn phải "phủ bụi trong ngăn kéo" sẽ giảm đi rất nhiều.
(còn tiếp)
Cơ chế kết nối nhà khoa học và DN
Phó chủ tịch Hội Sáng chế VN Vũ Mạnh Hùng đề nghị cần một cơ chế để kết nối, tạo sự phối hợp giữa nhà khoa học và DN. Việc này không chỉ giải quyết bài toán ứng dụng khoa học vào đời sống, mà còn góp phần tăng cường sự phát triển bền vững cho KT-XH. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cảnh báo tránh những "trào lưu" cực đoan, biến nhà khoa học thành DN và cho rằng cần một tổ chức trung gian giúp tư vấn chuyển giao kết quả nghiên cứu.