Reuters ngày 12.4 dẫn nguồn tin cho biết Mỹ muốn kiểm soát tuyến đường ống khí đốt của Nga qua Ukraine để bù lại những gì đã viện trợ cho Kyiv trong hơn 3 năm chiến sự. Đề nghị bất ngờ này được đưa ra trong dự thảo thỏa thuận khoáng sản mới giữa Washington và Kyiv.
Một nguồn tin cho hay tài liệu bao gồm một yêu cầu của Mỹ, theo đó Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế của chính phủ Mỹ tiếp quản quyền kiểm soát một đường ống khí tự nhiên từ Hãng năng lượng Gazprom của Nga qua Ukraine đến châu Âu.
Đặc phái viên Mỹ gặp ông Putin, ông Trump chưa chọn được kế hoạch ngừng bắn
Đường ống này bắt đầu từ thị trấn Sudzha ở tỉnh Kursk của Nga, chạy sang thành phố Uzhhorod tại biên giới Ukraine với Liên minh châu Âu (EU) và Slovakia. Đường ống được xây dựng vào thời Liên Xô và là một phần chủ chốt trong cơ sở hạ tầng quốc gia. Hồi đầu năm, Ukraine khóa van toàn bộ đường ống dẫn khí đốt Nga sau khi hợp đồng 5 năm với Gazprom hết hạn.
Theo báo Ukrainska Pravda, Gazprom Nga không sở hữu đường ống nào tại Ukraine. Nhiều đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu đi qua Ukraine (như Soiuz, Prohres và Urengoy-Pomary-Uzhhorod) nhưng toàn bộ đều thuộc sở hữu của nhà nước Ukraine và do hãng vận hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của Kyiv kiểm soát.

Đường ống dẫn khí đốt tại Sudzha (Nga) gần biên giới Ukraine
ẢNH: REUTERS
Thông tin về đề nghị của Mỹ được đưa ra sau khi một phái đoàn của Ukraine được cho là đã đến Washington D.C để tham vấn kỹ thuật với chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 11-12.4 về thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận nguồn khoáng sản của Ukraine.
Theo Reuters, việc đối thoại giữa hai bên càng ngày càng khó khăn và dự thảo thỏa thuận mới nhất của Mỹ bao gồm những đòi hỏi tối đa hóa so với phiên bản hồi tháng 2, vốn đề xuất trao cho Mỹ kiểm soát 500 tỉ USD đất hiếm, dầu, khí của Ukraine.
Nhà Trắng, Nga và Ukraine chưa bình luận về thông tin của Reuters. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 10.4 nói sẵn sàng ký thỏa thuận hợp tác khoáng sản nhằm hiện đại hóa đất nước nhưng Ukraine chỉ đồng ý nếu có sự cân bằng giữa hai bên, với doanh thu chia đôi.