Các tên tuổi khởi nghiệp trong lĩnh vực không gian thương mại của Trung Quốc đang tăng tốc để đạt được bước đột phá, với hy vọng chạm đến năng lực đủ sức cạnh tranh với SpaceX của tỉ phú Musk ở tầm thế giới, theo báo The Straits Times.

Tên lửa đẩy của hãng LandSpace trong lần phóng thử vào cuối tháng 5
Ảnh: Reuters
Bùng nổ các vụ phóng tên lửa thương mại
Mới đây, một tên lửa nạp nhiên liệu methane đã rời bệ phóng ở sa mạc Gobi, mang theo 6 vệ tinh của Trung Quốc vào quỹ đạo, theo tờ China Daily. Đây là vụ phóng thành công lần thứ 5 của LandSpace, một trong những công ty không gian thương mại đang lên của Trung Quốc. Hai ngày sau, Công ty Galactic Energy đã phóng tên lửa từ tàu đang đậu ngoài khơi tỉnh Sơn Đông, đưa 4 vệ tinh vào quỹ đạo.
Số lần phóng tên lửa ở Trung Quốc của công ty quốc doanh lẫn tư nhân được dự báo sẽ đạt kỷ lục trong năm nay, theo các báo cáo trong ngành của nước này, trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực không gian thương mại. Trong nửa đầu năm 2025, Trung Quốc thực hiện hơn 30 vụ phóng vào quỹ đạo, bao gồm ít nhất 6 vụ phóng trong tháng 6. Năm 2024, quốc gia Đông Á lập kỷ lục với 68 lần phóng và năm 2023 là 67 lần.
Sau thời gian dài kiểm soát chặt chẽ, chính quyền Bắc Kinh quyết định mở rộng cửa cho phía tư nhân tham dự. Tính đến thời điểm hiện tại, số công ty tư nhân hoạt động trong ngành này đã vượt 500, Nhân Dân nhật báo đưa tin. Tại Bắc Kinh, hơn 160 công ty liên quan đến ngành không gian đã thành lập cụm doanh nghiệp có biệt danh "Phố tên lửa" ở quận Đại Hưng.
Theo nhiều ước tính khác nhau, dự báo thị trường không gian thương mại của Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh, từ khoảng 2.800 tỉ nhân dân tệ (hơn 9,5 triệu tỉ đồng) năm 2025 tăng lên hơn 6.600 tỉ nhân dân tệ (hơn 22,4 triệu tỉ đồng) năm 2029.
Tầng đẩy của tên lửa Starship được thu hồi thành công
Cuộc đua với Mỹ
Tính đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 6 công ty tư nhân của Trung Quốc thành công phóng tên lửa vào quỹ đạo. Tuy nhiên, chưa có gương mặt nào có thể phóng và thu hồi tên lửa đẩy như cách thức SpaceX đã làm được từ năm 2017.
SpaceX hiện vẫn là cái tên thống trị ngành công nghiệp không gian toàn cầu, chiếm hơn một nửa trong tổng số 259 vụ phóng lên quỹ đạo trong năm 2024. Điều này phần lớn nhờ vào dòng tên lửa tái sử dụng Falcon 9, giúp giảm đáng kể chi phí cho khách hàng.
Theo lời chuyên gia Clayton Swope, Phó giám đốc Dự án An ninh Không gian của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), Trung Quốc đạt tiến bộ hết sức rõ ràng, nhưng vẫn còn cách xa so với điều Mỹ đang làm.
Thế nhưng giới đầu tư Trung Quốc vẫn nuôi hy vọng lặp lại thành công của SpaceX bằng cách rót vốn vào các công ty có năng lực phóng tên lửa, với mục tiêu phát triển tên lửa tái sử dụng vì đây là yếu tố then chốt giúp giảm chi phí phóng và thu hút khách hàng quốc tế
Trả lời The Straits Times, TS Svetla Ben-Itzhak, giáo sư không gian và quan hệ quốc tế của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nhận định hiện các công ty tư nhân Trung Quốc đang chậm hơn SpaceX từ 5 - 7 năm về công nghệ tái sử dụng tên lửa. Tuy nhiên, khoảng cách đó có thể được rút ngắn nhờ vào những tiến bộ về động cơ đẩy và chu kỳ phát triển ngày càng được tăng tốc.
Các công ty không gian Trung Quốc đang hết sức lạc quan về triển vọng phát triển, với ít nhất 2 nhà sáng lập công ty cho rằng họ có thể đạt đến năng lực của SpaceX vào năm 2030. Theo TS Ben-Itzhak, nếu một công ty tư nhân Trung Quốc có thể vươn ra toàn cầu, điều này không chỉ thách thức vị thế thống trị thương mại của Mỹ, mà đồng thời còn thay đổi nhận thức về Trung Quốc trong lĩnh vực không gian dân sự.
Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Năm 2024, Trung Quốc lần đầu xác lập ngành không gian thương mại là "động lực mới cho tăng trưởng kinh tế" trong báo cáo làm việc của chính phủ, khuyến khích nghiên cứu những dòng tên lửa đẩy tái sử dụng. Quyết định này thúc đẩy các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực mới.
Hiện tại, các công ty tư nhân ở Trung Quốc cung cấp dịch vụ vô cùng đa dạng, từ du lịch không gian, internet vệ tinh, hình ảnh trái đất phục vụ mục đích phục vụ nông nghiệp hoặc kế hoạch đô thị, cũng như các vụ phóng đưa những vệ tinh cỡ nhỏ vào quỹ đạo. Trong đó, chuyến du lịch không gian đầu tiên dự kiến diễn ra năm 2027, với giá vé 5,1 tỉ đồng/ghế cho cuộc du hành 12 phút lên quỹ đạo.