Đài Fox News ngày 21.2 dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz nói rằng Ukraine đã sai khi phản đối cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề hòa đàm giữa Ukraine với Nga.
Ông Waltz kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "hạ giọng" với Mỹ và nghiêm túc xem xét thỏa thuận về việc bán 500 tỉ USD tài nguyên thiên nhiên, trong đó có dầu và khí.
Đặc sứ của ông Trump gặp tổng thống Ukraine sau màn đấu khẩu căng thẳng
Trước đó hôm 19.2, ông Zelensky nói rằng dù Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 67 tỉ USD vũ khí và 31,5 tỉ USD hỗ trợ ngân sách, hành động đòi trả lại sự hỗ trợ bằng 500 tỉ USD khoáng sản là "không nghiêm túc".
Tổng thống Ukraine cho rằng đề xuất của Mỹ là thiếu công bằng vì không bao gồm các đảm bảo an ninh, trong khi ông không muốn Ukraine trở thành trung tâm của các nguyên liệu thô.

Ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 20.2
ẢNH: REUTERS
Theo ông Waltz, Kyiv đã sai khi phản đối cách tiếp cận của Washington về hòa đàm với Moscow, sau mọi thứ Mỹ đã làm cho Ukraine. Ông bác bỏ cáo buộc rằng Mỹ đã phớt lờ Ukraine và các đồng minh châu Âu khi loại họ khỏi cuộc đối thoại với Nga hôm 19.2. Ông cho biết đây là "ngoại giao con thoi" thông thường.
"Một số lời lẽ phát ra từ Kyiv… và những lời lăng mạ đối với Tổng thống Trump là không thể chấp nhận được", ông Waltz phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng.
"Rõ ràng là Tổng thống Trump hiện đang rất thất vọng với Tổng thống Zelensky, vì ông ấy không đến bàn đàm phán, vì ông ấy không sẵn lòng nắm bắt cơ hội mà chúng tôi đã đưa ra", ông phát biểu.
Theo tờ The Guardian, còn có những dấu hiệu khác cho thấy chính quyền của ông Trump giờ đây đang cân nhắc xa rời Ukraine về mặt ngoại giao.
Ông Trump gọi ông Zelensky là 'nhà độc tài' trong cuộc đấu khẩu về hòa đàm
Mỹ đang từ chối bảo trợ một dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về sự kiện đánh dấu 3 năm Nga đưa quân sang Ukraine. Nghị quyết lên án Nga và tái khẳng định chủ quyền của Ukraine, cũng như biên giới giữa 2 nước trước năm 2014 khi Nga chưa tuyên bố sáp nhập Crimea, theo Reuters.
Nhà Trắng còn không ủng hộ một thông cáo từ các nước G7 chỉ trích Nga và không ủng hộ kế hoạch cho phép ông Zelensky phát biểu trước lãnh đạo các nước trong nhóm này, theo tờ Financial Times. G7 gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý.