Vũ khí bị xem là lỗi thời trở nên giá trị trong xung đột Ukraine

Những ngày qua, các nước châu Âu có động thái nhằm bổ sung các loại vũ khí đã không được quân đội sử dụng trong thời gian dài. Cụ thể, theo Business Insider ngày 9.4, Phần Lan hồi tuần trước đã trở thành quốc gia châu Âu mới nhất bỏ lệnh cấm sử dụng mìn chống bộ binh, quy định đã kéo dài hàng chục năm. Ngoài ra, Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia tuyên bố sẽ hủy Hiệp ước Ottawa năm 1997 - trong đó cấm sử dụng, sản xuất và bán mìn chống bộ binh.

Một số nước giáp biên giới với Nga cũng tăng cường củng cố an ninh khi bố trí mìn dọc các địa điểm biên giới, trong bối cảnh xung đột tại Ukraine và căng thẳng giữa Nga với phương Tây tiếp diễn.

Vũ khí tưởng chừng lỗi thời tìm lại hào quang nhờ xung đột Ukraine

Các cuộc giao tranh tại Ukraine đã nêu bật năng lực của công nghệ quân sự tiên tiến, song chiến sự kéo dài cũng cho thấy tầm quan trọng của các vũ khí thuộc “thế hệ trước”, bao gồm đạn pháo và mìn. Đây cũng là các loại vũ khí được quân đội Nga và Ukraine sử dụng nhiều trong xung đột.

Trong khi các tên lửa dẫn đường mà phương Tây cung cấp cho Ukraine dễ bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga làm nhiễu tín hiệu, thì các loại đạn pháo, dù độ chính xác có thể không bằng, lại có thể được sử dụng với số lượng lớn hơn và khó bị can thiệp điện tử.

Vũ khí bị xem là lỗi thời trở nên giá trị trong xung đột Ukraine- Ảnh 1.

Quân đội Ukraine khai hỏa pháo tự hành tại tỉnh Donetsk ngày 6.4

ẢNH: REUTERS

Vào tuần trước, tướng quân đội Mỹ Christopher Cavoli, chỉ huy lực lượng đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khu vực châu Âu, nói với Ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ rằng Nga đang trên đường xây dựng kho đạn pháo “lớn gấp 3 lần Mỹ và châu Âu cộng lại”.

Nhà nghiên cứu Paul van Hooft, từ tổ chức nghiên cứu RAND Europe (trụ sở tại Anh), nói với Business Insider rằng sau vụ tấn công khủng bố vào Mỹ ngày 11.9.2001, các thành viên NATO đặt trọng tâm kế hoạch quân sự là chống lại các phong trào vũ trang cục bộ như Taliban tại Afghanistan, khi này mìn và đạn pháo không có nhiều hiệu quả.

Vũ khí bị xem là lỗi thời trở nên giá trị trong xung đột Ukraine- Ảnh 2.

Binh sĩ Ukraine xách ống màu bạc chứa mìn chống bộ binh POM-3 ở tỉnh Kharkiv năm 2022

ẢNH: REUTERS

“Quân đội phương Tây không tập trung vào cuộc chiến trên bộ quy mô lớn, nên những vũ khí như đạn pháo hay mìn không được coi là có giá trị”, ông van Hooft nói.

Các chuyên gia quân sự cho rằng chiến sự tại Ukraine đã thay đổi quan điểm về vấn đề vũ trang cho quân đội, đặc biệt trong kịch bản xung đột kéo dài và đối thủ là các lực lượng chính quy có tiềm lực mạnh. Khi đó, quân đội sẽ cần số lượng vũ khí, cũng như khả năng kết hợp giữa các loại vũ khí truyền thống và hiện đại, chẳng hạn máy bay không người lái (UAV) có thể giúp xác định vị trí mục tiêu, qua đó tăng độ chính xác cho pháo binh.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao